Ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết và chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 TPHCM, TPHCM tiếp nhận dự án với tâm thế ra sao, thưa ông? Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2022. Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TPHCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Điểm đầu của dự án là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỷ đồng, gồm 50% vốn trung ương và 50% vốn địa phương. Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho TPHCM và các địa phương có dự án đi qua, mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án Vành đai 3 TPHCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026. Dự án Vành đai 3 dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6/2023, sớm hơn 6 tháng so với tờ trình của Chính phủ. Để thực hiện, TPHCM và các tỉnh đã triển khai các giải pháp phối hợp ra sao, thưa ông? Là cơ quan đầu mối thực hiện dự án đường Vành đai 3, TPHCM đã cùng với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã có nhiều buổi làm việc để sớm triển khai dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Hiện các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể dự án và ký kết quy chế triển khai dự án để đảm bảo tiến độ đề ra. Ngoài những cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết của Chính phủ, để sớm khởi công, UBND TPHCM cùng UBND các tỉnh thống nhất đưa ra các giải pháp trình Chính phủ để thuận lợi khi thực hiện dự án như cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án. UBND TPHCM và UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng (khi thiết kế cơ sở và dự án thành phần xây dựng chưa phê duyệt) làm cơ sở để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng được phê duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo. Ngoài ra, đề xuất cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Cho phép UBND TPHCM, UBND các tỉnh điều chỉnh cục bộ các quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến dự án… Dự kiến trong tháng 7, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai dự án để cụ thể hóa các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã thông qua. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng được tách thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Trong đó, phấn đấu bàn giao ranh giải phóng mặt bằng bắt đầu từ tháng 8/2022, bàn giao mặt bằng từ tháng 10/2022 và đến cuối năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng và đến tháng 3/2024 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng. Các địa phương quyết tâm sẽ khởi công dự án trong tháng 6/2023, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc vào tháng 10/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026. Dự án đường Vành đai 3 TPHCM được triển khai với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, lại đòi hỏi triển khai thực hiện trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy phải có phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tương ứng nhằm bảo đảm tiến độ dự án cũng như chất lượng công trình. TPHCM với vai trò là cơ quan đầu mối điều phối dự án trong quá trình triển khai, thành phố quyết tâm thể hiện tốt vai trò là đầu mối cùng các tỉnh triển khai thực hiện dự án một cách tốt nhất. Xin cảm ơn ông! |