【kq nha nghe my】Dự kiến thành lập doanh nghiệp định mức tín nhiệm
15 tỷ đồng vốn pháp định
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp ĐMTN được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần với mức vốn pháp định là 15 tỷ đồng.
Cổ đông hoặc thành viên góp vốn của doanh nghiệp ĐMTN là cá nhân, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài.
Dự thảo cũng quy định việc góp vốn thành lập doanh nghiệp ĐMTN thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và phải đảm bảo tổng tỷ lệ sở hữu của mỗi tổ chức, cá nhân góp vốn và người có liên quan không được vượt quá 20% vốn thực góp của doanh nghiệp ĐMTN; tổ chức, cá nhân góp vốn có tổng tỷ lệ sở hữu trên 5% vốn thực góp của một doanh nghiệp ĐMTN không được góp vốn thành lập hoặc mua, bán, nắm giữ cổ phiếu hoặc phần vốn góp của một doanh nghiệp ĐMTN khác; các tổ chức không sử dụng vốn nhà nước để tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp ĐMTN.
Đặc biệt, doanh nghiệp ĐMTN không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp ĐMTN khác.
Doanh nghiệp ĐMTN phải công bố trên phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động ĐMTN về tên, địa chỉ trụ sở chính; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ ĐMTN; vốn chủ sở hữu thực góp; danh sách, tỷ lệ góp vốn tương ứng của cổ đông hoặc thành viên góp vốn sở hữu trên 5% vốn góp của doanh nghiệp ĐMTN; tên của Tổng giám đốc, Giám đốc của doanh nghiệp ĐMTN; ngày dự kiến bắt đầu khai trương hoạt động ĐMTN.
Nếu doanh nghiệp ĐMTN không đảm bảo một trong các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ ĐMTN; thay đổi nội dung và phạm vi hoạt động; tên, địa điểm đặt trụ sở chính; Tổng Giám đốc, Giám đốc; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; tạm dừng kinh doanh dịch vụ ĐMTN... phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.
Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận
Về phạm vi hoạt động, theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp ĐMTN được thực hiện hoạt động dịch vụ ĐMTN và dịch vụ liên quan đến ĐMTN bao gồm: bồi dưỡng, cập nhật kiến thức liên quan đến ĐMTN; cung cấp cơ sở dữ liệu liên quan đến ĐMTN.
Doanh nghiệp ĐMTN cũng có thể thực hiện các dịch vụ kinh doanh khác theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngoại trừ lĩnh vực kế toán và kiểm toán, tuy nhiên, phải đảm bảo các dịch vụ kinh doanh này được tổ chức độc lập và tách biệt với hoạt động ĐMTN.
Theo dự thảo này, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm cấp, sửa đổi và bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ ĐMTN của doanh nghiệp ĐMTN; xem xét khả năng tiếp tục duy trì hoạt động ĐMTN hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ ĐMTN của doanh nghiệp ĐMTN thông qua hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát; theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp ĐMTN thông qua chế độ báo cáo kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ ĐMTN.
Định kỳ 5 năm một lần, Bộ Tài chính đi kiểm tra trực tiếp tình hình hoạt động của doanh nghiệp ĐMTN.
Được biết, tổ chức ĐMTN có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Thông qua việc xác định hệ số tín nhiệm cho các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường tài chính, tổ chức ĐMTN góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động cả về cung và cầu đầu tư trên thị trường trái phiếu và thị trường tiền tệ, giúp nhà đầu tư nhận thức được những rủi ro để có định hướng đầu tư rõ ràng. Việc đánh giá ĐMTN không chỉ có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp khi huy động vốn trên thị trường mà còn cần thiết đối với các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Việc ra đời và công nhận dịch vụ ĐMTN là một trong những bước đi để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
H.Vân