【ket quả cup c2】Cần khép kín ô thuỷ lợi để chủ động điều tiết nước
Theo báo cáo nhanh từ Sở NN&PTNT, vụ lúa hè thu năm nay, các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau đã xuống giống được 35.244 ha; một số trà lúa đang ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh, đứng cái và làm đòng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm cho trên 573 ha lúa bị ngập úng, nguy cơ thiệt hại.
- Nhiều diện tích lúa hè thu bị ngập úng do mưa
Hơn 1 ha lúa hè thu đang ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh của ông Phạm Văn Út, Ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, thiệt hại hoàn toàn do mưa ngập.
573 ha lúa hè thu trên 40 ngày tuổi bị ngập úng thuộc các địa phương trong vùng trũng, lòng chảo của huyện Trần Văn Thời, trong đó có hơn 260 ha lúa chịu cảnh “chết trắng” không thể khắc phục, nông dân đành ngậm ngùi bỏ vụ.
Vụ lúa hè thu này, gia đình ông Phạm Văn Út, Ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, xuống giống hơn 1 ha lúa OM 5451, được gần 50 ngày tuổi, do mưa liên tục kéo dài đã làm toàn bộ diện tích bị ngập và thiệt hại .
Chỉ tay ra đồng nước mênh mông sau nhà, ông Út lo lắng: “Diện tích đất lân cận ruộng tôi cũng lâm vào cảnh như vậy và không khắc phục được. Năm ngoái cũng ngập như thế này, tôi lỗ hết 8 triệu đồng, giờ gặp cảnh tương tự”.
Để cứu lúa, nhiều người dân đã đặt máy bơm tát nước nhưng gặp khó do nước tràn bờ, hiệu quả bơm tát không cao.
Theo chính quyền địa phương thông tin, bà con trên địa bàn xã năm nay gieo sạ kịp theo lịch thời vụ.
Ông Cao Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, cho biết, xã có 16 ấp nhưng hết 10 ấp có diện tích lúa bị ngập úng với khoảng 391 ha, hiện tại những trà lúa trên 50 ngày tuổi đã ngập lên đến 2/3 thân cây. Việc khắc phục thiệt hại rất khó khăn bởi nước ngập tràn bờ, nếu tình hình thời tiết mưa lớn kéo dài thêm vài ngày nữa thì có nguy cơ mất trắng.
Ông Nguyễn Việt Khái, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, lý giải, việc ngập úng trà lúa hè thu năm nay do lượng mưa tập trung lớn, hệ thống trạm bơm hiện có của huyện cũng chưa đủ công suất để điều tiết nước. Một nguyên nhân nữa là, năm nay do điều kiện hạn hán kéo dài, mưa muộn, bà con lại chờ lượng mưa đủ để gieo sạ, nên có những diện tích bà con xuống giống trễ, cây lúa còn thấp và chưa đảm bảo về chiều cao nên khi mưa xuống lúa bị ngập sâu trong nước.
“Chúng tôi cũng đề xuất đến huyện để kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện các ô thuỷ lợi cũng như khoanh các ô thuỷ lợi ở các vùng trũng, nâng bờ bao, để chủ động bơm tát nước cho bà con. Còn giải pháp trước mắt, địa phương vận dụng tối đa hệ thống trạm bơm hiện có, khi nước ròng thì xổ kết hợp với bơm, nước lớn thì cống đóng lại vẫn tiếp tục bơm để làm sao tháo nước nhanh nhất, cho bà con có điều kiện tháo nước trong ruộng ra”, ông Khái cho biết.
Ông Khái cho biết thêm, hiện tại, đối với các diện tích lúa thiệt hại dưới 70%, Phòng NN&PTNT đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền bà con giặm lại số mạ hiện có. Riêng diện tích thiệt hại 100%, thời điểm này đã không còn kịp để thực hiện vụ hè thu. Phòng cũng tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện trong công tác chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là khuyến cáo bà con sản xuất đúng theo lịch thời vụ và gieo sạ đồng loạt để có biện pháp phòng tránh những rủi ro do thiên tai, thời tiết.
Hệ thống bơm hoạt động hết công suất nhưng vẫn không thể cứu được diện tích lúa đang ngập sâu trong nước do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài.
Theo ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, cho biết, để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân, trong những năm qua tỉnh thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn, đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi ngăn mặn, giữ ngọt phát triển sản xuất nông nghiệp; ưu tiên nguồn vốn để triển khai xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống thuỷ lợi tại vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, chưa thể đầu tư khép kín các ô thuỷ lợi nhỏ trong từng tiểu vùng nên việc nắng khô, mưa ngập thường xuyên xảy ra, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất của người dân.
Riêng Tiểu vùng III Bắc Cà Mau (vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời) có diện tích trên 40 ngàn ha nhưng địa hình lại không bằng phẳng, ở nơi gò cao và nơi trũng thấp chênh lệch nhau gần 1 m nên cùng lúc không thể điều tiết triệt để được nguồn nước. Nếu bơm tát nước vừa đủ để vùng trũng thấp sản xuất thì ở vùng gò cao lại thiếu nước. Ngược lại, để đủ nước sản xuất ở vùng đất gò cao thì lại xảy ra tình trạng ngập úng ở vùng trũng thấp.
Để giải quyết triệt để tình trạng nắng khô, mưa ngập, ông Trần Quốc Nam kiến nghị tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng ô thuỷ lợi nhỏ khép kín tại các tiểu vùng đã được đầu tư hoàn chỉnh, đặc biệt là Tiểu vùng III Bắc Cà Mau, nhằm chủ động hơn trong công tác điều tiết nước phục vụ cho nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi trong cùng tiểu vùng, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình sản xuất.
“Điểm nhấn trong quy hoạch thuỷ lợi là mô hình ô thuỷ lợi nhỏ, vừa điều tiết được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, hạn chế những thiệt hại do thiên tai. Trong 6 ô thuỷ lợi đã được đầu tư khép kín đã qua không xảy ra tình trạng ngập úng hay thiếu nước vào cuối vụ. Minh chứng cụ thể là ô thuỷ lợi Minh Hà thuộc xã Khánh Bình với gần 200 ha đã phát huy hiệu quả rất cao trong sản xuất, năng suất lúa trong ô cao hơn so với bên ngoài”, ông Nam tâm đắc./.
Trung Đỉnh - Hữu Nghĩa