Ảnh minh họa |
Nhiều người theo dõi vụ án không khỏi phẫn nộ về những hành vi vô lương tâm, vô liêm sỉ của những kẻ chức cao, quyền lớn trong vụ án và cho rằng câu Kiều phản ánh đúng hơn bản chất vụ án này là câu “Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
Thật vậy, những tình tiết được làm rõ hơn tại phiên tòa cho thấy, những đối tượng vi phạm dù có chức vụ, học vấn cao nhưng đã coi thường pháp luật, coi thường đạo đức, lợi dụng tình cảnh khó khăn của người dân để kiếm tiền. Bị cáo Phạm Trung Kiên- Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế ép doanh nghiệp phải nộp tiền theo mức anh ta yêu cầu, nhất là khi Thứ trưởng đã ký phê duyệt chuyến bay anh ta “ép” nếu không nộp tiền thì không được đóng dấu. Theo Viện kiểm sát, Phạm Trung Kiên nhận hối lộ số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong các bị cáo, với 253 lần nhận hối lộ tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng". Còn đối tượng Nguyễn Thị Hương Lan- Cục Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), như kết luận điều tra, khi thừa hành công vụ đã tạo lợi ích nhóm gây nhũng nhiễu, đặt ra những tình huống bắt buộc doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết thủ tục. Ví như, bà Lan tự ý ra văn bản yêu cầu dừng thực hiện chuyến bay khi doanh nghiệp đã thuê tàu bay, đã bán hết vé; sát ngày bay mới thông báo, thay đổi kế hoạch bay, số hành khách để doanh nghiệp “phải gặp chi tiền”. Hàng chục tỷ đồng mà họ hối lộ, ăn chia đó đều được “moi” từ túi người dân.
Những tù nhân người Việt Nam tại Malaysia đa phần là ngư dân đánh bắt cá trên biển mà phía Malaysia cho rằng vi phạm lãnh hải. Họ mãn hạn tù trong lúc đại dịch Covid-19 bùng phát nên phía nước bạn yêu cầu Việt Nam đưa công dân về nước. Vậy nhưng đối tượng Trần Việt Thái với cương vị là Đại sứ Việt Nam tại Malaysia đã nhanh chóng biến trách nhiệm của mình là “giải cứu tù nhân” thành cơ hội để ăn tiền. Họ là tù nhân ở nước ngoài, hoàn cảnh khó khăn đủ bề nhưng bằng nhiều mánh khóe, Trần Việt Thái và thuộc cấp vẫn thu của mỗi tù nhân từ 20,3 triệu đến 34 triệu đồng với tổng số tiền hơn 44 tỷ đồng rồi thản nhiên chia chác. Đó chỉ là một vài ví dụ về sự táng tận lương tâm của những kẻ có chức, có quyền thoái hóa biến chất trong vụ án đầy phẫn nộ này.
Nhìn thẳng thực tế, các đối tượng phạm tội trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đã vì tiền mà bất chấp luật pháp, đạo đức, liêm sỉ. Chúng kiếm tiền bằng những hành vi bỉ ổi, bức ép doanh nghiệp, dân nghèo trong hoàn cảnh khốn khó.
Đáng phẫn nộ hơn, miệng lưỡi của những kẻ phạm tội này tại phiên tòa vẫn cố tình lươn lẹo, có phần cợt nhả với pháp luật và dư luận, như đánh tráo hành vi hối lộ là việc “cám ơn”, coi công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài như... người thân; việc nhận số tiền từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng hối lộ chỉ là “vô tình” là “số đen”, là “không nhận thức được”; nhận hối lộ vì đó không phải tiền ngân sách nhà nước, khi bị bắt gọi điện dặn vợ “chuẩn bị 3 tỷ đồng trả lại cho Nhà nước và coi như anh đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi về”...
Hình vi của những kẻ phạm tội trong vụ việc “chuyến bay giải cứu” rõ ràng là vi phạm pháp luật trắng trợn, táng tận lương tâm không chỉ gây thiệt hại cho những người dân khốn khó mà nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương, phép nước và niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền. Nhân dân đang chờ đợi sự phán quyết nghiêm minh của phiên tòa, để những kẻ bất lương phải bị trừng trị thích đáng trước pháp luật.