Tại huyện biên giới Bù Đốp,ketquabongda trực tiếp nơi mà ngành nông nghiệp đóng vai trò “trụ đỡ” trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện đang tập trung tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Huyện Bù Đốp có diện tích trồng lúa gần 2.000 ha, sản lượng đạt 6.193 tấn. Với lợi thế về đất đai, nguồn nước, những cánh đồng lúa ở đây có thể cho canh tác từ 2-3 vụ mỗi năm. Tuy nhiên, sản xuất lúa của người dân lâu nay vẫn mang tính tự phát, thiếu liên kết theo chuỗi dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Trước tình hình đó, đầu năm 2022, huyện đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) gạo Sóc Nê với 12 thành viên. HTX ra đời không chỉ bao tiêu đầu ra gần 500 tấn lúa mỗi năm, xa hơn sẽ góp phần thay đổi nhận thức canh tác cây lúa theo hướng truyền thống, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo Bù Đốp, góp phần nâng cao giá trị, năng suất, thu nhập cho người dân.
Hợp tác xã gạo Sóc Nê ra đời góp phần thay đổi nhận thức canh tác lúa theo hướng truyền thống, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo Bù Đốp
Anh Lê Văn Dũng, thành viên HTX gạo Sóc Nê cho biết: Trước đây, người dân trồng lúa theo cách truyền thống, ít khi để ý đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Từ ngày HTX gạo Sóc Nê ra đời, chúng tôi đã ký kết với người dân trồng lúa theo hướng hữu cơ và bao tiêu sản phẩm.
“Hiện chúng tôi đã ký kết với 4/7 tổ hợp tác trồng lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn toàn huyện. Bắt đầu vào mùa vụ, HTX sẽ cung cấp nguồn giống, phân bón cho người dân. Trong quá trình cây lúa sinh trưởng, HTX sẽ phối hợp với cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống tận ruộng hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Trong đó, đặc biệt chú trọng cách bón phân, xịt thuốc sao cho vừa đạt năng suất cao vừa đảm bảo các quy định an toàn về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật” - anh Dũng cho biết thêm.
Nhờ tuân thủ các quy trình canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, đến nay sản phẩm bưởi da xanh ruột đỏ của Hợp tác xã bưởi da xanh Bù Đốp đã thâm nhập được vào một số siêu thị lớn
Trong khi đó, HTX bưởi da xanh Bù Đốp xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 53 ha tại xã Tân Tiến. Nhờ tuân thủ các quy trình canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, đến nay sản phẩm bưởi da xanh ruột đỏ của các thành viên HTX đã được cấp chứng nhận GlobalGAP và giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Anh Lê Ngọc Chiến, thành viên HTX bưởi da xanh Bù Đốp cho biết: HTX có 25 thành viên, phần lớn diện tích bưởi đã trồng được 5 năm, thuộc địa bàn xã Tân Tiến. Hiện năng suất trung bình đạt khoảng 10 tấn/ha, giá bán 25 ngàn đồng/kg.
Theo anh Chiến, so với thị trường thì giá bán không cao nhưng bù lại đầu ra luôn ổn định. Hiện phần lớn sản phẩm bưởi da xanh ruột đỏ của HTX đã được xuất vào các siêu thị. “Tham vọng của chúng tôi là vừa mở rộng diện tích vừa tiếp tục củng cố, xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Bù Đốp có chỗ đứng vững trên thị trường để hướng đến xuất ngoại” - anh Chiến bày tỏ.
KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ “TRỤ ĐỠ”
Dịch Covid-19 càn quét khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề bị gián đoạn nặng nề. Hàng ngàn nhà máy phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất, ngành du lịch “đóng băng”… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì. Nhờ đó, an ninh lương thực được đảm bảo, đời sống người dân ổn định, cán cân kinh tế tăng trưởng khá.
Cụ thể năm 2021, cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện chuyển biến tích cực, trồng trọt phát triển theo hướng hình thành các vùng chuyên canh; chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, trang trại. Cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 59,93% toàn huyện. Trong số 21 chỉ tiêu cơ bản Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra, có 10 chỉ tiêu vượt, 10 chỉ tiêu đạt, 1 chỉ tiêu chưa đạt. Đến hết quý 1/2022, bức tranh kinh tế của huyện tiếp tục có nhiều nét tươi mới. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 338.331 triệu đồng, tăng 14,01% so cùng kỳ 2021. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 423.958 triệu đồng, tăng 260% so cùng kỳ năm 2021. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của nền kinh tế nông nghiệp.
Dẫn chứng qua từng con số đủ thấy rằng, dù gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 gây ra, nhưng nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế của Bù Đốp.
Lúa gạo Sóc Nê được sản xuất, đóng gói theo quy trình đảm bảo an toàn, chất lượng
Theo ông Nguyễn Anh Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đốp, một trong những lợi thế rất lớn của huyện là có rất nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp. Ngoài diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 33,6 ngàn ha, huyện còn 6 hồ thủy lợi và đập thủy điện Cần Đơn với hệ thống kênh mương dài hơn 42km, đủ cung cấp nước tưới cho trên 2.000 ha lúa, 3.000 ha hoa màu và 8.000 ha các loại cây công nghiệp. Có rất nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững đã được huyện đề ra nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Một trong số đó là đẩy mạnh quản lý quy hoạch và sử dụng hiệu quả đất đai, xác định các sản phẩm chủ lực, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, có sức cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu thị trường để tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất.
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Triển khai thực hiện chương trình đột phá “Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững; nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nông nghiệp”, chỉ tính trong năm 2021, huyện đã thực hiện 7 dự án trình diễn với 15 mô hình; triển khai thực hiện khu vực sản xuất hồ tiêu an toàn theo tiêu chuẩn RA với 266 ha. Đồng thời xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái với 445 ha theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng vùng chuyên canh trồng lúa từ 2-3 vụ tại khu vực sau đập M26 xã Phước Thiện và khu vực các kênh nhánh thủy lợi Cần Đơn với 198 ha. Trong năm, huyện cũng đã thành lập mới 3 tổ hợp tác nông nghiệp, 3 HTX chăn nuôi; tổ chức đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gồm bưởi da xanh và mít ruột đỏ huyện Bù Đốp.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được huyện đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, huyện đã tổ chức 25 lớp tập huấn với 1.058 lượt nông dân tham dự; tư vấn cho 1.245 lượt người về kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh trên các loại cây trồng nhằm giúp bà con nông dân tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình sản xuất.
Thực hiện Chương trình đột phá “Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nông nghiệp”, đến nay huyện đã thành lập 5 HTX, gồm HTX chăn nuôi gia súc giống Bù Đốp, HTX chăn nuôi dê Tân Thành, HTX chăn nuôi heo Bù Đốp, HTX gạo Sóc Nê - Bù Đốp và HTX chăn nuôi bò Thanh Hòa. Ngoài ra, huyện còn thành lập 3 tổ hợp tác phát triển kinh tế, gồm Tổ hợp tác cá koi xã Tân Tiến, Tổ hợp tác heo xã Thiện Hưng và Tổ hợp tác lúa gạo xã Phước Thiện. Thành lập mới 2 công ty chế biến hạt điều tại thị trấn Thanh Bình và xã Thanh Hòa với công suất chế biến từ 30 tấn/ngày trở lên. |
Ông Nguyễn Anh Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đốp cho biết, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp, thời gian tới huyện chủ yếu tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, góp phần thu hút đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Đảm bảo cân đối cung, cầu, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Ngoài ra, huyện còn tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế HTX, kinh tế trang trại, liên kết sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lao động và nguồn vốn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống của người dân.