| Ngân hàng xem xét giảm chi phí, không chia cổ tức tiền mặt để tập trung giảm lãi suất | | HDBank giảm đến 5% lãi suất cho vay cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ | | Từ 17/3, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm mạnh lãi suất điều hành |
| Giao dịch tại Vietcombank. |
Thực hiện nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 31/3, các ngân hàng đều đã “mạnh tay” hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, nhiều ngân hàng thương mại đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay, với mức giảm lên tới 2,5%/năm cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19. Với mức giảm này, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 4,5-5%/năm. Về vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank cam kết, ngân hàng tiếp tục xem xét giảm 2%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng kinh doanh các lĩnh vực phục vụ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Còn đối với khoản cho vay mới, Vietcombank cũng sẽ dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với hiện nay. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu được giảm tối đa với mức áp dụng chỉ từ 4,5-5%/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay. Tương tự, thực hiện giảm lãi suất từ 0,5-1,5%/năm cho cả khách hàng mới lẫn khách hàng hiện hữu thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng với quy mô gói tín dụng từ 28.000-30.000 tỷ đồng, theo ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi không bị chuyển thành nợ xấu. Từ đó, khách hàng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng tốt hơn với lãi suất cạnh tranh và giảm chi phí vốn vay do không có lịch sử tín dụng xấu trong hoạt động với ngân hàng, tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tại TPBank, lãnh đạo nhà băng này cho biết cũng đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu nợ, giãn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm so với quy định từ 1,5-2,5% với tổng giá trị tín dụng lên tới 12.000 tỷ đồng. TPBank cũng xem xét giảm lãi suất cho vay với các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện đang vay ngân hàng, với mức giảm từ 0,5-1% so với lãi suất trên hợp đồng, tổng dư nợ dự kiến được giảm lãi khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại khác như Agribank, MBBank, Sacombank, SHB, HDBank… cũng đều đang triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đó, tại một cuộc họp giữa NHNN với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, toàn ngành ngân hàng đang quyết tâm thực hiện tốt theo các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Trong đó, các ngân hàng thương mại đã chú trọng triển khai các biện pháp như cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới. Các ngân hàng thương mại đã phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh với mức giảm khoảng 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch. |