游客发表
发帖时间:2025-01-26 06:36:53
*Với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của G20. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham dự tất cả các hoạt động chính thức của Hội nghị và có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với nhiều lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị. Những hoạt động dày đặc, tích cực, hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ đã khắc họa rõ nét hình ảnh Việt Nam năng động, trách nhiệm, cởi mở, đóng góp vào thành công chung của Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2024.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã có hai bài phát biểu quan trọng tại các phiên thảo luận về "Cuộc chiến chống đói nghèo" và "Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng". Trong đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu trong giải quyết các vấn đề quốc tế, nêu bật vai trò của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế trong thúc đẩy hòa bình, ổn định, tạo nền tảng cho xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, Việt Nam đã trở thành một thành viên sáng lập của Liên minh toàn cầu chống đói nghèo.
Tại phiên thảo luận về "Cuộc chiến chống đói nghèo", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là vấn đề thời sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp thiết đối với an ninh toàn thể nhân loại. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu xóa bỏ đói nghèo của nhân loại đang bị thách thức nghiêm trọng bởi xung đột, kinh tế trì trệ và biến đổi khí hậu. Tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) về xóa đói nghèo bị đảo ngược. Hơn 750 triệu người đang bị nạn đói đe dọa, tăng 150 triệu người so với năm 2019. Đây là một nghịch lý khi sản lượng lương thực thế giới đủ cho dân số toàn cầu.
Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế cần có quyết tâm chính trị cao hơn, nguồn lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn cho các chương trình, dự án cụ thể về xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả hơn. Bởi vì xóa đói nghèo không chỉ có ý nghĩa nhân văn cao cả, mà còn là một trong những nền tảng quan trọng nhất, tác động trực tiếp tới bảo đảm hoà bình, an ninh, ổn định trên toàn cầu.
Từ những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững từ một nước nghèo đói, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau gần 40 năm chiến tranh, 30 năm bị bao vây cấm vận, Thủ tướng chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm then chốt: (i) Không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; (ii) Đặc biệt coi trọng an ninh lương thực và xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế; (iii) Lấy con người làm trung tâm, chủ thể; ưu tiên đầu tư cho con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo toàn cầu:
Thứ nhất, bảo đảm hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển là điều kiện tiên quyết để xóa đói nghèo và phát triển bao trùm; chỉ có hòa bình, độc lập, tự chủ và ổn định chính trị thì mới chống được đói nghèo. G20 cần phát huy vai trò đi đầu trong bảo đảm hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển, không chính trị hóa khoa học công nghệ và các vấn đề phát triển, nhất là thương mại nông nghiệp và an ninh lương thực.
Thứ hai, bảo đảm hệ thống nông - lương toàn cầu hiệu quả, ổn định, thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu là nền tảng lâu dài. Các nước G20 cần tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính ưu đãi, quản trị thông minh… cho các nước chậm và đang phát triển trong chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững và hỗ trợ bảo đảm các chuỗi cung ứng lương thực cho các nước thu nhập thấp.
Thứ ba, bảo đảm đầu tư cho con người, lấy giáo dục đào tạo, an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt cho xây dựng xã hội hài hòa bao trùm, bền vững. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực cho phát triển bền vững; ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách thiết thực, khả thi, hiệu quả cho xoá đói, giảm nghèo, "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đã giúp Việt Nam về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và phối hợp với các nước G20 và các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hợp tác Nam - Nam và ba bên về bảo đảm an ninh lương thực, chống đói nghèo toàn cầu.
Tại phiên thảo luận về "Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trích dẫn câu ngạn ngữ nổi tiếng: "Chúng ta không thừa hưởng Trái Đất từ tổ tiên, chúng ta vay mượn nó từ các thế hệ tương lai" và nhấn mạnh, mỗi hành động của chúng ta hôm nay đều sẽ quyết định vận mệnh của các thế hệ tương lai.
Với quan điểm ấy, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình cùng các quốc gia, đối tác, cộng đồng quốc tế cam kết phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, đóng góp cho sự phát triển của một thế giới xanh, sạch, đẹp, bền vững, vì tương lai của các thế hệ mai sau.
Để góp phần đưa tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trở lại đúng quỹ đạo, tăng tốc và về đích đúng hạn, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với Hội nghị 3 đề xuất:
Thứ nhất là tập trung thúc đẩy 3 chuyển đổi then chốt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt, đột phá, là chìa khóa của các quá trình chuyển đổi cho phát triển bền vững. Do đó, Thủ tướng đề nghị G20 cần đi tiên phong trong kết nối nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và kiến tạo hệ sinh thái mở về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các nước đang phát triển.
