Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính để giúp Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cấp bách về tài chính và tiền tệ trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Ngân khố quốc gia đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chế độ tài chính tiền tệ độc lập tự chủ, góp phần đưa 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi vẻ vang. Và ngày 29/5 đã trở thành ngày lịch sử truyền thống của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN ) theo Quyết định số 1668/QĐ- TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính để giúp Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cấp bách về tài chính và tiền tệ trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Ngân khố quốc gia đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chế độ tài chính tiền tệ độc lập tự chủ, góp phần đưa 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi vẻ vang. Và ngày 29/5 đã trở thành ngày lịch sử truyền thống của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN ) theo Quyết định số 1668/QĐ- TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện công cuộc đổi mới của Ðảng và Nhà nước, việc tách chức năng quản lý Nhà nước, kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng với chức năng quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính là hết sức cần thiết, ngày 4/1/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 07/HÐBT chuyển KBNN trở về Bộ Tài chính quản lý. Kể từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, cấp uỷ chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương, bằng sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống, các thế hệ cán bộ hệ thống KBNN từ Trung ương đến địa phương được hình thành.
Hệ thống KBNN tỉnh Cà Mau luôn kiện toàn việc xây dựng và thực hiện văn hoá nghề. Ảnh: PHƯƠNG BẰNG
Cùng với sự ra đời của hệ thống KBNN, ngày 1/4/1990, KBNN tỉnh Minh Hải ra đời (năm 1997 được tách ra thành 2 KBNN tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau). Trong những ngày mới thành lập, KBNN tỉnh Minh Hải gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại; từ việc tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý từ ngân hàng, cơ sở vật chất chắp vá tạm thời, đội ngũ cán bộ nhiều nơi chuyển về, vừa thiếu, vừa yếu, tư tưởng chưa ổn định. Nhưng trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức KBNN tỉnh Cà Mau đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chuyên môn từng bước đáp ứng yêu cầu; các hoạt động nghiệp vụ cơ bản đã được tin học hoá. KBNN tỉnh Cà Mau đã từng bước ổn định, phát triển, toàn diện, bền vững, đạt nhiều thắng lợi. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài chính, KBNN Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, 25 năm qua, KBNN tỉnh Cà Mau đã tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao và vững bước đi lên.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ năm 1990 đến 2004 đạt 4.568 tỷ đồng. Chi ngân sách Nhà nước từ năm 1990 đến 2004 đạt 8.053 tỷ đồng. Với tốc độ thu mặt qua KBNN Cà Mau tăng lên rất lớn: 4.465 tỷ đồng và chi 7.533 tỷ đồng, nhưng KBNN tỉnh Cà Mau vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng nộp, rút tiền mặt đảm bảo an toàn, chính xác. Công tác kiểm soát chi đã đi vào thực hiện từ năm 1997, đã từ chối thanh toán chi không đủ hồ sơ hợp lệ, chi sai mục đích, chi vượt dự toán…
Giai đoạn từ 2005 đến 2014: Tổng thu ngân sách Nhà nước là 31.815 tỷ đồng, chi ngân sách Nhà nước 76.059 tỷ đồng. Trong đó, chi ngân sách Trung ương là 21.420 tỷ đồng.
Qua 25 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách Nhà nước, KBNN tỉnh luôn đặc biệt chú trọng đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng kế toán ngân sách, thực hiện tốt Luật Ngân sách Nhà nước. Tổ chức hạch toán kế toán đầy đủ, kịp thời và phân chia tỷ lệ điều tiết các khoản thu ngân sách Nhà nước đúng quy định, đảm bảo các nhu cầu chi, trả cho các đơn vị thụ hưởng từ ngân sách và trả lại tiền thừa cho khách hàng trên 2 tỷ đồng. Tham mưu kịp thời cho các cấp chính quyền địa phương trong điều hành ngân sách một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau.
Song song đó, lãnh đạo KBNN tỉnh không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức nhằm đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong từng giai đoạn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ… luôn được quan tâm và có tác động tích cực đến hiệu quả công tác. Ðến nay, toàn hệ thống có 163 cán bộ công chức, trong đó có 73 nữ (chiếm 44,78%), trình độ đại học 122 người (chiếm 74,84% ) và 127 đảng viên.
Qua quá trình phấn đấu trưởng thành, tiếp bước truyền thống quý báu của ngành, cùng với thành tích đạt được qua gần 25 năm phấn đấu, KBNN tỉnh Cà Mau đã nhận được các phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều cờ thi đua và bằng khen. Ðó là niềm vinh dự, tự hào của KBNN tỉnh Cà Mau trên con đường phấn đấu trưởng thành của mình.
Trong thời gian tới, KBNN tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện tốt chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Trước mắt là phối hợp với các cơ quan hữu quan vận hành có hiệu quả Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS); Hệ thống quản lý thu ngân sách Nhà nước (TCS) thanh toán song phương trên địa bàn. Cùng với việc xây dựng KBNN hiện đại trong lộ trình Chính phủ điện tử, hệ thống KBNN tỉnh Cà Mau luôn kiện toàn việc xây dựng và thực hiện văn hoá nghề với 4 điểm nhấn, đó là: Công chức chuyên nghiệp, Công nghệ hiện đại, Giao tiếp văn minh và Cơ quan văn hoá.
Vấn đề trọng tâm trong tổ chức hoạt động của KBNN Cà Mau thời gian tới chính là phát triển và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp với đặc trưng: nắm vững chế độ nghiệp vụ, làm chủ công nghệ, thành thạo kỹ năng, ứng xử văn minh, tận tâm phục vụ. Giải pháp cho mục tiêu này là: chuẩn hoá quy trình tác nghiệp; hình thành hệ thống hỗ trợ tác nghiệp; hoàn thiện hoạt động tu nghiệp thường niên; trang bị kỹ năng; chuẩn hoá đầu vào việc tuyển dụng cán bộ./.
Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Cà Mau