Sáng kiến 3S của Hải quan Trung Quốc được triển khai từ tháng 2/2021. 3S được thực hiện thông qua các dự án ứng dụng các công nghệ mới nổi, các thiết bị hiện đại và các giải pháp tiên tiến với mục tiêu nâng cao hiệu quả giám sát hải quan, đảm bảo an ninh thương mại và thông quan nhanh chóng. 3S gồm ba nội dung: (i) Hải quan thông minh - Smart Customs: nâng cao thủ tục hải quan thông qua hạ tầng thông minh, quản lý nội bộ thông minh; (ii) Biên giới thông minh - Smart Borders: kết nối giữa các cơ quan quản lý biên giới và xuyên biên giới nhằm giám sát biên giới thông minh; (iii) Kết nối thông minh - Smart Connectivity: thực hiện kết nối các hệ thống thông tin hải quan, chuẩn hóa các mô hình quản trị hải quan, hợp tác với các chủ thể trong chuỗi cung ứng. Ba trụ cột trên sẽ kết hợp, cộng hưởng và hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo ra động lực tổng thể cho hoạt động hải quan. Tính đến tháng 6/2022, đã có 78 dự án khác nhau được thực hiện trong khuôn khổ Sáng kiến này, trong đó, một số dự án nổi bật đang được Trung Quốc triển khai và giới thiệu tại các diễn đàn quốc tế. Cụ thể như sau: Dự án Kiểm tra thông minh tại cảng tự động của Hải quan Thượng Hải (Cảng Yangshan giai đoạn 4 là cảng container tự động lớn nhất trên thế giới), thực hiện kiểm tra hải quan và thông quan tự động thông qua việc phân tích và đọc hình ảnh thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Hình ảnh soi chiếu sẽ được chuyển về Trung tâm phân tích dữ liệu cách đó 30km thông qua hệ thống cáp quang để phân tích AI. Thời gian trung bình để phân tích với mỗi hình ảnh là 5 giây. Hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo nếu phát hiện khai báo sai. Trong năm 2021, hệ thống đọc AI đã giúp phát hiện bắt giữ 1,2 triệu điếu thuốc lá buôn lậu. Cảng Yangshan sử dụng các thiết bị vận chuyển container không người lái, di chuyển theo sự điều hành của hải quan tới các điểm kiểm tra, soi chiếu. Hải quan Thượng Hải cũng tiếp nhận thông tin từ các bên liên quan như hãng vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng… để xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại quốc tế để hỗ trợ hoạt động kiểm soát và cung cấp dịch vụ hải quan. Dự án website hợp tác thông tin giữa Trung Quốc và ASEAN về vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) khởi động năm 2012 và được cập nhật năm 2022. Trang web chứa hơn 7.500 thông tin, bao gồm luật và quy định về SPS của Trung Quốc và các nước ASEAN, yêu cầu truy cập đối với các sản phẩm động thực vật và thực phẩm, thông báo về các biện pháp SPS, thông tin rủi ro,... Thông tin được thu thập bằng 8 thứ tiếng bao gồm tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Việt, tiếng Campuchia,... Website có chức năng trao đổi thông tin, tiếp nhận phản hồi từ khách hàng. Dự án kiểm tra thông minh 5G của Hải quan Thâm Quyến: Kiểm tra thông minh 5G sử dụng một cặp kính thông minh và một máy tính bảng 5G nhằm giám sát phương tiện vận tải qua biên giới, trao đổi thông tin theo thời gian thực, có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu về thủ tục hải quan, kiểm tra, chống buôn lậu, tín dụng doanh nghiệp, đặc điểm nhận dạng phương tiện và biển số… và có thể trích xuất dữ liệu cần thiết để hỗ trợ cán bộ làm việc tại hiện trường. Dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Singapore nhằm chia sẻ thông tin điện tử giữa Hải quan Trùng Khánh và Hải quan Singapore theo thời gian thực. Doanh nghiệp của Singapore và Trung Quốc có thể theo dõi toàn bộ hành trình của hàng hóa. Thông tin được chia sẻ giữa hai bên gồm các nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm, cảnh báo về kiểm dịch đối