Thứ hai là tập trung thúc đẩy đầu tư cho con người với quan điểm nhất quán lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; đồng thời chú trọng tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Thủ tướng nhấn mạnh đây là những điều kiện quan trọng, tiên quyết cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng phục vụ lợi ích của người dân, "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi thúc đẩy các mô hình hợp tác tài chính sáng tạo và đầu tư hiệu quả, nhất là hợp tác công tư để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã hưởng ứng Lời kêu gọi hành động cải cách thể chế toàn cầu của các thành viên G20 nhằm xây dựng thể chế toàn cầu công bằng hơn, thích ứng nhanh chóng hơn với sự biến động của thế giới và nâng cao tính đại diện của các nước đang phát triển; đồng thời thông báo việc Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh đối tác tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu (P4G) vào tháng 4.2025.
Sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị lần này chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về sự sẵn sàng tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam cho các nỗ lực toàn cầu bằng khả năng, kinh nghiệm thực tiễn và với tầm nhìn dài hạn, được các nước G20 và khách mời đánh giá cao, thể hiện tầm vóc, vai trò, uy tín và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.
Tổng thống Brazil Lula da Silva, Chủ tịch G20 cho biết, với vai trò chủ nhà, Brazil đề cao và thúc đấy các sáng kiến mang tính đột phá, giải quyết các thách thức toàn cầu, trong đó có thành lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và cải cách quản trị toàn cầu; cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ và tham gia tích cực các sáng kiến này.
Tổng thống Brazil cho rằng, với đường lối đối ngoại tích cực, chủ động, tầm nhìn, kinh nghiệm phát triển của một quốc gia tầm trung có trách nhiệm trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa quốc tế, Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị, vừa đề cao vị thế của Việt Nam tại G20, vừa thể hiện vai trò, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu trên cơ sở phát huy những lợi thế của Việt Nam trong các lĩnh vực có thế mạnh và kinh nghiệm thực tiễn.
Tổng thống Lula da Silva trân trọng mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) và Hội nghị các nhà lãnh đạo các nước theo định dạng BRICS+ năm 2025 tại Brazil.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có hơn 30 cuộc tiếp xúc song phương với nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị.
Trong không khí hữu nghị, cởi mở và tin cậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ, tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, hướng tới nâng cấp quan hệ ngoại giao, đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Thủ tướng đã chuyển lời thăm hỏi thân tình và lời mời thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới các nguyên thủ, nhà lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Về phần mình, các nguyên thủ, lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đều bày tỏ sự đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ hai nước và mong được sớm tới thăm Việt Nam.
Lãnh đạo các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc, WTO, IMF, WB, các ngân hàng phát triển khu vực chúc mừng Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn; đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt, hiệu quả của Việt Nam; xác định Việt Nam là một câu chuyện truyền cảm hứng về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, là một hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững, là điểm sáng trong quan hệ quốc tế. Chủ tịch AIIB cam kết trước mắt sẽ dành 1-1,5 tỷ USD với lãi suất ưu đãi để hợp tác với Việt Nam.
*Việt Nam và Brazil, Cộng hòa Dominica nằm ở hai châu lục khác nhau, cách xa nhau nửa vòng Trái đất, múi giờ lệch tới nửa ngày, nhưng như đánh giá, khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lại chia sẻ nhiều nét tương đồng, bổ trợ cho nhau: Cùng có vị trí chiến lược ở hai khu vực; kinh tế bổ trợ và thúc đẩy lẫn nhau với nhiều lợi thế, tiềm năng đa dạng; văn hoá giàu bản sắc, phong phú, luôn lấy văn hóa là gốc vững, là cội nguồn bản sắc dân tộc; lý tưởng tương đồng, mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc và ấm no, hạnh phúc của nhân dân; chính trị tin cậy lẫn nhau; có khát vọng vươn lên giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng, đóng góp cho hòa bình, an ninh, phát triển bền vững của khu vực và nhân loại.
Đặc biệt, Việt Nam và các nước Mỹ Latinh-Caribe nói chung, Brazil và Cộng hòa Dominica nói riêng có sự gần gũi về văn hóa, về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, về tình cảm hữu nghị nồng ấm, vượt qua mọi thử thách của lịch sử, mọi thời gian, mọi khoảng cách.
Tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Hai bên bày tỏ vui mừng về những tiến triển đã đạt được trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2007; tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên nền tảng tình hữu nghị, hợp tác, sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc các cấp, các địa phương; phối hợp triển khai hiệu quả các văn kiện hợp tác đã ký kết; đồng thời thúc đẩy mở rộng khả năng hợp tác trong các lĩnh vực mới phù hợp với nhu cầu của hai bên như công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, nhiên liệu sinh học, bảo vệ môi trường, ứng phó chống biến đổi khí hậu.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự tăng trưởng bền vững của hợp tác kinh tế song phương và nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư. Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2025 và lên 15 tỷ USD vào năm 2030.
Tổng thống Lula da Silva cũng ghi nhận tích cực các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc Brazil công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, cũng như sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) trong năm 2025.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng-an ninh và nhất trí tăng cường hợp tác đào tạo sỹ quan, công nghiệp quốc phòng và thương mại quốc phòng, hậu cần, quân y, gìn giữ hòa bình. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao Brazil sẽ cử đoàn tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế tại Việt Nam vào tháng 12.2024, trong đó có Tập đoàn hàng không vũ trụ Embraer, tin tưởng sự hiện diện của phía Brazil sẽ góp phần tích cực cho thành công của sự kiện rất quan trọng của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Đặc biệt, với một tầm nhìn chung mang tính chiến lược nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển sâu sắc, thực chất hơn nữa trên các bình diện song phương, khu vực và toàn cầu, nhân dịp này hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sớm triển khai xây dựng, hoàn tất trong thời gian sớm nhất Kế hoạch triển khai thực hiện để sớm đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước vào thực tiễn, phát huy hiệu quả.
Việc Brazil là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên Việt Nam thiết lập Đối tác Chiến lược cũng đánh dấu bước tiến của Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác với khu vực Mỹ Latinh, một thị trường đầy tiềm năng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư với các nước trên thế giới. Khuôn khổ quan hệ mới cũng sẽ là nền tảng để hai bên phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế như chống đối nghèo, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường liên kết giữa ASEAN và Nam Mỹ. Việc nâng cấp quan hệ khẳng định về mức độ tin cậy chính trị cao giữa hai nước, thể hiện sự quyết tâm của hai Chính phủ trong việc mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn, đưa quan hệ phát triển sâu rộng, và thực chất hơn, ổn định và bền vững hơn giữa hai nước, hai khu vực.
Với Cộng hòa Dominica, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong lịch sử quan hệ hai nước, tạo dấu mốc đặc biệt và dấu ấn đặc biệt; thể hiện Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Cộng hòa Dominica, hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Cộng hòa Dominica là quốc gia đa dạng về văn hóa, trù phú về tài nguyên, năng động trong phát triển, là một trong những nền kinh tế hàng đầu khu vực Mỹ Latin và Caribe; có thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 11.000 USD/người, gấp 4,5 lần so với cách đây 10 năm và hơn 2,8 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm quan trọng, rất hiệu quả, kéo dài nhiều giờ, thắm tình hữu nghị, hợp tác với Tổng thống Luis Abinader Corona. Hai bên thông qua Tuyên bố chung khẳng định tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Cộng hòa Dominica và quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ tốt đẹp của hai nước, thúc đẩy hợp tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực trong thời gian tới.
Hai nhà lãnh đạo nêu bật tầm quan trọng và giá trị của việc đặt Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Santo Domingo và Tượng đài giáo sư Juan Bosch, nhà cách mạng, Tổng thống đầu tiên của nền dân chủ Dominica tại Thủ đô Hà Nội, coi đây là biểu tượng của tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước.
Hai bên nhất trí cần thúc đẩy hơn nữa trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân nhằm củng cố nền tảng quan hệ chính trị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc để mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác song phương.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hợp tác song phương, thúc đẩy mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là sự cần thiết sớm đàm phán, ký kết các Hiệp định về thương mại tự do, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, miễn thị thực, hợp tác văn hoá, giáo dục, đào tạo, du lịch giữa hai nước. Tổng thống Luis Abinader Corona bày tỏ cảm ơn phía Việt Nam vừa qua đã hỗ trợ cung cấp vaccine chống dịch tả lợn rất hiệu quả cho Cộng hòa Dominica.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh nhu cầu và tiềm năng mở rộng hợp tác kinh doanh, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng - dầu khí, xây dựng, nông nghiệp và du lịch. Hai bên chia sẻ sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh của hai nước, đồng thời thông qua mỗi nước làm cửa ngõ tiếp cận thị trường của hai khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latin-Caribe.
