Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết đã có trên 10.000 sản phẩm pate Minh Chay được bán ra qua hình thức online trên khắp cả nước.
Báo cáo tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều ngày 8/9 về vụ việc ngộ độc pate Minh Chay, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, nhận được thông tin 2 vợ chồng ở huyện Hoài Đức bị ngộ độc botulinum được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai sau khi ăn pate Minh Chay, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra Công ty Hai thành viên Lối sống mới. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 lỗi vi phạm của công ty này: Người tiếp xúc với thực phẩm mà không đeo khẩu trang; sử dụng dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy; vi phạm quy định “Hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa với hàng hóa có giá trị từ 10 đến 20 triệu đồng”. Ông Hùng cho hay, với 3 lỗi vi phạm hành chính nêu trên, Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới đã bị UBND huyện Đông Anh xử phạt tổng cộng 17,5 triệu đồng. Theo ông Hùng, DN này thành lập 2018. Tháng 1/2020, được Chi cục quản lý chất lượng nông sản, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên công ty không hoạt động, đến tháng 7/2020 mới hoạt động. "Từ ngày 1/7 cho đến khi phát hiện vụ việc, công ty đã đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm thực phẩm chay với phương thức bán online chứ không có cửa hàng hay hệ thống phân phối”, ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, sau khi phát hiện vụ việc trên, ngày 30/8, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế có xuống kiểm tra, đình chỉ hoạt động và niêm phong hoạt động kinh doanh của DN. Đến 31/8, Cục An toàn thực phẩm có văn bản chính thức đề nghị Công an TP vào cuộc. “Các cấp các ngành đang vào cuộc khẩn trương, trong đó có cơ quan công an. Hiện vụ việc vẫn đang chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng”, ông Hùng nói. Trước đó, tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Chính phủ giao 3 bộ phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm là Y tế, Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Tuy nhiên, mỗi bộ lại phụ trách quản lý một nhóm hàng khác nhau”, ông Cường nói. Đại diện Bộ Y tế dẫn ví dụ, như quản lý thực phẩm chức năng, phụ gia, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên… do Bộ Y tế. Trong khi đó, Bộ Công thương quản lý các sản phẩm rượu bia, nước giải khát, sữa… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý các sản phẩm sản xuất, chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như thịt, thủy sản, rau củ quả, trứng… “Đối với vụ việc Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho công ty này. Sản phẩm pate do công ty này công bố”, ông Cường thông tin. Còn Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, tuy mặt hàng này không thuộc Bộ Công thương quản lý nhưng Bộ cũng có một số chức năng liên quan. Ông Hải cho biết, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương kiểm tra để không cho tiếp tục lưu hành, tránh người dân tiếp tục sử dụng, nguy cơ nguy hại. “Ngoài ra, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng đề nghị dừng lưu hành sản phẩm. Khi nhận đơn phản ánh của người tiêu dùng, cơ quan này sẽ điều tra để xác định các bên liên quan”, ông Hải nói. |