Tỉ mẩn với từng nan tre
Ngày nối ngày những người thợ làm thuyền nan vẫn lặng lẽ cùng nghề ở một góc làng chài. Nghề truyền nghề,ữnghềđanthuyềkeonhacai+5 cứ thế những chiếc thuyền nan lần lượt ra khơi nhờ bàn tay tỉ mẩn của những người thợ.
Về vùng biển Phú Diên hỏi về thợ làm thuyền nan, chúng tôi được các ngư dân trong làng chỉ tới nhà anh Nguyễn Văn Huy. Khác với suy nghĩ về một người thợ kỳ cựu có thâm niên hàng chục năm với nghề truyền thống, anh Huy mới 42 tuổi nhưng được nhận xét là một trong những thợ giỏi của làng. Kể về công việc làm thuyền nan của mình, anh Huy cho biết, từ khi còn nhỏ anh thường thấy những người lớn trong làng làm thuyền nan để đi biển, anh cũng đi theo mày mò xem và học làm rồi thành thợ từ lúc nào. Ban đầu anh chỉ học để sửa và làm thuyền cho mấy anh em trong nhà. Ngày trước dân trong vùng chủ yếu làm đi biển nên nghề làm thuyền rất thịnh, nhưng giờ người bám biển thưa dần thợ thuyền nan vì thế bỏ nghề hết.
Mỗi chiếc thuyền nan truyền thống dài chừng 6m, rộng 1,6m và sâu 0,8m. Để làm được một chiếc thuyền hoàn thiện, chưa kể công đoạn đan phên tre, đã phải mất 8 ngày. Công đoạn quan trọng nhất là chọn phên tre, tre được chọn phải là loại tre đã phơi khô, già đều nhau, nếu không, độ co giãn của nan tre không bằng nhau sẽ làm cho thuyền bị vênh, bị hở...
Làm được thuyền nan thì đòi hỏi thợ phải lành nghề. Nhưng để đan thuyền thì càng cần phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Bởi càng cẩn thận bao nhiêu thì khi đan các nan thuyền mới đều và khít bấy nhiêu, các thanh nan phải được dồn cho thật chặt. Từ đó, các công đoạn sau từ sơn, sắn thuyền… sẽ gắn kết làm một, lòng thuyền sẽ không bị thấm nước.
Sau khi đã hoàn thành phên tre, công đoạn tiếp theo là cạp thuyền bằng khung tre. So với thuyền thúng, người thợ làm thuyền nan phải kỳ công hơn, nhất là trong khâu làm khung thuyền. Khung thuyền nan chủ yếu bằng tre hoặc gỗ, đòi hỏi phải chắc chắn để đủ sức chống chịu với sóng gió. Anh Huy cho biết: Đây cũng là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, kỹ thuật cao, cạp sao cho cân đối, không bị vênh, bị méo.
Sau khi hình thành chiếc thuyền, người thợ sẽ bắt đầu quét mặt ngoài chiếc thuyền bằng dầu rái để chống thấm nước vào khoang thuyền thì coi như chiếc thuyền đã hoàn thành. Để tạo độ cứng cho thuyền, người ta phải đóng thêm bộ ki gỗ táu ở đáy thuyền và bộ xà lỳ ở bốn bên cạp thuyền. Chính vì thế, tuy đan bằng nan tre nhưng thuyền rất vững và chắc.
Đan một chiếc thuyền mất khá nhiều thời gian, thợ lành nghề cũng phải từ vài ba ngày công mới hoàn thành được một chiếc thuyền nhỏ, còn thuyền lớn hơn thì có khi tới nửa tháng.
Ngày nay, ở các làng chài rất khó tìm ra thợ thuyền nan, bởi đa số họ bỏ nghề. Ông Nguyễn Lơ, một ngư dân nhận xét: “Ngay như tôi đây, đi biển mấy chục năm mà vẫn không tự làm thuyền được, phải những người khéo tay, yêu nghề mới làm được”.
Tuy không phải là nghề chính, nhưng với tay nghề có sẵn anh Huy đã góp sức sửa chữa kịp thời cho biết bao nhiêu chiếc thuyền ở làng ra khơi không may bị hỏng hóc, hay nâng cấp cho chắc chắn hơn trước mỗi mùa ra khơi, đánh bắt.
Những chiếc thuyền nan do chính tay anh Huy làm cho bà con trong thôn lần lượt ra khơi với đầy ắp cá tôm khi trở về, đó không chỉ là niềm vui của ngư dân mà mang theo niềm vui của người thợ thuyền “nhẹ vía”. Tuy chỉ là nghề phụ, làm khi có người cần, nhưng chính vì yêu cái nghề dung dị này mà anh Huy vẫn quyết giữ nghề và gắn bó với nghề.
Bài, ảnh: Thảo Vy