Hai nhà lãnh đạo cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác song phương, trong đó có Bản Ghi nhớ về việc thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về thúc đẩy hợp tác thương mại và kỹ thuật, Bản Ghi nhớ về hợp tác đào tạo giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Giáo dục cấp cao về đào tạo ngoại giao và lãnh sự Cộng hòa Dominica.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt ấn tượng trước phong cách làm việc của Tổng thống Luis Abinader Corona hết sức quyết liệt, hiệu quả, đi thẳng vào vấn đề chính với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện", "đã làm, đã cam kết thì phải có sản phẩm, kết quả cụ thể". Trong đó, ngay tại cuộc hội đàm kéo dài qua buổi trưa, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất, giao các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan bắt tay triển khai ngay một số nội dung hợp tác quan trọng ngay trong buổi chiều cùng ngày để thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc thành công với Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện và các nhà lãnh đạo Cộng hoà Dominica; trong đó các bên thống nhất thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa hai nước để ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ chuyển lời của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam mời Tổng thống Luis Abinader Corona thăm Việt Nam trong năm 2025 nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao để cùng nâng cấp quan hệ trên cơ sở quan hệ tốt đẹp hiện nay. Tổng thống Luis Abinader Corona đã vui vẻ nhận lời, thời điểm chuyến thăm sẽ được thống nhất qua kênh ngoại giao.
Có thể nói, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh dấu một thời điểm lịch sử, mở một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước.
*Một điểm nhấn đặc biệt ý nghĩa trong chuyến công tác là việc Thủ tướng Chính phủ dự Lễ khánh thành biển kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil và dự Lễ khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Santo Domingo, Dominica.
Tham dự hai sự kiện đặc biệt này có đông đảo những người bạn Brazil và Dominica yêu mến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, như bà Luciana Santos, Chủ tịch Đảng Cộng sản Brazil, Bộ trưởng Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo Brazil, đồng chí Miguel Mejia, Tổng Bí thư Đảng Phong trào Cánh tả Thống nhất (MIU), Bộ trưởng Chính sách hội nhập khu vực Cộng hòa Dominica cùng với Đại sứ các nước Cuba, Trung Quốc, Nicaragua và Tham tán Công sứ Honduras tại Cộng hòa Dominica.
Trong hai buổi lễ diễn ra vừa trang trọng, xúc động, vừa hết sức sôi nổi, chân tình trong tiếng Quốc thiều, Quốc ca hùng tráng của mỗi nước, những người bạn của Việt Nam cầm cờ Việt Nam, mặc áo đồng phục đỏ màu cờ Việt Nam và in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội mũ cối của Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng hô vang "Viva Việt Nam", "Việt Nam! Hồ Chí Minh!" và ca vang bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
Xúc động bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Miguel Mejia, Tổng Bí thư Đảng Phong trào Cánh tả Thống nhất (MIU), Bộ trưởng Chính sách hội nhập khu vực Cộng hòa Dominica chia sẻ, tất cả các đoàn khách Việt Nam, các bạn bè quốc tế có cảm tình với Việt Nam đến Santo Domingo đều mong muốn đến viếng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần "đến Santo Domingo mà chưa đến viếng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thì coi như chưa đến Cộng hòa Dominica" và khẳng định "Việt Nam luôn có một không gian tại đây".
Còn Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil, Chủ tịch Đảng Cộng sản Luciana Santos cho rằng, Biển kỷ niệm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ lưu dấu hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh người Anh hùng dân tộc vĩ đại của Việt Nam, mà còn là biểu tượng đặc biệt về sự gắn kết hai dân tộc, Nhân dân hai nước Việt Nam - Brazil, là biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế, khát vọng hoà bình, truyền cảm hứng cho Nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ không chỉ ở Việt Nam, Brazil mà trên toàn thế giới.
*Tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó thủy chung giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latin-Caribe cũng là điểm nhấn nổi bật trong bài phát biểu chính sách quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Học viện Giáo dục cấp cao về Đào tạo ngoại giao và lãnh sự Cộng hòa Dominica với chủ đề: "Nâng tầm cao mới trong quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica: Nhịp cầu hữu nghị, hợp tác giữa Đông Nam Á và Mỹ Latin".
