Thành lập 3 năm nay,c xnhan dinh inter milan HTX nông lâm nghiệp, dịch vụ Phương Nghĩa (thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ) hiện có 33 thành viên, chủ yếu là nông dân của các thôn 9, 10 và thôn Đắk Lim... Tổng diện tích đất trồng cây nông nghiệp của các thành viên trong HTX khoảng 140 ha.
Các hội viên khi tham gia HTX được tổ tư vấn kỹ thuật nhiệt tình hướng dẫn cách chăm sóc cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển và cách xử lý khi cây bị bệnh
Theo ông Nguyễn Đình Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Phương Nghĩa, giai đoạn đầu, nhiều nông dân địa phương chưa hiểu được lợi ích khi tham gia HTX, nhưng bằng những việc làm cụ thể như: lập ra đội kỹ thuật là các hội viên có kinh nghiệm, kiến thức tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây theo từng giai đoạn; kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân để tránh bị thương lái ép giá… nhờ vậy, các hội viên giờ đã yên tâm gắn bó với HTX. “Vừa qua, chúng tôi bán mít 14 ngàn đồng/kg, bán sô nên to, nhỏ thương lái cắt hết. Nếu phân loại to, nhỏ thì giá gần 30 ngàn đồng/kg, trong khi tư nhân mang ra chợ bán chỉ 5.000 đồng/kg mà không ai mua. Đó là lợi ích rất lớn chứ không phải nhỏ. 1 ha nếu làm được như thế thì lợi ích phải gấp 2, 3 lần so với không vào HTX. Cái lợi thứ hai là khi tham gia HTX, chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con. Chúng tôi không thu gì của bà con cả. Chúng tôi kết nối cho khách đưa xe ôtô về mua nên giá bao giờ cũng cao hơn bên ngoài khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, giúp tăng nguồn thu cho bà con” - ông Hiền chia sẻ.
Gia đình bà Trần Thị Vui là một trong những thành viên tham gia HTX sớm nhất. Với diện tích khoảng 5 ha, gia đình bà đã và đang trồng xen canh 3 loại cây trong vườn. Ngoài cây chủ lực là sầu riêng Monthong, hiện gia đình bà vẫn có thu nhập từ mít Thái. Sau thời điểm tham gia HTX, gia đình bà còn được Hội Nông dân huyện Bù Gia Mập chọn đầu tư mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, giúp giảm nhân công. “Tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật và bán hàng cũng dễ hơn. Giá cả nông sản ổn định hơn bên ngoài rất nhiều vì bán tập trung. Nếu bán nhỏ lẻ ra bên ngoài nhiều khi không bằng giá trong HTX” - bà Vui cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quyền, thành viên HTX Phương Nghĩa chia sẻ: “Tôi tham gia HTX 3 năm, lợi ích là cùng trao đổi kỹ thuật và liên kết được với nhau. Ví dụ như trồng cây gì để sau này mình cùng bán. Khi nông dân có hàng nông sản, thương lái đi xe ôtô vào gom hàng, vừa không bị ép giá vừa giảm chi phí vận chuyển. Trước kia khi chưa liên kết, tham gia HTX thì mỗi nhà có mấy tạ hàng nông sản, “tự bơi” nên khó bán, chở ra chợ thì bán rẻ”.
Các thành viên HTX đang xen canh mít Thái, bơ Booth và sầu riêng Monthong trước khi xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh. Lý giải việc chưa thể chuyên canh, ông Nguyễn Đình Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết thêm: Các thành viên còn gặp nhiều khó khăn về vốn nên giải pháp xen canh là hiệu quả và hợp lý nhất để vừa có thu nhập vừa có sức canh tác loại cây khác trong cùng một diện tích.
Trồng xen canh, tỉa bớt cây khi nhóm cây chủ lực trong vườn phát triển, là cách mà HTX đang định hướng cho các thành viên. Trước giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, mỗi tháng, HTX còn mời các chuyên gia nông nghiệp về tư vấn, định hướng từ cách chăm sóc, xử lý cây bệnh… qua từng giai đoạn, cập nhật xu hướng nông nghiệp thế giới. Năm 2021, sản phẩm sầu riêng Monthong của HTX đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu của tỉnh.
Rõ ràng, việc kết nối được với các đầu mối, giải bài toán đầu ra cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho thành viên… đã và đang là cách làm hiệu quả, giải quyết bài toán căn bản cho những băn khoăn của các nhà nông khi tham gia HTX.