游客发表
发帖时间:2025-01-10 00:29:45
Ngân sách trung ương phải lo rất nhiều và Chính phủ đã phải tính toán, cân đối hòa chung cho cả nước. Đây là ý kiến của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh câu chuyện cân đối ngân sách trung ương và địa phương.
* PV: Thưa ông, gần đây một số địa phương lớn có ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại. Cụ thể như là TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM), tỷ lệ giữ lại giảm từ 23% xuống 18%. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- TS Lưu Bích Hồ: Đây là vấn đề đang có những ý kiến khác nhau. Quan điểm của Chính phủ, và đã được Ủy ban Tài chính ngân sách đồng tình là điều chỉnh giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại của TP.HCM và một số địa phương khác. Tôi cho rằng, đây là điều dù không muốn vẫn phải làm. Bởi tình hình ngân sách khá căng như chúng ta đã biết, nguồn thu hạn hẹp, trung ương lại phải chi rất nhiều khoản quan trọng cho cả nước. Do đó, cân đối này đã được tính toán kỹ lưỡng, nên mới buộc phải rút xuống 18%.
Về phía mình, TP. HCM có ý kiến rằng nếu giảm nhiều quá, thành phố không có nguồn lực thì sẽ không có đầu tư để tăng trưởng tốt hơn, để có nguồn thu ngân sách, do đó, chỉ nên bớt khoảng 2%, thay vì mức 5%. Thủ tướng Chính phủ đã trả lời, Chính phủ luôn có sự quan tâm đồng đều, thông cảm với tính cần thiết của TP. HCM. Nhưng tình hình hiện nay là như vậy nên không thể làm hơn được. Thủ tướng đã đề nghị thành phố phải nâng cao hiệu quả đầu tư, thu hút nguồn lực bên ngoài. Do đó, TP. HCM cũng không nên coi đây là nguồn vốn duy nhất để phát triển.
* PV: Một số ý kiến lập luận rằng thành phố cần có vốn để đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng, giảm ùn tắc, chống ngập lụt… Theo ông, nên giải quyết vấn đề này ra sao?
- TS Lưu Bích Hồ: Đúng là TP.HCM đang có tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông. Đây được coi là vấn đề cấp bách, nếu vậy thành phố phải tập trung đầu tư giải quyết những vấn đề này, giảm bớt những việc, những dự án chưa cần thiết đi. Rõ ràng, cũng như với cả nước, điều quan trọng hiện nay là phải lựa chọn thứ tự ưu tiên để đầu tư, chứ không thể dàn trải như trước. Lâu nay, nguồn vốn của chúng ta đầu tư không đạt hiệu quả là bởi chúng ta cứ muốn ưu tiên đầu tư nhiều như gai quả mít, đâu cũng là mũi nhọn, cái gì cũng muốn thì sẽ không làm được. Kế hoạch đầu tư trung hạn của Chính phủ đề ra cũng đã nói, trong giai đoạn tới, nguồn lực huy động đã tới hạn, nên mục tiêu phải chú trọng là việc phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Đồng ý là nếu có đầu tư nhiều, phát triển sẽ tăng, ngân sách lại có nguồn thu. Nhưng đó là trong dài hạn. Còn trước mắt, ngân sách trung ương khó khăn là vấn đề cấp bách, là chuyện “cháy nhà, chết người”, mà chúng ta không thể đợi. Chính phủ phải tính toán bài toán chung cho cả nước. Lúc này cả nước đang có rất nhiều việc phải xử lý ngay như nợ đến hạn phải trả, nợ xấu phải xử lý, thiên tai, hạn hán, môi trường… Từ đầu năm, tình hình kinh tế đã có biểu hiện bất lợi, căng thẳng ngân sách đã được dự đoán. Do đó, điều gay cấn phải vượt qua được hiện nay là vấn đề tài chính.
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta không thể cứ “so kè” giữa trung ương và địa phương, mà phải ưu tiên cho bài toán tổng thể. Tất nhiên, địa phương trọng điểm cần được ưu tiên, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, địa phương cần cố gắng thu hút thêm nguồn lực. Mà TP. HCM lại là nơi có điều kiện đó nhất, như doanh nghiệp nhiều, kiều hối lớn, FDI cũng nhiều… thành phố thực sự còn nhiều tiềm năng. Do đó, nếu thúc đẩy xã hội hoá, hợp tác công tư tốt hơn thì sẽ giải toả nhiều khó khăn. Nhất là đừng nên đề cập chuyện trụ sở cũ kỹ, nơi làm việc phải cơi nới, cần nâng cấp… đó không phải chuyện “cháy nhà, chết người”.
* PV: Như vậy, phải chăng điều này sẽ đòi hỏi TP.HCM cần có tầm nhìn rộng hơn, có sự chia sẻ với khó khăn chung của cả nước?
- TS Lưu Bích Hồ:Đúng vậy, tôi chia sẻ với tâm trạng của các đại biểu của công dân TP.HCM, luôn muốn thành phố phát triển hơn, to đẹp hơn. Nhưng dù sao, không thể có sự phát triển nếu tình hình cả nước không ổn định. Những chuyện khẩn cấp như miền Trung bị lũ lụt, Tây Nguyên hạn hán… thì phải là Nhà nước lo, không phải chuyện địa phương lo được. Do đó, bài toán ngân sách cũng như bài toán điều hành phải có tầm nhìn cả nước rồi mới đến địa phương.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Trao đổi bên lề phiên họp Quốc hội ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vốn ODA đã được cân đối cho TP.HCM rất nhiều, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, chia sẻ cả nước. Đặc biệt, TP.HCM cần chủ động tiến hành xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, tìm nhiều nguồn khác để bổ sung, cân đối mà không chỉ riêng ngân sách nhà nước. |
Hoàng Yến (thực hiện)
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接