Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông cùng với xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV) giàu nhiệt huyết, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) trên địa bàn huyện Cái Nước có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về chất lượng dân số, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông cùng với xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV) giàu nhiệt huyết, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) trên địa bàn huyện Cái Nước có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về chất lượng dân số, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nâng cao chất lượng
Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Cái Nước phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các đơn vị y tế trên địa bàn huyện tham gia triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về DS-KHHGÐ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em. Ðồng thời, tổ chức những buổi tư vấn, nói chuyện cho các đối tượng: phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, các em học sinh tuổi vị thành niên, thanh niên… bằng nhiều hình thức như: tư vấn cộng đồng, tư vấn trực tiếp, tuyên truyền qua hệ thống loa, đài. Việc phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể đã tạo hiệu ứng tốt trong công tác truyền thông. Trong năm, trung tâm đã tổ chức được 1.250 cuộc với gần 15.430 lượt người nghe; tư vấn 1.540 đối tượng thực hiện KHHGÐ, chăm sóc SKSS, SKSS vị thành niên, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, phòng, chống HIV/AIDS…
Được cộng tác viên dân số vận động, gia đình chị Trần Thị Nhung (ấp Rau Dừa C, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước) quyết định áp dụng biện pháp tránh thai và đăng ký không sinh con thứ 3. |
Hiện tại, Cái Nước có 3 xã và 69 ấp được công nhận dứt điểm không sinh con thứ 3. Công tác DS-KHHGÐ thực hiện tốt góp phần thay đổi nhận thức người dân, thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể năm 2014, tỷ suất sinh giảm 0,32%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 1,39% so với năm 2013; số người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại là 9.416, đạt 133,87%.
Chị Trần Thị Nhung, 27 tuổi (ấp Rau Dừa C, xã Hoà Mỹ), có 2 con gái, lớn 7 tuổi và nhỏ 5 tuổi. Mặc dù sinh con một bề nhưng chị vẫn không có ý định sinh thêm. Theo chị Nhung: “Sau khi sanh con thứ 2, tôi và gia đình đã được CTV dân số đến tư vấn, hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai và tôi chọn uống thuốc. Nhờ CTV dân số tuyên truyền nên tôi quyết định dừng lại ở 2 con để có điều kiện phát triển kinh tế, chăm sóc và lo cho các con được học hành đàng hoàng”.
Theo CTV dân số ấp Rau Dừa C, xã Hoà Mỹ Nguyễn Việt Tân, công tác phối hợp giữa CTV dân số và các ngành, đoàn thể ở địa phương luôn được thực hiện chặt chẽ. Do đó, việc tuyên truyền các chính sách về dân số hay hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai, thực hành dinh dưỡng trong chăm sóc trẻ nhỏ… luôn được thực hiện đạt hiệu quả cao. 162/295 phụ nữ có gia đình đã áp dụng các biện pháp tránh thai và từ năm 2010 đến nay, Rau Dừa C không có trường hợp sinh con thứ 3.
Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên tâm huyết
Xác định rõ chương trình DS-KHHGÐ là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cấp uỷ Ðảng, chính quyền luôn dành sự chỉ đạo, quan tâm. Ðồng thời, chương trình còn nhận được sự phối hợp nhịp nhàng của các ban, ngành, đoàn thể. Ðặc biệt, 200 cộng tác viên phụ trách 93 ấp, khóm luôn nhiệt tình, hăng hái, hết mình với công tác dân số.
Bà Bùi Cẩm Tú, cán bộ chuyên trách dân số xã Hoà Mỹ, cho biết: “Với phương châm “củng cố từ gốc”, tất cả những vướng mắc từ ấp đều được đội ngũ CTV nắm bắt kịp thời, giải quyết nhanh gọn. “Ði từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là cách thức mà đội ngũ CTV áp dụng. Mỗi CTV chỉ thực sự phát huy được vai trò của mình khi làm việc bằng cái tâm”.
Bên cạnh đó, đội ngũ CTV luôn được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản về kỹ năng tiếp cận, tư vấn truyền thông. Thông qua các buổi sinh hoạt ở địa phương, các CTV tuyên truyền đến người dân thực hiện tốt công tác DS-KHHGÐ, kiến thức làm mẹ an toàn, nuôi con đúng cách… Cùng với CTV, cán bộ chuyên trách dân số thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Lê Hoàng Kiệt quyết tâm: “Trong năm 2015 công tác DS-KHHGÐ trên địa bàn huyện phải được thực hiện một cách quyết liệt, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương. Ðặc biệt, tăng cường công tác truyền thông để đối tượng thay đổi được nhận thức, hành vi trong việc áp dụng các biện pháp tránh thai, nhất là giữ vững tỷ lệ không sinh con thứ 3”.
Ðể tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác dân số trên địa bàn, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số. Theo bà Phạm Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Cái Nước, công tác dân số trên địa bàn huyện Cái Nước đã có những chuyển biến tích cực. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp với các đoàn thể xây dựng chương trình tư vấn linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Ðồng thời, tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới CTV, thực hiện hiệu quả đề án nâng cao chất lượng giống nòi theo chỉ đạo của Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh./.
Bài và ảnh: Thuý An