Thủ tướng khẳng định, trong tổng thể chính sách đối ngoại, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước khu vực Mỹ Latin và Caribe. Quan hệ Việt Nam - Mỹ Latin và Caribe được xây dựng trên bề dày nền tảng của tình cảm hữu nghị truyền thống và sự ủng hộ của Nhân dân khu vực Mỹ Latin và Caribe đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có thời gian lưu lại một số nước khu vực Mỹ Latin như Brazil, Uruguay, Argentina và Người nhiều lần khẳng định, Nhân dân Việt Nam và Nhân dân Mỹ Latin và Caribe là những người bạn, người anh em gắn bó mật thiết với nhau trong mục tiêu chung đấu tranh chống lại sự nô dịch, áp bức, bất công, thực hiện hòa bình, độc lập và phát triển giàu mạnh, tiến bộ, để mang lại tự do, hạnh phúc thực sự cho toàn thể nhân loại.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng tôi khẳng định chân lý: 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do'. Lãnh tụ giải phóng dân tộc của các bạn, Ngài Juan Pablo Duarte có câu nói nổi tiếng: 'Sống không có Tổ quốc chẳng khác gì sống không có danh dự". Tư tưởng ấy, khí phách ấy ngày nay vẫn soi sáng mỗi bước đường đi lên của hai nước chúng ta, là sợi chỉ đỏ gắn kết những giá trị thiêng liêng nhất của hai dân tộc vì độc lập, tự do, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn khắc ghi và trân trọng sự hỗ trợ quý báu của nhân dân Mỹ Latin và Caribe, trong đó có Cộng hòa Dominica trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước ngày nay".
Từ nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống bền vững đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với toàn bộ 33 nước trong khu vực Mỹ Latin-Caribe và thiết lập cơ chế tham khảo chính trị với 17 nước, trong đó có Cộng hòa Dominica. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và khu vực đã tăng gần 2 lần trong 8 năm qua, từ 11 tỷ USD năm 2016 lên 21 tỷ USD năm 2023. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư vào khu vực Mỹ Latin và Caribe.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đông Nam Á và Mỹ Latin-Caribe là hai khu vực hòa bình, giàu tiềm năng to lớn để trở thành những cực tăng trưởng mới của thế giới đa cực, đa trung tâm. Hai khu vực cùng có thị trường quy mô lớn hơn 600 triệu dân; lợi thế lầ lực lượng lao động dồi dào; tài nguyên, khoáng sản phong phú; có khát vọng đổi mới và hội nhập mạnh mẽ.
Ở Đông Nam Á, ASEAN là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, là mắt xích trung tâm trong các cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Còn khu vực Mỹ Latin và Caribe hội tụ nhiều nền kinh tế năng động, là "vựa nông sản" của thế giới, là trung tâm năng lượng toàn cầu, nắm giữ hơn 1/5 trữ lượng kim loại đặc biệt quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác to lớn trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025, trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác Nam - Nam và giữa hai khu vực Đông Nam Á - Mỹ Latin.
Nhìn về triển vọng trong thập kỷ tới, Thủ tướng tin tưởng chắc chắn rằng, mối quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica ngày càng đơm hoa kết trái; Việt Nam và Cộng hòa Dominica đang đứng trước những cơ hội lớn lao để tận dụng các tiềm năng sẵn có trong quan hệ song phương, hướng tới tầm vóc quan hệ cao hơn, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ở hai khu vực và trên thế giới.
*Cũng trong dịp này, Thủ tướng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Chương trình Ngày Việt Nam năm 2024 tại Brazil với chủ đề "Hội tụ tinh hoa ngàn năm văn hóa - Vươn mình trong kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng"; gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Brazil; tiếp các tập đoàn hàng đầu của Brazil và dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Brazil, Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Cộng hòa Dominica; qua đó thể hiện rõ nét mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Brazil và Cộng hòa Dominica trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế - thương mại – đầu tư đến văn hóa, du lịch, thể thao và giao lưu nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng Ngày Việt Nam năm 2024 tại Brazil sẽ là khởi đầu cho giai đoạn hợp tác văn hóa, du lịch, thể thao, giao lưu nhân dân ngày càng nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn giữa hai nước và giữa Việt Nam với khu vực Mỹ Latin – Caribe. Về kết nối giữa các các doanh nghiệp, Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, đây không chỉ là vấn đề lợi ích của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, của hai đất nước, mà còn là tình cảm cao đẹp của trái tim và sản phẩm của trí tuệ, khẳng định trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước.
Tiếp tục triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm chính thức nước Cộng hòa Dominica đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng khẳng định vai trò, uy tín, sự tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu; đồng thời tạo động lực mới cho việc thúc đẩy mạnh mẽ, nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp nhiều mặt giữa Việt Nam với Brazil và ThủCộng hòa Dominica, cũng như với khu vực Mỹ Latin-Caribe, vì sự phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, bền vững của mỗi quốc gia, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của hai khu vực và thế giới.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接