');this.closest('table').remove();"> |
Trung Quốc hướng tới hội nghị thượng đỉnh ba bên với Nhật Bản - Hàn Quốc trong năm nay. Ảnh minh hoạ: asia.nikkei.com/Vietnam+ |
Kyodo News cho biết nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra đề xuất này trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Jakarta hồi giữa tháng này, ngay cả khi hai nước đang bất đồng về kế hoạch của Nhật Bản nhằm xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ khu phức hợp hạt nhân Fukushima xuống biển vào mùa hè năm nay.
Thông thường, hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ được tổ chức sau các cuộc đàm phán cấp làm việc và cấp Bộ trưởng Ngoại giao tương ứng.
Các nguồn tin từ Kyodo News khẳng định Nhật Bản cũng đã thông báo cho Hàn Quốc - quốc gia đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của hội nghị thượng đỉnh ba bên sắp tới, về lập trường của Trung Quốc trong việc nối lại đối thoại ba bên.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xấu đi, cùng với tác động của đại dịch COVID-19, đã khiến ba nước láng giềng này không thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên kể từ phiên họp cuối cùng vào tháng 12/2019.
Nhưng với mối quan hệ đã dần được cải thiện đáng kể, Thủ tướng Nhật bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hồi tháng 3 đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tổ chức đối thoại ba bên càng sớm càng tốt.
Wang, một thành viên của Bộ Chính trị thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đã phát biểu khai mạc một diễn đàn về hợp tác ba bên được tổ chức tại Trung Quốc hồi đầu tháng 7 rằng ba nước nên “tạo bầu không khí để sớm nối lại các cuộc gặp của các nhà lãnh đạo”.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết thái độ mới nhất của Trung Quốc “cho thấy họ đã trở nên tích cực đối với đối thoại ba bên” với các nước láng giềng.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại, Bắc Kinh cũng có thể tìm cách thúc đẩy hợp tác với các công ty Nhật Bản về công nghệ tiên tiến và thu hút đầu tư.
Năm 2008, khi khuôn khổ ba bên này được đưa ra, ba nước đã đồng ý tổ chức các cuộc hội đàm cấp lãnh đạo hàng năm và luân phiên nhau đóng vai trò chủ nhà. Sau đó, các bên cam kết đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực như tài chính quốc tế, kinh tế và ứng phó thảm họa.