Theo ông Ousmane Dione, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được rất nổi bật. Trong suốt 30 năm qua, nền kinh tế đã tăngtrưởng trung bình gần 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần. Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và lànước XK đang phát triển mạnh.
Tuy nhiên, ông Ousmane Dione cho rằng, hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu, và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai.
Trong nước, Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn.
“Khi chúng ta đang chuẩn bị chuyển sang chu kỳ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo, điều quan trọng là nhìn lại những điểm còn tồn tại trong chương trình cải cách hiện nay của Việt Nam và thúc đẩy hơn nữa tiềm năng tăng trưởng của đất nước, không chỉ về mặt số lượng mà quan trọng nhất là về chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng. Đây là điều cần thiết đối với Việt Nam để thực hiện thành công khát vọng trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao như đã hình dungtrong báo cáo Việt Nam 2035” ông Ousmane Dione nói.
Trên cơ sở đó, ông Ousmane Dione đề xuất bốn ưu tiên chính. Thứ nhất, ông nhấn mạnh, cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được đẩy mạnh mạnh mẽ, để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý.
Thứ hai, mặc dù hiện tại còn nhiều hạn chế về tài chính, cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn có ý nghĩa rất quan trọng cho tăng trưởng trong tương lai. Cho dù một khuôn khổ hợp tác công tư (PPP) vững chắc có thể giúp giải quyết vấn đề này thì cải cách cơ cấu mạnh mẽ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng, như sản xuất điện, có thể giúp thiết lập thị trường cạnh tranh cho dịch vụ cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.
“Thứ ba, chúng ta không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Ousmane Dione lưu ý.
Theo đó, đầu tư vào vốn nhân lực sẽ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận theo toàn bộ chu kỳ với những nỗ lực phối hợp hiệu quả để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt là ngay từ thời thơ ấu, giáo dục suốt đời và đào tạo kỹ năng.
Ông Ousmane Dione cho biết, trong Chỉ số Vốn Con người mới công bố gần đây của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 48 trong số 157 nước. Đây là thành tựu lớn, nhưng còn cần những kiến thức và kỹ năng của thế kỷ 21 để năng suất lao động cao hơn. Điều này đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng và sự phù hợp của giáo dục đại học và dạy nghề.
Thứ tư, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, thể hiện chủ yếu ở sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc sản xuất điện từ đốt nhiên liệu chứa hàm lượng các bon cao.
“Theo Chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường do Đại học Yale xây dựng để xếp hạng 180 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 132. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn”, ông Ousmane Dione cho biết.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là để thực hiện 4 nội dung ưu tiên này sẽ cần những thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả. Thể chế thị trường hiệu quả, tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý, Việt Nam cũng sẽ phải huy động và sử dụng những nguồn lực khan hiếm của mình một cách hiệu quả để tài trợ cho một chương trình phát triển đầy tham vọng.
Bên cạnh đó, tăng cường huy động vốn từ nguồn thu trong nước, bổ sung bằng những nỗ lực nâng cao hiệu quả chi tiêu và năng lực quản lý nợ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo có thể đạt được mục tiêu phát triển mà không tăng nợ đến mức không bền vững.
“Cuối cùng, vấn đề không kém phần quan trọng, đó là nguồn vốn ODA hiện có sẽ phải được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trong nước và tận dụng được những lợi ích phi thương mại, bí quyết kinh doanh và đầu tư tư nhân”, ông Ousmane Dione nói.
- Xu hướng hiện đại hóa hạ tầng và bài toán xây dựng môi trường phát triển ứng dụng cho dân IT
- May Phú Thịnh
- PNJ bổ nhiệm Giám đốc Khối Tài chính kế toán
- Mất bao lâu để sạc đầy pin trên iPhone 13 series?
- Doanh nghiệp ICT rầm rộ tiến quân ra nước ngoài
- Lo dư thừa nguồn cung, Dự án nhà máy lớn nhất của Cargill tại Việt Nam chưa động đậy
- Dây Lightning trên iPhone đem lại quyền lực kiểm soát cho Apple
- Samsung đưa Galaxy Note 22 trở lại?
- Sàn TMĐT phải gỡ bỏ sản phẩm vi phạm trong vòng 24h
- Ứng dụng bên thứ ba không dùng được tính năng ‘hot’ trên iPhone 13