');this.closest('table').remove();"> |
Cố họa công Nguyễn Văn Bân (1890 - 1956) |
Là dòng tranh có nguồn gốc từ Trung Quốc, các họa công tranh gương đầu tiên của Huế chủ yếu là người sinh sống ở phố cổ Bao Vinh và Gia Hội, nơi in đậm dấu ấn văn hóa của người Hoa. Trong đó, có một gia đình khá đặc biệt với 4 đời gắn bó với nghề làm gương tráng bạc và vẽ tranh gương, góp phần quan trọng tạo cho tranh gương Huế một diện mạo riêng. Đó là gia đình của cố họa công Nguyễn Văn Bân.
Ông Nguyễn Văn Bân (1890 - 1956) sinh ra và lớn lên ở làng Phú Cát, có mẹ làm nghề buôn chuyến bằng ghe bầu giữa Hội An và Huế. Tại phố Hội, thân mẫu của ông đã quen biết và mời một thợ gương tráng bạc người Hoa ra Huế dạy nghề cho con trai của mình. Ban đầu, ông Bân chỉ được thầy truyền nghề tráng bạc bằng thủy ngân để làm những chiếc gương soi kích thước nhỏ. Về sau, ông học thêm các kỹ thuật tráng thủy bằng nitrat bạc và tráng bằng dung môi.
Nếu như “thầy Tàu” truyền nghề làm gương tráng bạc thì nghề vẽ tranh gương trong gia đình của ông Nguyễn Văn Bân lại xuất phát từ việc bà Hoàng Thị Trang, vợ của ông Bân, chính là em gái của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu - vợ của vua Khải Định. Mối quan hệ này giúp cho các thành viên trong gia đình của ông Bân có điều kiện ra vào cung thuận tiện. Từ chỗ tiếp xúc với các bức tranh gương ở trong cung, các thành viên trong gia đình ông Bân đã cùng nhau học hỏi, thử nghiệm vẽ tranh trên gương. Ban đầu, họ chỉ vẽ tranh trang trí và tranh chữ chúc tụng trên gương trong. Về sau, để đáp ứng nhu cầu thờ cúng của người dân, họ vẽ thêm tranh gương thờ cúng với các mẫu thức lấy từ tranh làng Sình. Do sản xuất được tranh tráng bạc nên ngoài vẽ trên gương trong, gia đình ông Bân còn vẽ thêm tranh trên gương tráng bạc, hay đúng hơn là vẽ tranh trang trí cho gương soi.
Trong số những người con của ông Bân, người con trai thứ hai Nguyễn Văn Mừng (1919 - 1993) không ra ở riêng sau khi lập gia đình, nên ông kế thừa gần như tất cả tinh hoa nghề nghiệp của cha mình. Đặc biệt, ông may mắn có một hàng xóm là họa sĩ Tôn Thất Đào (1910 - 1979), người đã tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 8 và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Từ phong cách hội họa tả thực của phương Tây được lĩnh hội từ trường lớp chính quy, họa sĩ Tôn Thất Đào đã chia sẻ, hướng dẫn lại cho người bạn hàng xóm của mình. Tuy nhiên, nếu như họa sĩ Tôn Thất Đào vẽ tranh lụa, sơn mài, sơn dầu với nguyên tắc vẽ cảnh xa trước cảnh gần sau, thì họa công Nguyễn Văn Mừng lại thể hiện trên kính với quy trình ngược lại: cảnh cận vẽ trước, cảnh viễn vẽ sau. Điều này được thể hiện qua một số bức tranh phong cảnh (vẽ chùa Thiên Mụ, lăng Minh Mạng, cầu Trường Tiền…) của ông. Đây cũng có thể xem là bước phát triển mới của nghề tranh kính Việt Nam nói chung, tranh gương Huế nói riêng.
Kiến thức về làm gương tráng bạc và vẽ trên gương của anh em nhà Nguyễn Văn ở Phú Cát tiếp tục truyền đến thế hệ thứ ba, chủ yếu là các con của họa công Nguyễn Văn Mừng.
Người con cả Nguyễn Văn Cư (SN 1953) đã sớm theo nghề làm gương tráng bạc của cha. Sau thời điểm 1975, do không có gương để làm, nên nghề tạm thời chững lại. Chỉ từ những năm 1994 - 1995 mới có nguyên liệu, gương soi có vẽ tranh được người Huế ưa chuộng nên nghề gương tráng bạc của ông Cư và một số người trong gia đình có cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, với sự ra đời của công nghệ tráng nhôm chân không với giá thành rẻ đã khiến cho nghề gương tráng bạc không thể cạnh tranh.
Người con gái thứ hai Nguyễn Thị Đồng (SN 1955) cũng theo nghề vẽ tranh gương từ bé. Bà cho biết: “Cứ mỗi lần cha vẽ tranh là tôi ngồi bên để xem. Thấy cha vẽ những cây, hoa quá đẹp nên bắt đầu thích, mê và tự lấy những tấm gương cha bỏ đi để tự làm theo. Từ 20 tuổi thì bắt đầu vẽ trên gương tráng bạc, sau đó tiếp nhận toàn bộ công việc của cha sau khi ông qua đời”. Cho đến nay, họa công Nguyễn Thị Đồng vẫn giữ kỹ thuật vẽ ngược và hoàn toàn thủ công theo truyền thống của gia đình.
Riêng người em út của bà Đồng, bà Nguyễn Thị Tâm cũng theo nghề và đã tiến hành cải tiến kỹ thuật vẽ thủ công bằng in kéo lụa. Đến nay bà Tâm cũng đã sang Mỹ định cư, để lại công nghệ cho người con (chị Hoàng Anh). Tuy nhiên, nghề in này cũng chỉ hoạt động một cách cầm chừng và mang tính phụ trợ.
Sự thăng trầm của nghề vẽ tranh của các họa công trong gia đình Nguyễn Văn làng Phú Cát cũng đồng thời phản ánh đời sống của một nghề thủ công và dòng tranh dân gian gắn với chất liệu kính. Mặc dù nghề vẽ tranh gương đã không còn hưng thịnh, nhưng cho đến nay, để ghi nhớ công ơn của người thầy đầu tiên, con cháu trong trong gia đình cố họa công Nguyễn Văn Bân vẫn giữ nếp xưa. Mỗi năm, họ đặt ban thờ ngoài trời cúng lễ vào ngày 5/5 Âm lịch và ngày 25 tháng Chạp với ý nghĩa tiễn thầy về quê (Trung Quốc) ăn Tết Đoan Ngọ và Tết Nguyên đán như thói quen của thầy lúc sinh thời.