Về sự hình thành và phát triển của 2 cơ quan báo chí đến nay đã có khá nhiều bài viết được đăng tải. Riêng Báo Bình Phước,o Btỉ số trận mexico đầu tháng 1-2022, nhà báo Diệp Viên đã có 2 bài viết với tựa đề: “Báo Bình Phước - hành trình ¼ thế kỷ” nêu khá đầy đủ các sự kiện, mốc thời gian hình thành và phát triển của cơ quan báo. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập hai vấn đề của tờ báo và cơ quan Báo Bình Phước mà những bài viết trước chưa nói tới.
Xây dựng mạng lưới cộng tác viên
Tôi chuyển công tác từ huyện Phước Long về Báo Bình Phước đầu tháng 1-1997, với chức danh phóng viên. Tháng 4-1997, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Bạn đọc - Cộng tác viên (CTV), sau đó là Trưởng phòng Phóng viên, rồi Thư ký tòa soạn, trong đó thời gian làm Trưởng phòng Bạn đọc - CTV là dài nhất. Nhiệm vụ chính của Trưởng phòng Bạn đọc - CTV vẫn là đưa tin, viết bài, đồng thời phải làm công tác bạn đọc, tiếp công dân và xây dựng mạng lưới CTV cho báo. Nhiệm vụ khá nhiều nhưng cái khó nhất là việc về các huyện để tìm và xây dựng cho được những người có khả năng và biết viết báo để hằng tuần họ có tin, bài gửi về tòa soạn. Hồi ấy, CTV cho báo chỉ có thể là cán bộ, nhân viên làm tại các cơ quan như ban tuyên giáo, phòng văn hóa - thông tin hoặc đài truyền thanh huyện. Từ suy nghĩ đó, tôi đã đến tất cả ban tuyên giáo và đài truyền thanh các huyện để tìm và đặt vấn đề với những người có khả năng viết báo để làm CTV. Nhờ kiên trì tìm kiếm, động viên những người yêu thích nghề viết, mấy năm sau Báo Bình Phước có đội ngũ CTV khá đông, có thời điểm đạt khoảng 20-30 người thường xuyên có tin, bài. Họ vừa là “bạn viết” vừa là “bạn đọc” son sắt thủy chung của tờ báo tỉnh. Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), đội ngũ CTV lại được cơ quan báo mời về họp mặt, tuyên dương, trao thưởng những CTV có thành tích xuất sắc, đồng thời cùng cán bộ, phóng viên của báo trao đổi, tìm cách đổi mới làm phong phú nội dung và hình thức tờ báo nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của bạn đọc.
Những cộng tác viên tiêu biểu và gắn bó với Báo Bình Phước được tuyên dương tại buổi họp mặt kỷ niệm 88 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm 2013 - Ảnh: Sỹ Hòa
Tại các cơ quan, đơn vị quân sự như Binh đoàn 16, Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và các huyện đều có bộ phận làm công tác chính trị, tuyên huấn, trong đó không ít người có trình độ, khả năng viết báo rất tốt. Vì vậy, chúng tôi đã tranh thủ được đội ngũ này nên mảng đề tài về quân sự, công an, cơ quan báo không còn phải cử phóng viên trực tiếp đến viết bài, đưa tin, trừ khi có những sự kiện lớn hoặc được chính các cơ quan này mời phóng viên về. Hầu hết CTV mà tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi và sửa tin, bài đều có sự tiến bộ rõ rệt và dần trở thành những CTV thường xuyên của báo, một số người đến nay vẫn tiếp tục cộng tác với Đài PT-TH và Báo Bình Phước (BPTV). Đây là đội ngũ rất quan trọng, họ là những “cánh tay nối dài” của cơ quan báo chí, hỗ trợ, giúp đỡ các phóng viên khi về cơ sở tác nghiệp. Có thời kỳ, Báo Bình Phước đưa phóng viên về thường trú tại các huyện và nhờ ban tuyên giáo huyện ủy giúp đỡ. Tuy nhiên, người hỗ trợ đắc lực nhất cho phóng viên vẫn là những CTV tại địa phương đó. Sau này Báo Bình Phước có chế độ chi phụ cấp hằng tháng cho CTV thường xuyên khi họ hoàn thành và vượt định mức.
