| Tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2021. Ảnh: ST |
Tín dụng sẽ tăng cao trong 2021? Mới đây, Báo cáo chiến lược đầu tư 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect đã đặt kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ vậy, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ, trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường, qua đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong quý 4/2020 và năm 2021. Do đó, VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt 13% và lãi suất huy động - cho vay sẽ giảm 20-50 điểm % trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát thấp. Với mức tăng trưởng này, tỷ lệ tín dụng trên GDP được dự báo sẽ tăng lên 124% từ mức 110% của năm 2019. Những dự báo nêu trên hoàn toàn có cơ sở khi thực tế tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020 đã có sự phục hồi mạnh vào nửa cuối năm. Theo báo cáo của NHNN, nếu như vào quý 1, tín dụng tăng chậm (chỉ tăng 1,3% so với cuối năm 2019) thì sang quý 2 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý 3 khởi sắc tăng 6,08% và đến 21/12/2020 đã tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. NHNN dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, một số tổ chức tín dụng đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng tín dụng trở lại, nhiều nhu cầu vốn mới đã xuất hiện. Đây được xem là tín hiệu tốt, báo hiệu một sức bật mới về tăng trưởng tín dụng. Tại các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng đã ghi nhận sự bứt tốc trong 2 tháng gần đây. So với những tháng nửa đầu năm, tín dụng của nhiều ngân hàng thương mại đang tăng gấp 3, gấp 4 lần trong những tháng gần đây. Chẳng hạn, tại HDBank, tín dụng 11 tháng đầu năm 2020 đã tăng hơn 11% so với cuối năm 2019. Vietcombank cũng tăng trưởng hơn 10% tính đến hết tháng 11, dự kiến cả năm sẽ tăng 13-14%. Tại MSB, lợi nhuận 2 tháng vừa qua đã bằng lợi nhuận cả quý III/2020, chủ yếu là nhờ hoạt động cho vay. Nhiều ngân hàng khác tín dụng cũng đã tăng tới 20% so với cuối năm 2019… Mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, diễn biến tín dụng thời gian qua phù hợp với bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức thấp so với các năm trước. Tuy nhiên, những giải pháp điều hành tín dụng đã đúng và trúng với mục tiêu của NHNN. Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, NHNN đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng sản phẩm, tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân. Thực tế vấn đề này đã được lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ nhắc đi nhắc lại trong cả năm nay, đó là sẽ tạo điều kiện tối đa về room tín dụng cho các ngân hàng có “sức khỏe” tốt và có dư địa tăng trưởng tín dụng, nhưng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả. Thậm chí mới đây, trong buổi làm việc với NHNN về định hướng nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuâ Phúc cũng đã nhắc nhở ngành Ngân hàng cùng với việc mở rộng tín dụng, hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN và các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng. Có thể thấy, ngành Ngân hàng sẽ cần nhiều giải pháp để đưa dòng vốn ra nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng không nên nhìn vào con số, mà nên nhìn vào chất lượng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. |