BỘI MÙA CÀ PHÊ
Gia đình anh Nguyễn Diên Thành ở ấp Pa Pếch, phty số bóng đá xã Tân Hưng, có 1 ha cà phê. Năm ngoái, do ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt nên sản lượng cà phê thu được không đáng kể. Năm nay, cây cà phê cho trái sai hơn do mưa nhiều, dồi dào lượng nước, nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư tưới, tập trung chăm sóc vườn đúng kỹ thuật. So với mấy năm gần đây, vụ này người trồng cà phê coi như “trúng”. Không chỉ tăng về năng suất, sản lượng mà giá bán cà phê cũng không xuống quá thấp. Thời điểm này, anh Thành bán cà phê nhân với giá 38.000 đồng/kg, thấp hơn đầu vụ 4.000 đồng/kg nhưng so mấy năm trước với giá bán này nông dân vẫn lời ít nhất 40-50 triệu đồng/ha. “Mấy năm trước, thu hoạch xong tôi chỉ đủ tiền trả công hái, còn tiền mua phân bón, thuê người làm cỏ, bẻ chồi, công chăm sóc đành chịu lỗ. Vụ này với 1 ha, gia đình tôi thu được khoảng 3,5 tấn cà phê nhân. Sau mấy vụ cà phê mất mùa rồi rớt giá, năm nay được cả sản lượng và giá nên chúng tôi mừng lắm” - anh Thành phấn khởi.
Vườn cà phê của gia đình ông Trần Văn Phê ở ấp 6, xã Đồng Tâm đang vào vụ thu hoạch
Chung niềm vui, gia đình anh Hồ Quốc Hưng ở cùng ấp Pa Pếch cũng được mùa cà phê. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cà phê của gia đình có diện tích 10 ha, anh Hưng nói: “Gia đình tôi là một trong những hộ trồng cà phê sớm nhất vùng và nhờ gắn bó với cây trồng này nên cuộc sống mới khấm khá như hôm nay. Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá cà phê trên thị trường biến động mạnh, bất lợi cho người trồng, có năm giá rơi xuống đáy khiến nông dân bị lỗ nặng. Đồng thời do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, nhất là trong mùa khô năm 2016, khiến nhiều vườn cà phê bị thiếu nước tưới trầm trọng, làm giảm năng suất, buộc nhiều nhà vườn phải chặt bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng các loại cây khác. Gia đình đã gắn bó với cây cà phê hơn 12 năm nay nên tôi chọn trồng xen cây điều, cây ăn trái trong vườn cà phê để tăng thu nhập trên cùng diện tích. Năm nay, vườn cà phê sai trái, năng suất đạt 3-4 tấn hạt/ha, cao nhất từ trước tới giờ. Nếu năm nào cà phê cũng được mùa và giá ổn định thì người trồng chẳng mấy chốc mà khấm khá”.
Sau nhiều năm gắn bó với cây cà phê, anh Hưng đã tìm hướng đi mới bằng việc sản xuất cà phê theo dạng khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế xuất ra thị trường. Khi tìm được đầu ra ổn định thì ngoài sử dụng nguồn nguyên liệu gia đình có, anh còn thu mua của nông dân trong vùng hàng chục tấn cà phê nhân, cà phê tươi mỗi năm. Với cách làm này, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động và hàng chục lao động thời vụ với mức lương từ 3-8 triệu đồng/người/tháng.
LO THIẾU NHÂN CÔNG, RỚT GIÁ
Hộ ông Trần Văn Phê ở ấp 6, xã Đồng Tâm có 5 ha cà phê đang vào vụ thu hoạch. Ông Phê cho biết, năm nay vườn cà phê của gia đình năng suất tăng khoảng 40% so với vụ mùa năm ngoái. Hiện nay, vườn chưa chín rộ nên gia đình ông thuê 3 nhân công, mỗi ngày thu hơn 3 tạ cà phê tươi bán cho thương lái. Ông Phê nói: “Hơn một tuần nữa cà phê chín rộ, gia đình sẽ thuê nhiều nhân công hơn để kịp thời vụ nhưng lúc đó sợ tìm công hái khó vì cà phê rộ, nhiều vườn rất cần nhân công, không những thế giá nhân công sẽ tăng từ 180 ngàn lên 220 ngàn/người/ngày. Thêm nữa, giá cà phê tươi đầu vụ 8.000 đồng/kg, hiện giảm còn 7.500 đồng/kg, tuy giảm không nhiều nhưng tôi sẽ tranh thủ tìm công hái để thu hoạch kịp bán được giá cao”.
Giá cà phê nhân đang ở mức 38.000 đồng/kg và năng suất khá cao nên hầu hết người dân trồng loại cây này đều phấn khởi. Tuy nhiên, nông dân cũng không khỏi lo lắng vì giá cà phê đang có dấu hiệu giảm nhẹ bởi chỉ trong nửa tháng, giá đã giảm khoảng 4.000 đồng/kg. Các hộ trồng cà phê đang tranh thủ thu hoạch, phơi khô, mong kịp bán trước khi giá xuống thấp.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Đồng Phú Lê Duy Nam cho biết: Hiện nay, toàn huyện có hơn 877 ha cà phê, trồng tập trung ở các xã Tân Hưng, Tân Phước, Thuận Phú, Đồng Tiến, Đồng Tâm... Tuy nhiên, cà phê vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp. Quy trình canh tác, thu hoạch vẫn còn nhiều hạn chế, công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch tương đối lạc hậu. Điều mà ngành nông nghiệp huyện và nhiều nông dân địa bàn trăn trở là làm thế nào để nâng chất lượng hạt cà phê, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng lợi nhuận.
Dù mới vào chính vụ thu hoạch nhưng theo nhận định của nông dân trồng cà phê trên địa bàn huyện, năng suất năm nay cao hơn mọi năm. Giờ đây, người nông dân vẫn lo lắng, thấp thỏm về giá thị trường bởi họ cần một cơ chế ổn định về giá để yên tâm sản xuất và không phải lo mỗi khi đến mùa thu hoạch.
Nhung - Hiền