Phân cấp, phân quyền, tăng linh hoạt, tiết kiệm chi phíPhát biểu tại hội trường, đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) nhất trí với tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhất là nội dung phân cấp phân quyền, thể hiện Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành về phân cấp, phân quyền. Trong đó, dự thảo phân cấp cho HĐND thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đến 500 ha và đất rừng phòng hộ đến 1.000 ha trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Theo đại biểu, nếu phân cấp cho HĐND các tỉnh, thành phố thì quy trình này chỉ thực hiện với 5 bước và thời gian là 45 ngày, thay vì 7 bước và 55 ngày, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian cũng chính là tiết kiệm kinh phí cho đất nước. Về bổ sung thẩm quyền cho Thường trực HĐND thành phố quyết định các biện pháp giải quyết công việc đột xuất và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm B, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị, nội dung hỗ trợ địa phương trong các trường hợp cần thiết cần quy định rõ các nguyên tắc đặc biệt để tạo sự linh hoạt cho HĐND thành phố. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình là với quy định tại Điều 43, phân quyền cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Còn theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo luật. Việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP. Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này. Ưu tiên dành nguồn lực cho Thủ đô Hà NộiBên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu không đồng thuận dự thảo luật về vấn đề phân cấp phân quyền cho Thủ đô Hà Nội trong quản lý một số lĩnh vực, xây dựng đô thị, quy hoạch. Tranh luận về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, từ thực tiễn TP. Hồ Chí Minh, các nội dung trong dự thảo luật là rất phù hợp. “Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, trái tim của cả nước, là đô thị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Do đó, việc phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Từ đó, đại biểu cũng mong muốn lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế; tập trung bảo tồn các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị văn hóa người Hà Nội, đặc biệt các vị trị có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng... “Trong Điều 5 của dự thảo luật nêu rõ, việc xây dựng và phát triển, bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước. Khoản 3 Điều 5 cũng nêu rõ, Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư cho Thủ đô Hà Nội” - đại biểu phân tích thêm.
|