Sẵn sàng các tình huống Tại Hà Nội, ngày tựu trường của tất cả các cấp học, ngành học sớm nhất vào ngày 1/9/2020; ngày khai giảng được tổ chức thống nhất trên toàn thành phố vào ngày 5/9/2020. Chủ trương trên toàn thành phố là như vậy song mỗi trường lại đang có sự tính toán riêng cho mình. Không ít trường ở Hà Nội cũng sẵn sàng những kế hoạch cho một lễ khai giảng online. Qua tìm hiểu phóng viên được biết, đa số các trường của Hà Nội điều chỉnh lịch tựu trường vào ngày 3/9 và khai giảng vào ngày 5/9. Trước ngày tựu trường, các nhà trường sẽ gửi thông tin chi tiết và các nội dung cần chuẩn bị tới cha mẹ học sinh và học sinh, để bảo đảm năm học mới sẽ được bắt đầu an toàn, chu đáo. Chẳng hạn, trường Tiểu học Newton Hoài Đức đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện học tập để có thể thích ứng với cả ba kịch bản mà trường đưa ra là khai giảng và học trực tiếp tại trường; khai giảng và học trực tiếp kết hợp với trực tuyến; hoặc khai giảng và học trực tuyến hoàn toàn khi bắt đầu bước vào năm học mới. Theo lãnh đạo nhà trường, dù lễ khai giảng diễn ra theo bất cứ kịch bản nào, nhà trường cũng sẽ thực hiện đầy đủ các tiến trình và nội dung cơ bản như: Nghi thức chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đón học sinh đầu cấp để học sinh toàn trường cảm nhận được sự trang trọng của buổi lễ và không khí náo nức khi bước vào năm học mới. Tại trường Tiểu học Newsun, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội, các phương án tổ chức khai giảng năm học mới phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh cũng đã sẵn sàng. TS. Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch HĐQT trường Tiểu học Newsun thông tin, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chưa đến mức phải cách ly xã hội, nhà trường sẽ kết hợp tổ chức khai giảng tại sân trường và tại các lớp học. Bên cạnh đó, theo TS. Thành, Trường cũng chuẩn bị nền tảng công nghệ cho phương án khai giảng và học tập hoàn toàn trực tuyến nếu học sinh không thể đến trường. Trong trường hợp này, trường tổ chức lễ khai giảng tại sân trường. "Hình ảnh sẽ được truyền trực tiếp giữa nhà trường tới từng học sinh. Các nghi lễ và diễn biến trong lễ khai giảng cũng sẽ có sự tương tác của học sinh", TS Nguyễn Thị Thành cho hay. Còn tại Hải Dương, Sở GD&ĐT đang cân nhắc sẽ chỉ đạo các trường ở những địa phương đang có vùng cách ly y tế tổ chức cho học sinh ngồi dự lễ khai giảng trong lớp, ngoài sân trường chỉ có đại diện cán bộ, giáo viên, học sinh những lớp đầu cấp. Theo Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, tất cả các trường học tổ chức lễ khai giảng vào buổi sáng ngày 5/9. Tại lễ khai giảng, sẽ có các nghi thức đón học sinh đầu cấp, trong lễ chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch Nước, thông qua nhiệm vụ trọng tâm năm học, không phát biểu, không báo cáo thành tích. TP HCM cũng đưa ra hai phương án cho ngày khai trường, phương án 1 là vẫn tập trung đầy đủ học sinh các khối lớp tham dự lễ khai giảng. Tuy nhiên, theo Sở GDĐT TPHCM, phương án này khó có thể đảm bảo việc giãn cách vì thực tế mỗi trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP có 1.000 - 4.000 học sinh. Phương án 2 được đưa ra là tập trung đại diện học sinh các khối lớp tham dự lễ khai giảng, mỗi lớp 10- 20 học sinh, riêng học sinh các lớp đầu cấp sẽ tham dự đầy đủ. Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP cũng xin ý kiến thường trực UBND TPHCM về chương trình lễ khai giảng với tinh thần ngắn gọn, diễn ra trong khoảng 60 phút. Gọn nhẹ, không hình thức Năm nay trong bối cảnh dịch bệnh, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định: lễ khai giảng sẽ được tổ chức gọn nhẹ, không hình thức rườm rà nhưng vẫn giữ được ý nghĩa của ngày tựu trường. Trao đổi với phóng viên về phương án tổ chức ngày khai trường trên quy mô cả nước, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tinh thần là sẽ tổ chức gọn nhẹ, không hình thức. Cụ thể, nơi nào kiểm soát được dịch thì có thể tổ chức tập trung, nhưng vẫn thực hiện giãn cách theo yêu cầu của Thủ tướng. “Nơi nào không đủ điều kiện thì tổ chức khai giảng online trên tinh thần không rườm rà, không hình thức, truyền đạt thông điệp của ngày khai giảng cũng như thư của Chủ tịch Nước chào mừng năm học mới”, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay. Ngoài khâu chuẩn bị về phương án tổ chức lễ khai giảng theo tìm hiểu phóng viên được biết, các nhà trường cũng đã sẵn sàng các phương án học tập. Chia sẻ về việc tiến hành giảng dạy sau khi tổ chức khai giảng, đại diện trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thông tin, nếu dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trường sẽ triển khai dạy học trực tuyến cho các khối lớp. Dạy học trực tuyến cũng là giải pháp ưu tiên với Trường Phổ thông liên cấp Đa Trí tuệ, Hà Nội. Bà Phạm Thu Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, Trường sẽ dạy học trực tuyến cho học sinh các khối lớp. Trong bối cảnh hiện nay đây là giải pháp phù hợp vì vừa cung cấp kiến thức cho học sinh theo yêu cầu môn học, năm học, vừa bảo đảm an toàn cho các em. Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cũng đã xây dựng các phương án dạy học khác nhau để "chủ động đối phó với dịch bệnh". Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp , Hiệu trưởng nhà trường, học kỳ 2 của năm học trước, dù chỉ là giải pháp tình thế nhưng thực tiễn đó rất đáng giá để nhà trường rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch chủ động cho năm nay, từ cách quản lý, kiểm soát chất lượng dạy học trực tuyến đến việc thiết kế chủ đề, bài học. "Trong tình huống học sinh đi học bình thường, chúng tôi vẫn sử dụng hình thức dạy học qua internet để bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp để tiết kiệm thời gian cho giáo viên đổi mới phương pháp. Nếu như có dịch bệnh bùng phát hoặc lý do khác mà học sinh không đến trường, việc chuyển sang dạy học trực tuyến sẽ chủ động hơn", cô Nhiếp chia sẻ. |