Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tính đến tháng 6/2018 đã có 100 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch cấp điện tỉnh/quốc gia với tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và 1.770 GW những năm sau đó. Còn với các dự án điện mặt trời trên mái nhà có tổng số 748 dự án với tổng công suất 11,55 MW. Tại hội thảo các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm những giải pháp thúc đẩy phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong cơ chế. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương tại hội thảo, ông Đặng Quốc Toản, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Năng lượng Tái tạo Greenasia cho biết, đến nay có thể khẳng định sau một năm Quyết định 11 và Thông tư về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam được ban hành, cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời, đặc biệt là dự án ở quy mô lớn là rất hấp dẫn nhà đầu tư. Chính vì thế đã thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời như: Mâu thuẫn với các quy định về thuế, thiếu các quy trình đấu nối, các chứng nhận về inverter, chưa có cơ chế rõ ràng cho người bán điện với người mua… đặc biệt là đối với những dự án điện mặt trời trên mái nhà. Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) – cơ quan điều phối Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là lộ trình điều chỉnh và thực hiện chính sách giữa các bộ ngành. Đơn cử như Bộ Công Thương đã có hướng dẫn thủ tục hợp đồng mẫu, thủ tục đấu nối nhưng điện mặt trời vướng câu chuyện thuế VAT mà chỉ Bộ Tài chính mới có thể giải quyết, đồng thời quy định pháp luật về điều kiện để các hộ gia đình tham gia sản xuất, trao đổi và kinh doanh điện khá rắc rối… Đây không chỉ là câu chuyện của Bộ Công Thương, mà còn là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN và Bộ Xây dựng. Để phát triển điện mặt trời bền vững và tạo sự lan tỏa sâu rộng, ông Trần Phước Hiền – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần phải có một chính sách phù hợp hơn, đảm bảo công khai minh bạch hơn kể cả vấn đề công khai về thông tin, tiềm năng, đặc biệt công khai về vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh điện mặt trời trong cả nước. Ông Hiền cũng mong muốn, Bộ Công Thương nên sớm hoàn chỉnh quy hoạch điện mặt trời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong phát triển điện mặt trời tại Quảng Ngãi nói riêng và trên cả nước nói chung. Trong khuôn khổ hội thảo, VSEA giới thiệu Chương trình “Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng”, với thông điệp “Mở đường cho năng lượng tái tạo đến từng gia đình Việt” đây chính một trong 5 hoạt động chính của Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2018, được tổ chức từ ngày 21- 26/8 tại nhiều tỉnh/ thành phố trong cả nước. |