Danh mục AHTN là cơ sở cho việc hình thành nên Danh mục hàng hóa XNK của Việt Nam và các Biểu thuế tối huệ quốc (MFN) và các Biểu thuế FTA của Việt Nam với các nước đối tác. Xác định được tầm quan trong trong việc đàm phán danh mục AHTN, để phục vụ cho phiên đàm phán Tổng cục Hải quan đã trưng cầu ý kiến các đơn vị trong ngành Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, hiệp hội DN. Tiếp tục phiên đàm phán thứ 3 sẽ diễn ra trong tháng 10/2019 giữa cơ quan Hải quan và Thuế các nước ASEAN, Tổng cục Hải quan tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành, các tập đoàn DN, hiệp hội DN rà soát Danh mục AHTN 2017 để xây dựng Danh mục AHTN 2022 đối với các mặt hàng từ chương 30 đến 49. Theo đại diện Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), tại phiên làm việc thứ 2 đối với các mặt hàng từ chương 1 đến 29, đoàn đàm phán Việt Nam đã tích cực bảo vệ quan điểm để bảo lưu tối đa các dòng hàng có chênh lệch thuế suất thuộc các FTA song phương và đa phương với ASEAN. Theo đó, có 136 dòng hàng được chi tiết thêm tại các Chương từ 1 đến 24, trong đó chi tiết nhiều nhất tại các Chương 3, 15, 16. Việc chi tiết thêm các dòng hàng này nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý và áp dụng thuế suất theo nhu cầu của các nước thành viên, không ảnh hưởng đến cam kết của các nước trong FTA. Có 41 dòng hàng xóa và gộp tại các Chương từ 1 đến 24. Đây là những dòng hàng có kim ngạch thấp, thuế suất MFN và FTA ASEAN không chênh lệch nên Việt Nam và các nước không có cơ sở để giữ các dòng hàng này. Việc gộp và xóa các dòng hàng này không gây khó khăn cho các FTA song phương của Việt Nam có có thể chi tiết các dòng hàng này ở cấp độ 10 số đối với các mức thuế suất cam kết chênh lệch. Đại diện Cục Thuế XNK cho biết thêm, một số nội dung đáng chú ý trong phiên đàm phán thứ 2 như: Chương 24 chi tiết thêm nhóm mới 24.04 “các sản phẩm chứa lá, thuốc lá “hoàn nguyên”, nicotin, hoặc nguyên liệu thay thế lá thuốc lá hoặc nicotin, nhằm để hút mà không cần đốt; các sản phẩm chứa nicotin vào cơ thể người”. Theo đó, các mặt hàng tại nhóm mới 24.04 có thể được chuyển từ rất nhiều nhóm khác nhau như thuốc lá, dược phẩm, thực phẩm, đồ uống… Nên các bộ, ngành, hiệp hội liên quan đến sản phẩm thuộc nhóm 24.04 nghiên cứu, có ý kiến làm rõ các mặt hàng thuộc nhóm này để có cơ sở đề xuất chi tiết các mã HS cụ thể tại nhóm 24.04, bảo đảm tối đa quyền lợi của ngành hàng Việt Nam. Một nội dung khác cũng đáng lưu ý là do sự phát sinh chênh lệch về thuế suất, phía Việt Nam đã đề xuất thêm dòng hàng 1515.60.10 “dầu thô từ vi sinh vật, các phần phân đoạn của dầu từ vi sinh vật chưa tinh chế” và dòng hàng 1516.30.10 “chất béo và dầu đã tái este hóa của dầu từ vi sinh vật và phần phân đoạn của chúng” và cần phải thu thập thêm thông tin thực tế XK các mặt hàng nêu trên để có căn cứ cung cấp tại phiên làm việc sau. Do vậy, với dòng hàng mới này, các bộ, ngành, hiệp hội cũng cần cung cấp thêm thông tin cho cơ quan Hải quan. Để tiếp tục cho phiên đàm phán thứ 3 sẽ diễn ra trong tháng 10/2019, Tổng cục Hải quan tiếp tục trưng cầu ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội liên quan đến các mặt hàng từ chương 30 đến 49. Trong đó sẽ tiếp thu các đề xuất sửa đổi, bổ sung mã số hàng hóa, mô tả hàng hóa của các mặt hàng ở cấp độ mà HS 8 chữ số, danh mục HS liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ, ngành có phát sinh vướng mắc hoặc để phục vụ nhu cầu quản lý trong quá trình thực hiện Danh mục AHTN 2017. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng sẽ tiếp thu các đề xuất mở thêm mã HS mới (8 số) cho một dòng hàng cụ thể hoặc đề xuất gộp các mã HS (8 số) khác nhau trong cùng 1 cấp độ nhóm thành 1 mã HS mới. Tuy nhiên, các đơn vị phải đề xuất cụ thể cơ sở tách hoặc gộp, mô tả cụ thể cấu tạo, đặc tính kỹ thuật cho mặt hàng mới đề xuất và kim ngạch XNK (nếu có).
|