với động vật và thực vật, đồ ăn không có giấy phép, rủi ro về chất lượng và an toàn của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để có thể phối hợp ngăn chặn hoặc kiểm tra. Dự án hợp tác giữa Hải quan Quảng Châu với Hồng Kông và Macao trong việc kiểm soát thư tín. Theo đó, các công ty bưu chính tại Hồng Kông và Macao gửi thông tin trước của bưu kiện tới Hải quan Quảng Châu sử dụng phương thức trao đổi dữ liệu điện tử. Dựa theo đó, các bưu kiện khi vào Trung Quốc sẽ được lập tức phân loại theo chỉ dẫn của cán bộ hải quan sử dụng hệ thống phân loại tự động và hệ thống đọc hình ảnh AI nhằm đảm bảo việc kiểm tra hiệu quả đối với khối lượng lớn bưu kiện (áp dụng công nghệ AI, AR và 5G). Các xe tải chở bưu kiện cũng được khám xét và giải phóng tự động. Hải quan Quảng Châu cũng xây dựng hệ thống sau thông quan điện tử kết nối với 28 đơn vị hải quan khác, cho phép truy vết của bưu kiện bất cứ khi nào, bất cứ lúc nào. Tại tuyến biên giới chung giữa Trung Quốc và Mông Cổ dài 4.710km với 12 cửa khẩu đường bộ, Hải quan Trung Quốc đưa ra 3 ví dụ về sáng kiến 3S hiện đang được thực hiện tại biên giới đường bộ với Mông Cổ tại Tỉnh Hohhot (có 6 cửa khẩu đường bộ). Cụ thể, tại cửa khẩu Ceke, bằng việc thực hiện cải cách thay đổi từ việc “khai báo hải quan khi hàng đến” sang “kiểm tra hải quan trước” thông qua việc đánh giá rủi ro trước khi hàng đến. Tỷ lệ “kiểm tra và thông quan trong vòng 10 phút” đối với hàng hóa xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đã đạt hơn 90%, hiệu quả kiểm tra và thông quan được cải thiện rõ rệt, cùng với việc sử dụng các thiết bị hiện đại và chia sẻ thông tin trước cũng như thông tin thu thập được tại các “smart gate” (được trang bị camera, thiết bị đọc biển số…) với các cơ quan liên quan. Thời gian kiểm tra tự động và giải phóng phương tiện xuất nhập cảnh qua cổng hải quan thông minh trung bình là 40-50 giây. Việc truyền dữ liệu nền chưa đến 3 giây giúp việc kiểm tra và giải phóng các phương tiện xuất nhập cảnh được tính bằng giây. Việc sử dụng Hệ thống Cửa khẩu đám mây thuộc Cơ chế một cửa đã tạo khả năng quản lý thống nhất và chia sẻ thông tin như số làn đường, RFID (nhận dạng qua tần số vô tuyến) biển số xe, trọng lượng và hình ảnh được thu thập bởi thiết bị tại các trạm kiểm soát thông minh. Hệ thống hỗ trợ sẽ tự động truyền thông tin thông quan đến hệ thống Cửa khẩu đám mây. Sau khi cải cách, số lượng hệ thống vận hành đã giảm từ 6 xuống còn 4 và các thủ tục giám sát hàng hóa trong nước đã giảm từ 18 xuống còn 5, gồm xác nhận manifest, giám sát phân luồng, phân phối việc kiểm tra và kiểm soát, và giải phóng hàng hóa thực tế. Thiết kế khu vực riêng dành cho việc kiểm tra và kiểm dịch đối với hành khách qua biên giới với Mông Cổ, không có sự tiếp xúc với công chức hải quan. Với các chức năng khai báo sức khỏe hành khách phi giấy tờ, thông quan một mã, kết nối tự động với hệ thống thông quan hành khách, chụp ảnh nhanh, đo nhiệt độ hồng ngoại và ra cổng, cũng như ứng dụng điều tra dịch tễ từ xa, hệ thống kiểm tra thông minh đối với hành khách xuất nhập cảnh chỉ còn dưới 10 giây. Năm 2019, với chủ đề “Biên giới thông minh tạo thuận lợi cho thương mại, hành khách và vận tải”, WCO đưa ra nội hàm của SMART là Đảm bảo an ninh -Secure, Có thể đo lường - Measurable, Tự động hóa - Automated, Dựa trên quản lý rủi ro - Risk Management-based, và ứng dụng công nghệ - Technology-driven. Sáng kiến 3S của Hải quan Trung Quốc có thể coi là một điển hình của việc thực hiện các nội hàm SMART của WCO, thông qua việc thực hiện các dự án đa dạng, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa bàn trên địa hình rộng lớn của Trung Quốc. |