Thời gian gần đây, dù có đơn hàng khá dồi dào song nhiều DN dệt may, da giày lại đang đối mặt với khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu khi Trung Quốc kiên trì áp dụng chính sách “Zero Covid”. Với Tổng công ty May 10 thì sao, thưa ông? Hiện nay, cơ bản Tổng công ty May 10 đã có đơn hàng đến hết tháng 8/2022, riêng mặt hàng veston DN đã có đơn hàng đến hết năm. Tuy nhiên, May 10 NK 50% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc nên DN đang rất lo câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng khi không biết chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc sẽ áp dụng đến khi nào. Nếu Trung Quốc áp dụng thời gian ngắn, DN có thể giải quyết được bài toán nguyên vật liệu đầu vào nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng thời gian dài thì kể cả những đơn hàng DN đã ký kết đến tháng 8/2022 cũng có thể bị ảnh hưởng về tiến độ giao hàng. Trên thực tế, việc đình trệ vì Covid-19 của Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng tới Tổng công ty May 10 từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022. Nguyên phụ liệu vải của May 10 có thời gian sản xuất từ các nhà cung ứng là 35-50 ngày. Giữa tháng 4, đầu tháng 5, các nhà cung ứng tại Trung Quốc bắt đầu bị phong tỏa, đến nay vẫn đang phong tỏa thì DN sẽ bị ảnh hưởng 2 khía cạnh. Thứ nhất, với đơn hàng các nhà cung cấp đã sản xuất xong rồi sẽ bị ảnh hưởng vấn đề vận chuyển, May 10 chỉ bị chậm hàng từ 2-3 tuần. Tuy nhiên, nếu các nhà máy đang sản xuất vải cho May 10 tại Trung Quốc dừng sản xuất, họ có thể lùi đến hàng tháng, thậm chí 2 tháng. Thời điểm này là tháng 5 thì DN có thể ảnh hưởng đến tận tháng 7, tháng 8/2022 về nguyên phụ liệu. Xin ông cho biết, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc cộng với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang làm tăng thêm gánh nặng chi phí đầu vào như thế nào đối với Tổng công ty May 10? Tổng công ty May 10 đang đối mặt với câu chuyện chi phí tăng rất cao, không cẩn thận càng làm càng lỗ. Khi chi phí đầu vào tăng, thông thường giá bán không được tăng hoặc nếu có tăng thì tốc độ tăng của giá bán thành phẩm bao giờ cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của giá nguyên liệu đầu vào. Vào quý 4/2021, DN nhận định thị trường dệt may năm 2022 sẽ phục hồi quay trở lại, thậm chí tốt hơn thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay Tổng công ty May 10 đang phải dự đoán, thay đổi nhận định thị trường của quý 3 và quý 4/2022 năm nay. Nhà máy có thể rơi vào vòng luẩn quẩn là giá cả đầu vào tăng cao dẫn tới không dám sản xuất, không sản xuất nghĩa là đình trệ, DN gặp khó khăn nhưng nếu sản xuất trong bối cảnh giá cả tiếp tục tăng thì lại lỗ. Nhìn chung, có thể hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty May 10 trong nửa đầu năm vẫn tốt nhưng nửa cuối năm sẽ đối mặt khó khăn. Ở thời điểm trước mắt và cả định hướng dài lâu, Tổng công ty May 10 đã và đang triển khai các giải pháp ra sao để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu, thưa ông? Trước đây thông thường May 10 lập kế hoạch tổ chức sản xuất trong 1 tháng. Trong 25, 26 ngày công, tất cả các chuyền đã lập trước hết, nguyên phụ liệu theo đó mà làm. Tuy nhiên, trong thời kỳ Covid-19 năm 2020, 2021 May 10 đã áp dụng phương thức sản xuất linh hoạt theo ngày, thậm chí theo buổi. Hiện tại, DN đang xây dựng kế hoạch linh hoạt tổ chức sản xuất do yếu tố nguyên phụ liệu bất ổn, thay đổi thường xuyên. DN yêu cầu tổ chức sản xuất mã hàng nào gọn mã hàng đó, ngày nào gọn ngày đó, hết sức linh hoạt, rút ngắn lại sản xuất theo ngày, theo tuần thay vì theo tháng như trước đây. Bên cạnh đó, trong giai đoạn ngắn hạn DN chấp nhận những phương thức vận chuyển khác hơn trước đây. Ví dụ trước đây vận chuyển nguyên phụ liệu bằng tàu biển thì nay có thể đi bằng đường bộ; trước kia đi từ cảng Thượng Hải về Việt Nam thì hiện nay quay sang cảng Hồng Kông và từ cảng Hồng Kông về Việt Nam. May 10 cũng chấp nhận trong tình huống nào đó nếu khách hàng chia sẻ chi phí thì thay vì giao hàng bằng đường biển DN sẽ giao hàng bằng đường hàng không... Vấn đề thay đổi nguồn cung nguyên phụ liệu là câu chuyện DN đã tính đến từ 5 năm nay. Hiện tại, May 10 vẫn đang tăng cường mở rộng nguồn cung ngoài Trung Quốc như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... và nguồn cung ứng trong nước. Dự kiến, tỷ trọng này sẽ ngày càng tăng lên và DN có thể sẽ chủ động được nguồn cung trong 5-10 năm tới. Xin cảm ơn ông!
|