Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội thảo Đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: CTV |
Ngày 25/2, sau khi làm việc với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) về những hoạt động triển khai trong năm 2022, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh do Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng tiếp tục chủ trì hội thảo Đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.
Hơn 200 chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp và bộ ngành liên quan đã tham dự sự kiện này.
Bà Phan Thị Thắng cho biết, với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện chính trị, xã hội ổn định và sự năng động kinh tế, TP. Hồ Chí Minh đã và đang là một đầu tàu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Với tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của TP. Hồ Chí Minh sẽ củng cố động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế. Có thể thấy, TP. Hồ Chí Minh đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức.
Phát biểu chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, trên thực tế, mặc dù chưa được xếp hạng trong Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu GFCI 30 (tháng 9/2021), nhưng TP. Hồ Chí Minh đang dẫn đầu danh sách 10 trung tâm tài chính tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách xếp hạng chỉ số GFCI chính thức, với 148/150 hạng mục đã hoàn thành đánh giá.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, việc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan chức năng liên quan sẽ giúp cho thành phố sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, đóng vai trò cung cấp các dịch vụ tài chính bao gồm huy động vốn, đầu tư, tiết kiệm, thanh toán, phát hành sản phẩm tài chính…, ban đầu là phát triển các nền tảng vững chắc của một trung tâm tài chính quốc gia (NFC), sau đó trở thành trung tâm tài chính khu vực (RFC), tiến tới trung tâm tài chính quốc tế (IFC) và toàn cầu (GFC).
Bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2022 phải thúc đẩy hình thành bằng được Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng liên quan phải bám sát để xử lý kịp thờ vấn đề phát sinh, trình UBND thành phố tháo gỡ./.