Ngành điều Việt Nam cần đầu tư cho chế biến sâu để hướng tới cạnh tranh bằng chất lượng. Ảnh: ST. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra trái cũng như năng suất, sản lượng điều của Việt Nam. Do đó, sản lượng nhân điều của Việt Nam năm 2016 được dự báo không tăng so với năm 2015. Thêm vào đó, lượng điều tồn kho trong nước hiện rất thấp. Ông Thanh cho biết, nhiều nhà máy hiện chỉ còn đủ nguyên liệu để chế biến trong tháng 2-2016. DN hiện phải chờ đến mùa thu hoạch chính vụ ở trong nước và Campuchia để có nguyên liệu chế biến. Ông Hoàng Ngọc Khiêm, đại diện Công ty Chế biến XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafood) cho biết, tại tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 35.000 ha trồng điều, nhưng chỉ có khoảng 30.000 ha cho thu hoạch trong năm nay với sản lượng dự kiến khoảng 36.000 tấn, giảm 10 – 15% so với năm 2015. Trong khi đó, Đồng Nai hiện có khoảng 60 cơ sở chế biến, với công suất 60.000 tấn. Do đó, dự kiến trong năm 2015, DN trên địa bàn phải nhập khoảng 30.000 tấn để đáp ứng nhu cầu chế biến. Theo đó, Vinacas đã đẩy mạnh hợp tác với Bờ Biển Ngà nhằm gia tăng nguồn cung nguyên liệu cho các DN trong nước. Vinacas cho biết, theo thông tin từ Hội đồng bông và hạt điều Bờ Biển Ngà, Bờ Biển Ngà hiện đã trở thành quốc gia có sản lượng điều hàng đầu thế giới với trên 700.000 tấn. Năm 2015, trong tổng số 867.000 tấn điều thô Việt Nam nhập từ 25 quốc gia, chỉ riêng Bờ Biển Ngà đã chiếm 302.000 tấn (tương đương 36%). Tuy nhiên, giao dịch thương mại điều thô có nhiều bất ổn từ phía Bờ Biển Ngà như lô hàng bị hủy ngang, đối tác trì hoãn giao hàng, yêu cầu hỗ trợ giá… Vinacas cũng cho hay, tại Hội nghị giao thương hợp tác phát triển điều Việt Nam – Bờ Biển Ngà 2016 tổ chức hồi cuối tháng 2-2016, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và xử lý triệt để những tồn đọng trong giao dịch thương mại điều thô giữa hai nước, Hội đồng bông và hạt điều Bờ Biển Ngà cam kết sẽ kiên quyết xử lý, rút giấy phép các DN có vấn đề trong việc thực hiện hợp đồng với DN Việt Nam. Ngoài ra, Vinacas và CCA sẽ cung cấp cho nhau danh sách DN tham gia xuất nhập khẩu điều thô. Hàng năm, Vinacas tập hợp danh sách các DN hội viên có nhu cầu nhập khẩu điều thô từ Bờ Biển Ngà để cung cấp cho CCA, làm cơ sở để hỗ trợ trong các giao dịch thương mại và xử lý tranh chấp (nếu có). Trước đó, CCA cũng đã thông báo cho Vinacas danh sách 105 nhà xuất khẩu điều thô của Bờ Biển Ngà năm 2016. Tuy nhiên, thêm một khó khăn khác mà các DN đang phải đối mặt chính là tình trạng giá điều nguyên liệu hiện đang ở mức khá cao trong khi giá nhân điều lại không tăng khiến DN không dám mua vào vì sợ lỗ. Cụ thể, trong năm 2015, DN nhập khẩu điều thô loại thường chỉ ở mức 1.200 USD/tấn và loại tốt là 1.350 USD/tấn. Nhưng vừa rồi, một số lô điều nhập từ Tanzania, Benin có giá lên tới 1.610 USD/tấn. Giá điều tươi trong nước hiện cũng đang ở mức 36.000 – 37.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 - 6.000 đồng/kg so với năm 2015. Theo các DN chế biến và xuất khẩu hạt điều, DN chỉ có lợi nhuận khi giá điều thô còn ở mức 1.350 - 1.400 USD/tấn do giá điều nhân vẫn ở mức tương đương năm 2015. Do đó, nếu nhập khẩu điều nguyên liệu với mức giá lên tới 1.610 USD/tấn như trên, DN sẽ không có lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều DN cho biết, việc xuất khẩu điều nhân vào châu Âu trong năm 2016 sẽ gặp nhiều khó khăn do việc siết chặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thị trường Mỹ cũng đưa ra các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hạt điều. Do đó, để khắc phục những khó khăn này, ông Thanh khuyến cáo các DN cần nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ để đẩy mạnh chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn, hướng tới cạnh tranh bằng chất lượng thay vì chỉ sơ chế rồi xuất khẩu như hiện nay. |