游客发表
Luật cũng quy định rõ: Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chính quy, tiến thẳng lên hiện đại. (Trong ảnh: Diễn tập với Biên đội tàu Cảnh sát biển của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4). |
Về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát
Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hoá, hành lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Các trường hợp dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát bao gồm: trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật (có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật).
Khi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện màu sắc của tàu thuyền, máy bay và phương tiện khác; cờ hiệu, phù hiệu, dấu hiệu nhận biết và trang phục theo quy định tại Ðiều 29 và Ðiều 31 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam (Ðiều 29: màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam: tàu thuyền, máy bay và các phương tiện khác của Cảnh sát biển Việt Nam có màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết riêng. Khi làm nhiệm vụ, tàu thuyền treo Quốc kỳ Việt Nam và cờ hiệu Cảnh sát biển Việt Nam. Ðiều 31: trang phục của Cảnh sát biển Việt Nam: cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cảnh phục, lễ phục của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Chính phủ).
Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng quy định quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam khi phát hiện tàu, thuyền: vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam; đồng thời, Cảnh sát biển Việt Nam có quyền thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi.
Phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Ðiều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định, khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển (đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn; hoặc khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật Nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn; khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của Ðiều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn). Trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin.
Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị thiết bị hiện đại, đảm bảo giữ vững an ninh, an toàn biên giới biển. |
Trường hợp nổ súng theo quy định, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
Song song đó, Cảnh sát biển Việt Nam được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và kết quả thu thập được để phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển; phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự.
Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam. Việc huy động phải phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay khi tình thế khẩn cấp chấm dứt.
Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc huy động của Cảnh sát biển Việt Nam. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Trường hợp người, tài sản được huy động làm nhiệm vụ bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 3, Ðiều 6 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Ðơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật./.
Phong Phú
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接