Lệnh cấm đánh bắt phi lý ở biển Đông của Trung Quốc bị Mỹ cho là “khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm”.
|
Quy định do chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014, yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền sở tại nếu muốn đánh bắt trong “vùng quản lý” ôm gần trọn biển Đông lập tức bị nhiều nước chỉ trích và phản đối mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua ra thông cáo khẳng định: “Động thái này làm leo thang căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình biển Đông một cách không cần thiết và đe dọa đến hòa bình cũng như ổn định trong khu vực”.
Cũng trong hôm qua, đồng minh của Philippines là Mỹ đã gọi hành động của Trung Quốc là “khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm”, theo Reuters. Tuyên bố từ phía Mỹ khiến Trung Quốc nóng mặt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua lên tiếng: “Chính phủ có quyền và trách nhiệm đưa ra những quy định để quản lý các đảo và nguồn thủy sản theo đúng luật lệ sở tại và quốc tế”.
Mặc dù Trung Quốc không chính thức công nhận lệnh cấm đánh bắt trên được ban hành từ cấp trung ương, nhưng với những gì người phát ngôn nước này khẳng định trong hai ngày qua, các chuyên gia cho rằng có dấu hiệu cho thấy những quy định này đã được chính quyền trung ương bật đèn xanh. Điều quan trọng là trong khi giới chức Trung Quốc ra sức phân bua lệnh cấm đánh bắt mà họ đưa ra phù hợp với thông lệ quốc tế, thì phân tích của các chuyên gia quốc tế đang cho thấy điều ngược lại.
Tiến sĩ Sam Bateman (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore) nói với Thanh Niên: “Những quy định về đánh bắt mới của tỉnh Hải Nam dường như cho thấy đây là một hành động đơn phương từ Trung Quốc đi ngược lại với nghĩa vụ hợp tác được quy định trong Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS)”.
Một chuyên gia phương Tây thông thạo tình hình biển Đông, đề nghị không nêu tên, nhận định với Thanh Niên: “Nếu thực sự nó đúng như những gì giới truyền thông phân tích, đây quả thực là một động thái vượt quá giới hạn của Trung Quốc. Nó gây ra bất an không chỉ cho Việt Nam, Philippines mà cả khu vực nói chung”.
Giáo sư Carlyle A.Thayer (Đại học New South Wales - Úc) cảnh báo: “Hành động của bất kỳ tàu Trung Quốc nào nhằm thực thi những quy định nói trên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này sẽ bị coi là phi pháp và liệt vào hành động cướp biển”.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, vừa qua Ủy ban Thường vụ nhân dân tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã thông qua “Dự thảo sửa đổi biện pháp thực hiện luật Ngư nghiệp nước CHND Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” và có hiệu lực từ 1-1-2014. Theo đó, người nước ngoài và tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước tỉnh Hải Nam quản lý có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính... Ngày 24-12-2013, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng ra thông báo về thời gian nghỉ đánh bắt cá bằng lưới tại một số khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Trung Quốc mới đây cũng đã cho ra mắt trang mạng và tờ báo giấy của cái gọi là “Thành phố Tam Sa”; nâng cấp cải tạo trạm khí tượng tự động ở một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa... Ngày 10-1-2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị trả lời báo chí, nói rõ: Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông... “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”, ông Lương Thanh Nghị tuyên bố. Cũng trong ngày 10-1, Hội Nghề cá VN đã có công văn gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại T.Ư, đề nghị các cơ quan chức năng cần phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn ngay những hành động vi phạm của Trung Quốc, bảo vệ ngư dân khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam. Theo Hội Nghề cá VN, có khoảng 2 triệu trên tổng số 3,5 triệu km2diện tích biển Đông nằm trong phạm vi hiệu lực trong quy định của phía Trung Quốc. |
Nguồn TNO