Từ văn hóa dân gian
TheĐồgỗmỹnghệKhocircngchỉlagravethuacutechơtỷ số stokeo anh Phạm Văn Cương, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Phương Nam, thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ đã có trong các gia đình người Việt từ xưa, bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và lối sống gần gũi với thiên nhiên. Khi xã hội phát triển, mức sống nâng cao thì những năm gần đây thú chơi đồ gỗ phong thủy càng rộ lên hơn bao giờ hết. Sự quyến rũ của thú chơi này từ những vân gỗ cho đến nghệ thuật tạo tác mang vẻ đẹp bí ẩn và tạo cảm giác sâu lắng với người chơi.
Là người con của đất Nam Định, cái nôi của nghề gỗ mỹ nghệ nên anh Cương từ nhỏ đã sớm được làm quen với nghệ thuật gỗ. Anh Cương đã biến đam mê thành thế mạnh để phát triển kinh tế. Từ nhu cầu nội thất, anh đã phát triển gỗ mỹ nghệ lên tầm cao mới. Anh bắt đầu sưu tập những gốc cây đã bị bỏ đi và tìm nghệ nhân biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật. Thời gian đầu, anh Cương chủ yếu sưu tập để thỏa mãn đam mê nhưng khi tham gia giao lưu qua mạng xã hội thì tác phẩm được khách hàng khen ngợi.
Kinh bông Kim Sơn Bảo Thắng Tự thu hút rất nhiều khách hàng chiêm ngưỡng
“Tìm được một người bạn đồng điệu có cùng sở thích với mình cảm thấy rất vui, nó lớn hơn cả việc mình bán một sản phẩm được giá. Thậm chí có khách khi tìm thấy sản phẩm ưng ý và thích thì giá nào cũng mua. Tuy nhiên, gỗ mỹ nghệ kén người chơi bởi phải hiểu sâu sắc về ý nghĩa, thông điệp, điển tích thì mới nhận ra cái hồn, thần thái của bức tranh hay pho tượng” - anh Cương nói.
Chính vì vậy, sản phẩm được trưng bày ở cơ sở Phương Nam đều được anh Cương rất tâm đắc. Thậm chí có một số sản phẩm khách hỏi mua nhưng anh không bán mà giữ lại để chơi và làm thương hiệu. Những sản phẩm này phần lớn do các nghệ nhân quốc gia như: Nguyễn Giản Tân, Nguyễn Giản Tiến, Nguyễn Thanh Xuân, Khắc Cường… tạo tác với thời gian khá dài trên các phôi gỗ nu hương, cẩm, trắc.
Không thể thay thế bằng máy móc hiện đại
Dù nhìn mắt thường khó phân biệt nhưng đồ gỗ mỹ nghệ được điêu khắc, chạm trổ công phu, trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Á Đông. Tuy nhiên, phải là chạm khắc thủ công chứ không phải bằng máy móc hiện đại và điều này ai mới nhìn cũng nhận ra sự khác biệt ấy.
Theo anh Ngô Ngọc Thanh, thợ điêu khắc gỗ ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài thì khi làm tượng, thợ phải mất một thời gian “luyện gỗ”. Nhưng trong quá trình làm tượng thì giai đoạn tốn công sức và trí tuệ của nghệ nhân nhất là "thổi hồn" cho bức tượng. Tinh hoa của nghệ nhân mỗi người mỗi khác nên đường nét, thần thái, linh hồn của tượng cũng khác nhau. Hơn nữa, tùy theo thời điểm và cảm hứng sáng tạo của nghệ nhân mà có khi cùng một nghệ nhân làm nhưng mỗi bức có một giá trị nghệ thuật riêng. Chính vì vậy, gỗ nghệ thuật có vẻ đẹp và sự đa dạng khác với các thú chơi khác.
Tượng phật Di Lặc trưng bày tại cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Phương Nam
Nghệ nhân gỗ mỹ nghệ phải là người thợ giàu kinh nghiệm, có bàn tay khéo léo, tài hoa, “gu” thẩm mỹ tốt, hiểu biết và tuân thủ theo triết lý phương Đông. Anh Thanh chia sẻ: Không phải ai cũng gắn bó với nghề này được, nhiều khi đó là cái duyên. Vì khi tạo tác sản phẩm nghệ thuật, nghệ nhân phải am hiểu các điển tích, điển cố để tạo ra những tác phẩm gắn liền với đời sống tâm linh. Cầm khúc gỗ trên tay, người thợ phải hình dung bố cục tác phẩm để tạo được dáng phù hợp, gỗ không bị bỏ đi nhiều mà sản phẩm tạo ra được hoàn mỹ nhất. Thợ giỏi thì vân gỗ sẽ rơi vào đúng những điểm nhấn của tượng. Vì thế, tác phẩm có hồn, có thần thái ngoài được chạm khắc hoa văn tinh xảo, công phu còn phải mang ý nghĩa tâm linh khiến người ta cảm nhận được.
Giới chơi gỗ nghệ thuật trên địa bàn Bình Phước không ai xa lạ với nghệ nhân Ngô Ngọc Thanh. Với anh Thanh, nghề gỗ đã giúp anh thay đổi cuộc sống một cách tích cực. Bởi 25 năm vào Nam lập nghiệp, tay nghề anh ngày càng được khẳng định, nhờ đó cải thiện thu nhập, giúp đời sống gia đình anh ngày càng sung túc. Xu hướng thú chơi gỗ mỹ nghệ hiện nay, nhất là những ngày giáp tết là những bức kinh bông mang ý nghĩa tài lộc, phú quý, trường tồn. Với mong muốn các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ sẽ đem đến sự may mắn, bình an, cuộc sống an khang, thịnh vượng, gia đạo hạnh phúc… nên nhiều khách hàng “có tiền” đã mạnh dạn “xuống tay” để sở hữu những tác phẩm gỗ với giá thành khá cao.
Đồ gỗ mỹ nghệ đã được ông cha ta tạc chế từ lâu đời gắn với những giá trị tâm linh. Ngày nay, các nghệ nhân học tập, tiếp thu và tiếp tục phát triển với những sản phẩm đa dạng mẫu mã nhưng vẫn giữ lại nét phong thủy tâm linh cơ bản. Anh Cương, anh Thanh và nhiều người có thú chơi khác biệt này chính là những truyền nhân góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc.