Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử lỗi lạc không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của Nhân dân tiến bộ trên thế giới. Ðồng thời Hồ Chí Minh là nhà báo lớn, kết tinh của báo chí thế giới và báo chí Việt Nam.
Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử lỗi lạc không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của Nhân dân tiến bộ trên thế giới. Ðồng thời Hồ Chí Minh là nhà báo lớn, kết tinh của báo chí thế giới và báo chí Việt Nam.
Ở Việt Nam, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời là tờ "Gia Ðịnh báo" (số 1 ra ngày 15/4/1865). Song, phải đợi 60 năm sau, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là tài sản vô giá đối với những người làm báo.
Tháng 4/1959, tại Ðại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam, Người chỉ rõ: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ”. Người khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”.
Tháng 9/1962, tại Ðại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.Trong cách thể hiện, Người cho rằng: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết”. Người đòi hỏi báo chí cách mạng không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng.
Bác không những là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá mà còn là Nhà báo lớn, là tấm gương sáng về đạo đức báo chí, là nhà báo với ý nghĩa cao cả, chân chính, tốt đẹp nhất của hai từ ấy. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo với trên 100 bút danh khác nhau. Trong đó có bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” viết cách đây 47 năm (1969-2016) vẫn chứa đựng ý nghĩa sâu xa về lý luận và thực tiễn, tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới của dân tộc.
Có được sự nghiệp báo chí đồ sộ như vậy, Bác đã trải qua một quá trình học tập, rèn luyện kiên trì về viết báo từ năm 1919 ở nước Pháp.
Người đầu tiên hướng dẫn Bác học viết báo là chủ bút tờ “Ðời sống thợ thuyền” (La vie de l’ouvrière). Chủ bút này bảo Bác viết tin tức cho báo mình, Bác nói là còn kém tiếng Pháp. Ông chủ bút bảo: “Ðiều đó không ngại, cứ có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ sửa bài của anh trước khi đưa in”. Ông ta còn dặn Bác: “Anh không cần viết dài, 5, 6 dòng cũng được”. Bác Hồ bắt đầu viết rất khó khăn vì thiếu tiếng Pháp viết báo.
Mặc dù vậy, mỗi khi viết xong một bài báo, Bác đều viết thành hai bản, gửi cho báo một bản, còn một bản giữ lại để so sánh. Bác hết sức vui mừng khi thấy bài báo đầu tiên của mình được đăng trên báo. Bác đọc lại bài báo đã in rồi đem so sánh và sửa những chỗ sai. Bác kiên nhẫn làm theo kiểu đó. Khi thấy Bác viết ít sai thì ông chủ bút nói với Bác: “Bây giờ anh viết dài hơn một chút, viết độ 7, 8 dòng”. Dần dần Bác viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Tới đó, ông chủ bút lại nói: “Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này từng này dòng… Không viết dài hơn”. Bác thấy viết rút ngắn thì cũng khó khăn như viết dài, nên phải cố gắng, kiên trì làm theo lời khuyên của chủ báo và cuối cùng thành công.
Tại Ðại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói với các nhà báo trẻ về kinh nghiệm viết báo của mình: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm…”.
Kinh nghiệm viết báo của Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh, tác giả của 2.000 bài báo đầy nhiệt huyết và có tác dụng lớn lao, chúng ta không thể không ghi nhớ, suy ngẫm mỗi khi bắt đầu một bài báo./.
Trần Lượng