Thuận lợi lớn Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam - cho biết: Đây là cơ hội thuận lợi để kế toán, kiểm toán Việt Nam hội nhập sâu hơn vào môi trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn cần sự chủ động về nhân lực, năng lực hành nghề nhằm hạn chế tối thiểu tổn thất, thiệt hại, bất lợi cho nền kinh tế. Để hoạt động xuyên biên giới, kế toán, kiểm toán viên của Việt Nam đã được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán kiểm toán của Việt Nam (CPA) cần được “nâng cấp” lên chứng chỉ kiểm toán viên ASEAN (ACPA). Khi đó, người có chứng chỉ ACPA sẽ đủ điều kiện hành nghề ở tất cả các nước ASEAN mà không phải xin phép, thi sát hạch, chỉ cần đăng ký hành nghề theo quy định của nước đó. Tại hội thảo “Gia nhập TPP&AEC – Thời cơ và thách thức đối với kế toán kiểm toán Việt Nam” do Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng, sẽ có sự dịch chuyển lao động chuyên môn ngành kế toán, kiểm toán trong khối ASEAN. Do đó, kế toán, kiểm toán viên của Việt Nam cần chuẩn bị sẵn “hành trang” để đương đầu thách thức. Đầu tư vào nguồn lực Điểm thuận lợi của kế toán, kiểm toán Việt Nam là có sự xuất hiện từ sớm và khá đầy đủ của doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kiểm toán quốc tế. Họ hoạt động dưới hình thức 100% vốn nước ngoài hoặc thông qua công ty đối tác trong nước để cung cấp dịch vụ. Điều này khiến lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam được tiếp xúc, thừa hưởng, thêm kinh nghiệm từ đối tác. Tuy nhiên, đội ngũ kế toán, kiểm toán viên của Việt Nam có chứng chỉ của các hiệp hội quốc tế hiện nay khá mỏng, ước tính khoảng 5.000 người, chiếm khoảng 3% trong tổng lực lượng kế toán, kiểm toán của 10 quốc gia ASEAN (gần 190.000 người). Thêm vào đó, chất lượng nguồn nhân lực, theo các chuyên gia cũng là một vấn đề cần đầu tư dài hơi và theo chuẩn quốc tế, bởi kế toán và kiểm toán giữ vai trò quan trọng, đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế, tạo ra môi trường doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. “Để đào tạo kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp hơn, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính xây dựng những quy định của nghề kế toán, kiểm toán giống như chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch, dịch thuật, bảo hộ trí tuệ… Quá trình đào tạo này không chỉ diễn ra trong nhà trường mà phải liên tục sau khi làm nghề. Mặt khác, phải thay đổi toàn bộ quy trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề. Nhà nước chỉ cần ban hành quy chế, quy trình tổ chức thi, tiêu chuẩn và giám sát việc thực hiện”- ông Đặng Văn Thanh kiến nghị. Bên cạnh đó, các quy định liên quan tới thể chế hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán hình thành chậm, mới có từ giai đoạn năm 2005-2007. Luật Kế toán (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, chính thức hiệu lực từ năm 2017, trong đó mới thiết kế một chương về dịch vụ. Để triển khai sẽ phải mất 1-2 năm.
|