Thời gian qua,áiphiếuchínhphủtrởthànhkênhdẫnvốnquantrọkqbd kazakhstan Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã nỗ lực cải tiến công tác tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), đưa TPCP trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời với việc cải cách này, KBNN đã giúp tăng hiệu quả công tác quản lý nợ công của Chính phủ.
Đa dạng hóa việc phát hành TPCP
Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết, từ nhiều năm nay, trong quá trình thực hiện tổ chức phát hành TPCP, KBNN luôn có những cải cách, đổi mới, hoàn thiện phương thức phát hành như: tập trung thực hiện theo phương thức đấu thầu đảm bảo minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả; cải tiến quy trình phát hành, rút ngắn thời gian từ lúc phát hành đến lúc trái phiếu (TP) chính thức giao dịch; phát hành TP theo lô lớn...
Bên cạnh đó, KBNN đã phát hành đa dạng các loại TPCP, gồm loại trả lãi cố định, không trả lãi định kỳ, TPCP có kỳ trả lãi đầu tiên ngắn hơn hoặc dài hơn kỳ trả lãi chuẩn... Trong đó, TPCP truyền thống có lãi suất cố định trả lãi định kỳ chiếm tỷ trọng lớn, kỳ hạn đa dạng gồm TPCP có kỳ hạn 1 năm đến 30 năm, thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng nhà đầu tư.
Ngoài ra, KBNN đã tiến hành quản lý danh mục TPCP thông qua thực hiện nghiệp vụ hoán đổi TPCP (hoán đổi TP ngang kỳ hạn để giảm các mã TP nhỏ lẻ, kém thanh khoản; hoán đổi các TP có kỳ hạn còn lại ngắn đổi sang các TP kỳ hạn còn lại dài để kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục nợ TPCP...).
Với các cải cách trên, KBNN không chỉ hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho cân đối ngân sách mà còn giúp tăng hiệu quả quản lý và sử dụng vốn thông qua kéo dài thời gian vay nợ.
Theo KBNN, trước đây, TPCP do đơn vị phát hành thường có kỳ hạn ngắn (bình quân khoảng 2 - 3 năm). Do đó, NSNN thường xuyên phải vay đảo nợ để trả các khoản vay trước đó dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư không cao. Tuy nhiên, từ năm 2015, thực hiện chủ trương của Quốc hội về phát hành TP kỳ hạn dài, KBNN chủ yếu phát hành loại TP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Điều này đã giúp cải thiện kỳ hạn của cả danh mục TP, tăng hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời giảm áp lực trả nợ đối với NSNN.
Đặc biệt thời gian qua, trong điều kiện kinh tế vĩ mô được Chính phủ điều hành ổn định, mặt bằng lãi suất được cải thiện theo hướng giảm dần, KBNN đã bám sát thị trường và điều hành linh hoạt công tác huy động vốn. Nhờ đó, lãi suất phát hành TPCP giảm mạnh từ mức 12%/năm (năm 2011) xuống mức 6,54%/năm (năm 2014) và tiếp tục giảm dần xuống trong các năm 2017, 2018 đã góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả công tác quản lý nợ công.
Tiếp tục đa dạng sản phẩm TP để phát triển thị trường
Theo KBNN, việc NSNN huy động được khối lượng lớn TP dài hạn với chi phí hợp lý trong những năm gần đây chứng tỏ niềm tin của nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai. Điều này cũng được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao tại hội thảo về chiến lược phát triển KBNN mới đây. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng cho rằng, việc Việt Nam không phát hành TP loại dưới 5 năm như hiện nay dẫn đến thiếu lãi suất tham chiếu cho phân đoạn thị trường ngắn hạn, theo đó có thể hạn chế thị trường TP phát triển. Do đó, Bộ Tài chính (KBNN) cần cân đối phát hành TP ngắn hạn với khối lượng phù hợp để thiết lập đường cong lãi suất chuẩn có đầy đủ kỳ hạn như thông lệ quốc tế.
Với các góp ý này, KBNN cho biết, ngoài việc vẫn tập trung vào các sản phẩm truyền thống như hiện nay, trong thời gian tới đây, KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu để đa dạng hóa sản phẩm TP cho thị trường. Đồng thời, KBNN sẽ nghiên cứu các loại TP có cơ chế phòng ngừa rủi ro, lạm phát, vừa tối ưu hóa lợi nhuận vừa giảm rủi ro cho các nhà đầu tư như TP gắn với chỉ số lạm phát, TP có lãi suất thả nổi… với một tỷ trọng phù hợp trong tổng mức phát hành.
Hoạt động giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. |
Bên cạnh đó, KBNN sẽ đẩy nhanh việc đấu thầu hoán đổi mua lại TPCP bởi hoán đổi TP là nghiệp vụ cơ cấu nợ phổ biến được các nước phát triển thực hiện thường xuyên trong quản lý danh mục nợ. Vì vậy, việc hoán đổi TP cần thực hiện liên tục bằng phương thức đấu thầu để đảm bảo đơn giản thủ tục, minh bạch thông tin và tạo thành thông lệ thường xuyên cho thị trường sẽ đạt hiệu quả quản lý nợ cao hơn.
Ngoài ra, theo bà Huệ, KBNN sẽ tiếp tục tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch. Đồng thời, duy trì kỳ hạn danh mục TPCP bình quân ở mức 6 - 8 năm, kết hợp hài hòa giữa phát hành kỳ hạn dài để kéo dài danh mục nợ với kỳ hạn ngắn để tiết kiệm chi phí.
Về điều hành lãi suất, KBNN tiếp tục phát hành theo hướng tiếp cận lãi suất thị trường đảm bảo duy trì sự ổn định của thị trường TPCP, phù hợp với định hướng điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Song song với đó, KBNN sẽ thực hiện phát hành các sản phẩm mới như TPCP xanh, TPCP có lãi suất thả nổi,... phù hợp với nhu cầu và điều kiện thị trường; phát hành hỗ trợ thanh khoản cho các nhà đầu tư với mục tiêu tăng cường thanh khoản cho thị trường, phát triển thị trường sơ cấp gắn với thị trường thứ cấp, theo quy định tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu nợ TPCP trong nước giai đoạn 2019 - 2021 thông qua việc tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài; phát hành linh hoạt TPCP có kỳ thanh toán lãi đầu tiên dài/ngắn hơn kỳ thanh toán chuẩn và thực hiện hoán đổi/mua lại TPCP để tránh đỉnh nợ, giảm sức ép về nghĩa vụ thanh toán TP đến hạn cho NSNN; thực hiện phát hành bổ sung để tăng quy mô mã TP, hình thành các mã TP chuẩn.
Với các định hướng đưa ra, theo bà Huệ, KBNN sẽ hướng tới cải thiện hơn nữa các mục tiêu quản lý nợ công an toàn, bền vững mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Vân Hà