Là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ngoài công tác chăm lo thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giúp đỡ bà con vượt khó thoát nghèo, xã Tân Phú, huyện Thới Bình còn chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc.
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ngoài công tác chăm lo thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giúp đỡ bà con vượt khó thoát nghèo, xã Tân Phú, huyện Thới Bình còn chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc. Song, công tác này gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do trình độ học vấn, nhận thức và điều kiện kinh tế.
Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Phú Võ Thanh Lâm cho biết: “Trong những năm gần đây xã đang chuyển mình từ việc chuyển đổi sản xuất phù hợp. Hiện, xã có 262 hộ đồng bào dân tộc Khmer, sinh sống tập trung ở ấp Tapasa 2 và ấp Ðầu Nai, 90 hộ đồng bào dân tộc nghèo và cận nghèo.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mỗi năm nông dân ấp Tapasa 2, xã Tân Phú, đều trúng vụ màu mùa hạn. |
Ðảng uỷ xã luôn quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc và cán bộ nữ. Tuy nhiên, đến nay 2 nội dung này vẫn chưa thể đảm bảo vì nhiều nguyên nhân.
Theo ông Lâm, trước hết là do nguồn kế thừa và chăm bồi trong những năm gần đây không đảm bảo. Những nam, nữ thanh niên (kể cả đồng bào dân tộc thiểu số) trong tuổi lao động thường có hướng dịch chuyển lao động ngoài tỉnh. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện xã có khoảng 50% lao động xin việc làm ngoài tỉnh.
Việc giữ lượng lao động này ở địa phương rất khó khăn. Phần vì địa bàn xã chỉ phát triển sản xuất nông hộ: trồng hoa màu, lúa và chăn nuôi. Thu nhập cũng không đảm bảo, trong khi thu nhập từ việc làm ngoài tỉnh sẽ đảm bảo hơn cho cuộc sống của họ.
Việc chọn nhân sự nguồn cho công tác đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ kế thừa gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí đến lực lượng cán bộ nữ (kể cả dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số), xã vẫn đang gặp khó trong việc đảm bảo các vị trí chủ chốt trong nhiều mặt công tác.
Vẫn còn thực trạng người giữ các chức danh không chuyên trách xin thuyên chuyển, nguyên nhân được xác định là vì áp lực công việc nhiều nhưng đời sống, thu nhập chưa đảm bảo. Từ đó dẫn đến việc tham mưu, đề xuất chính sách đối với cán bộ nữ nói chung, nữ dân tộc thiểu số nói riêng đạt kết quả chưa cao. Một số nội dung về công tác cán bộ nữ được quy định trong luật, song chưa được cụ thể hoá.
Việc tham mưu phát hiện, giới thiệu nguồn nhân sự nữ cho các cơ sở Ðảng còn chưa chủ động; thiếu chiến lược. Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chủ trương, chính sách thiếu tiếng nói đại diện của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.
“Ðảng uỷ ngoài đề ra nhiều hướng khắc phục tình trạng này, còn trực tiếp chỉ đạo, phân công các bí thư chi bộ ấp phải rà soát, vận động lực lượng này tham gia vào công tác. Tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo có nguồn kế thừa và giới thiệu cho Ðảng.
Ðến nay, toàn xã có 4 cán bộ là người dân tộc Khmer đảm bảo một số vị trí công tác: bí thư chi bộ và phó chủ tịch UBND. Ðược kết quả bước đầu như thế là rất khả quan”, ông Lâm cho biết.
Trong thời gian tới, Ðảng uỷ, UBND và các tổ chức chính trị, đoàn thể còn đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp uỷ Ðảng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch, đào tạo đối với cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Chủ động lựa chọn nguồn cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất chính trị đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cấp uỷ các cấp, các cơ quan, đơn vị.
Ðồng thời, rà soát, bổ sung các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về chế độ, chính sách đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho đội ngũ này yên tâm công tác, tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và các kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ./.
Bài và ảnh: Phong Phú