Báo Bình Phước trong lòng bạn đọc
Là người phụ trách công tác bạn đọc, tiếp công dân của cơ quan báo, tôi đã được gặp và làm việc với nhiều đối tượng. Trong những năm đầu tỉnh Bình Phước mới tái lập, người dân ở các huyện, xã có khá nhiều vấn đề cần phản ánh. Nhiều người cho rằng, trước đây do chính quyền tỉnh, cơ quan báo chí của tỉnh ở xa, đường sá đi lại khó khăn, nên bây giờ tỉnh về gần dân rất thuận lợi để họ đến trình bày vụ việc. Báo chí là tiếng nói của Đảng, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân nên hằng tuần có khá nhiều người tìm đến cơ quan báo. Trong những vụ việc mà cơ quan báo đã tiếp công dân, có không ít vụ tranh chấp đất trên địa bàn dân cư, thậm chí có vụ việc tranh chấp đất trong gia đình là anh em với nhau; có những vụ việc khiếu kiện nhiều năm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết… Người dân đến cơ quan báo để giãi bày, có người đến nhờ cơ quan báo cử phóng viên về điều tra, viết bài đăng báo.
Thời kỳ đầu mới thành lập, cơ quan Báo Bình Phước ở trong căn nhà cấp 4, có 2 gian, vừa là nơi làm việc vừa là nơi ăn, ở tập thể. Có hôm cơ quan đang ăn cơm trưa thì người dân đến phản ánh, tôi lại phải buông chén đũa xuống để tiếp đón. Có vụ việc dù báo đã nhận đơn và hứa với người dân sẽ chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết trong thời gian sớm nhất, có việc hướng dẫn người dân đến đúng địa chỉ cơ quan giải quyết của tỉnh nhưng họ nói “chỉ tin tưởng cơ quan báo chí” và mong phóng viên sớm về điều tra, làm rõ. Trong thời gian này, báo có khá nhiều bài viết thể loại điều tra được người dân rất tin tưởng và bạn đọc đánh giá cao. Tuy vậy, cũng có phóng viên do viết bài thiếu thẩm tra kỹ, lại dùng từ tùy tiện bị đối tượng kiện ra tòa. Tôi là người thay mặt Ban Biên tập và cơ quan báo đi dự các phiên tòa xét xử vụ việc. Vụ án này tuy không lớn, không phức tạp nhưng là bài học cho mỗi phóng viên trong lĩnh vực viết bài điều tra, nhất là việc dùng từ ngữ khi thể hiện lĩnh vực nhạy cảm.
Ngày 1-1-1997, Báo Bình Phước ra số đầu tiên 8 trang, in 2.000 tờ. Ngày 1-4-1997, báo ra 2 kỳ/tuần, đầu năm 1999 ra 3 kỳ/tuần, năm 2014 tăng từ 3 kỳ lên 5 kỳ/tuần. Tháng 9-2009, báo điện tử Bình Phước online ra mắt bạn đọc. Thời kỳ cao điểm (2014-2016), báo in Bình Phước đạt trên dưới 10.000 tờ/kỳ. Tháng 3-2002, xưởng in Báo Bình Phước đi vào hoạt động. Năm 1997, Chi bộ Báo Bình Phước được thành lập với 5 đảng viên, đến ngày hợp nhất với Đài PT-TH Bình Phước (sau 22 năm) là đảng bộ cơ sở với hơn 40 đảng viên. |
22 năm Báo Bình Phước thành lập và phát triển (1997-2019) đã cho “ra lò” một thế hệ cán bộ, phóng viên và CTV khá vững vàng, hiện vẫn đang tiếp tục làm việc và cộng tác tại BPTV. Hợp nhất với đài nhưng tên gọi “Báo Bình Phước” vẫn tồn tại, sản phẩm là tờ báo in (5 kỳ/tuần), báo điện tử và tờ Tin ảnh Bình Phước vẫn tiếp tục phát triển. Tôi được biết, Đảng ủy, Ban Giám đốc - Ban Biên tập BPTV đã xây dựng chiến lược phát triển các loại hình báo chí trên nền tảng công nghệ 4.0 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, BPTV tập trung xây dựng mô hình truyền thông đa phương tiện, tòa soạn hội tụ. BPTV cũng đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, trong đó bao gồm kỹ thuật viên, phóng viên, biên tập viên, đạo diễn… để nhanh chóng tiếp nhận, vận hành, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, làm chủ công nghệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tỉnh giao, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh.