70 năm đã trôi qua kể từ ngày Đảng và dân tộc ta chiến thắng thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Đối với dân tộc ta,ếnthắngĐiệnBiênPhủdướigócnhìnchuyểnđổisốviệt nam đá giao hữu hôm nay đó là một nhiệm vụ khó khăn nhất sau 9 năm kháng chiến. 70 năm sau, chúng ta lại đứng trước một nhiệm vụ đầy thử thách, đó là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng…
Từ tầm nhìn chiến lược
Nguyên lý để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời đại công nghiệp 4.0 là với những công việc mà chúng ta chưa từng làm thì không thể dùng kinh nghiệm mà phải dùng "tầm nhìn chiến lược" để triển khai thực hiện.
Tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ thể hiện rõ trong việc lựa chọn địa điểm quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ cũng như niềm tin chiến lược mà Bác đặt vào Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tướng quân tại ngoại", "giao cho chú toàn quyền".
Với chuyển đổi số, tầm nhìn chiến lược của Đảng đã cụ thể hóa khi xác định rõ chuyển đổi số là động lực để xây dựng đất nước ta hùng cường và thịnh vượng, tới năm 2045 trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Bài học ấy ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh chiến dịch. Toàn bộ mặt trận đều quyết tâm một lòng "đánh nhanh, thắng nhanh" trong 2 ngày, 3 đêm. Chỉ riêng Đại tướng là trăn trở, suy tư và cuối cùng ông đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình, đó là chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc, kéo pháo ra, chuẩn bị lại".
Trong giai đoạn đầu, người dân và xã hội vẫn nghĩ chuyển đổi số là nhiệm vụ của các kỹ sư công nghệ thông tin. Nhưng với một Ban chỉ đạo Quốc gia do Thủ tướng làm Trưởng ban, guồng máy chuyển đổi số đã vận hành trơn tru, ngay cả trong đại dịch Covid-19. Tới thời điểm này, việc ra chợ mua một mớ rau, uống một ly trà đá cũng có thể quét mã QR để trả tiền đã trở nên hết sức bình dị.
Để chuyển đổi số, phải hoàn toàn thay đổi tư duy và nhận thức. Nokia, Kodak, Yahoo Messenger… đã biến mất và thay bằng Iphone, Viber, Zalo… là những ví dụ về việc "cá chậm" đã bị "cá nhanh" nuốt chửng như thế nào.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, "cá lớn" đã không nuốt được "cá bé", mà ngược lại, nhanh nhạy thay đổi tư duy và nhận thức đã khiến chúng ta chiến thắng thực dân Pháp như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận trước đó: "Nay tuy châu chấu đá voi, nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra"…
Thực dân Pháp bê nguyên công thức tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản đưa vào Điện Biên Phủ. Nhưng chúng ta đã thay đổi nhanh hơn họ một bước. Không rập khuôn cách đánh mà thay vào đó, kẻ địch đã bất ngờ khi bộ đội ta không đánh nhanh nữa.
Chúng ta bố trí pháo binh ở các vị trí mà lực lượng pháo binh Pháp không thể phản pháo. Chúng ta tập trung được một lực lượng hùng hậu lên tới 5 đại đoàn bộ đội khỏe, no đủ, mạnh mẽ… Và thực dân Pháp đã hoàn toàn bị bất ngờ tại Điện Biên Phủ.
Quản lý, vận hành khoa học, hiệu quả
Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn, diễn ra trong thời gian dài. Do đó, công tác bảo đảm hậu cần phục vụ chiến trường là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt.
Tháng 7/1953, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương. Bên cạnh đó, bảo đảm hậu cần tại chỗ là phát kiến rất độc đáo của cha ông ta nhằm tạo điều kiện cho hậu phương tập trung vào những nhiệm vụ mà hậu cần tại chỗ chưa giải quyết được.
Theo phương châm tác chiến ban đầu, dự kiến nhu cầu vật chất bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 465 tấn thực phẩm khô, hàng trăm tấn muối... Nhưng sau khi chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" tổng số nhu cầu tăng gấp 2 tới 3 lần.
Chúng ta cần huy động tới 3.000 dân công hỏa tuyến từ hậu phương cách xa tiền tuyến tới 600 km… Bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã được tổ chức thành 2 tuyến rõ nét và khoa học: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp các liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và 4 đảm nhiệm.
Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và Hội đồng Cung cấp Liên khu Tây Bắc đảm nhiệm. Vật tư hậu cần được vận chuyển bằng mọi phương tiện: Cơ giới, mang vác bộ, dùng xe đạp thồ, dùng thuyền... Ta đã huy động 261.451 dân công, bằng 12 triệu ngày công (tuyến chiến dịch sử dụng 3 triệu ngày công).
Tại Điện Biên Phủ, Nhân dân và bộ đội ta đã nâng công tác hậu cần lên thành một nghệ thuật mà sau này chính các tướng lĩnh, chuyên gia quân sự, học giả các bên thừa nhận đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thắng lợi của chúng ta.
Ngày nay, khi chuyển đổi số, con người sẽ viết ra các quy trình và robot, máy móc sẽ thực quy trình ấy, bất kể hay dở, đúng sai. Tối ưu hóa quy trình làm việc hay tối ưu hóa hoạt động của tổ chức, đơn vị là một bước quan trọng con người buộc phải làm.
Bài học về tối ưu hóa quy trình và ứng dụng khoa học, công nghệ tại Điện Biên Phủ đã soi sáng nhiệm vụ chuyển đổi số hôm nay.
"Cầu Trần Đăng Ninh" - cây cầu mang tên người thủ trưởng ngành hậu cần quân đội là một sáng tạo rất khoa học. Cầu được xếp bằng những viên đá chìm ở dưới suối bảo đảm cho các lực lượng của ta qua được, đồng thời các viên đá chìm sát mặt nước sẽ ngụy trang an toàn với phương tiện trinh sát địch.
Trước khi chiếc xe đạp thồ xuất hiện, thực dân Pháp đã tính toán chi tiết và cụ thể tới mức biết được một người dân công chỉ có thể vận chuyển tối đa được 1 bao gạo và khi vận chuyển tới được chiến trường Điện Biên Phủ, bao gạo ấy chỉ còn lại khoảng ½ cho tới ¼, không bảo đảm bộ đội no, khỏe.
Nhưng chiếc xe ba gác đã làm thay đổi mọi tính toán. Chỉ với 10 chiếc xe đạp như vậy có thể chở tương đương với 1 chiếc xe vận tải. Cán cân hậu cần của cuộc chiến đã hoàn toàn thay đổi.
Chúng ta đã tiến hành kéo pháo bằng sức người rất khoa học. Đầu tiên là kéo thử 1 khẩu pháo với số lượng bộ đội kéo là 30 người (20 chiến sĩ bộ binh và 10 pháo thủ) trong đó nhiệm vụ cầm càng luôn được dành cho pháo thủ.
Dần dần ta chọn được con số người tối ưu để kéo một khẩu pháo. Các chiến sĩ đã đưa ra sáng kiến dùng dây mụng đem về đập dập, bện ba sợi làm một để khiêng pháo, cả chiến dịch không phải thay dây.
Hoặc sáng kiến mỗi chiến sĩ chuẩn bị một đoạn dây cóc móc vào dây chão, choàng qua vai như người kéo thuyền, kéo gỗ thì nhẹ và khỏe hơn khiến hiệu suất kéo lên nhanh gấp ba so với lúc đầu, mà bàn tay cũng đỡ nát.
Hay mỗi khẩu đội lựu pháo đẽo một "vai cày" buộc vào dưới lưỡi cày để càng pháo trượt trên mặt đất, pháo thủ không phải vác càng lên vai, vừa đi được nhanh, vừa đỡ nguy hiểm...
Những sáng kiến như làm cây cầu bám theo kiểu trốn cột, một đầu bám ghếch vào sườn núi, một đầu thì đặt trên cột rất vững chắc của bộ đội công binh chiến dịch hoặc bọc giấy nilon màu xanh vào đèn pin để vẫn soi được đường và ngăn ánh sáng lóe xa sẽ dễ bị máy bay địch phát hiện.
Đó là ứng dụng khoa học, công nghệ rất "Việt Nam".
Năng lượng của trái tim
Các nghiên cứu ngày nay cho thấy rằng, khi trái tim con người còn mang nặng suy tư thì dù đang giàu sang, no ấm, chúng ta vẫn không có được năng lượng để thực hiện bất kỳ công việc gì. Nhưng khi trái tim của con người tràn đầy năng lượng tích cực thì có thể lao động cả ngày hầu như không mệt mỏi. Sức mạnh của toàn dân tộc ở Điện Biên Phủ ngày ấy là minh chứng về năng lượng của trái tim như vậy.
Đó là năng lượng trái tim của quần chúng, nhân dân, của bộ đội cùng nhìn theo tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ không quản ngại hy sinh, gian khổ lớn hơn tất cả mọi nghị quyết, mệnh lệnh, để chiến đấu và chiến thắng.
Và chỉ có một mệnh lệnh duy nhất làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày hôm qua và chuyển đổi số hôm nay, đó là mệnh lệnh từ trái tim của con người.