(CMO) “Phải di dời ngay số hộ dân đang sống trong rừng phòng hộ ngoài đê, tuyệt đối không để dân sinh sông ở khu vực này”, đó là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình sau khi khảo sát tình hình sạt lở và sự cố sụp lún đê biển Tây hôm nay, ngày 15/8.Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình (áo trắng, bên phải) khảo sát tình trạng sạt lở đê biển Tây đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa. Theo ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng của những cơn bão vừa qua, đồng thời gió mùa Tây - Nam hoạt động mạnh, kết hợp với triều cường thường xuyên dâng cao kèm theo sóng to làm bờ biển Tây sạt lở ngày một nhanh và khó lường. Đã xuất hiện nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm, nếu không có biện pháp xử lý nhanh và kịp thời, tình trạng này sẽ vô cùng nguy hiểm. Cụ thể, trên địa bàn huyện U Mnh có 4 đoạn sạt lở với chiều dài khoảng 648 m. Nhất là đoạn phía bờ Bắc vàm Tiểu Dừa, thuộc Ấp 11, xã Khánh Tiến, dài khoảng 14 m, chỉ còn 4m là đến thân đê; đoạn phía bờ Nam vàm Tiểu Dừa, chiều dài 22 m, chỉ còn 5 m nữa là đến thân đê; đoạn nối tiếp kè rọ đá bờ Nam Tiểu Dừa hướng về Hương Mai chiều dài 12 m, chỉ còn 2 m là đến thân đê; đoạn bờ Bắc, bờ Nam kinh Giồng Cát, thuộc Ấp 9, Ấp 10, xã Khánh Tiến, chiều dài 600 m đai rừng còn dày từ 20–40 m. Ngoài ra, tuyến đê khu vực huyện Trần Văn Thời cũng đang xuất hiện nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, đoạn từ Đá Bạc đến Kinh Mới, thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây Bắc và ấp Kinh Mới, xã Khánh Hải, chiều dài sạt lở khoảng 877 m. Đoạn này hầu như không còn đai rừng phòng hộ để bảo vệ, sóng biển đánh trực tiếp vào chân đê. Đê đoạn bờ Bắc thị trấn Sông Đốc cũng có khoảng 250 m sạt lở nghiêm trọng. Trong đó có 2 vị trí sạt lở rất nguy hiểm với chiều dài khoảng 70 m, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 8 hộ dân. Trước tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng như hiện nay, để hạn chế thiệt hại, ông Tô Quốc Nam cho biết, đối với những đoạn sạt lở nguy hiểm mà chưa triển khai xây dựng kè cơ bản bên ngoài (kè cột ly tâm) thì sở đã chuẩn bị sẵn sàng các loại vật liệu cần thiết như kè bản nhựa kết hợp với cừ tràm, bảo vệ sinh thái kết hợp với cừ tràm, ống cát, để xử lý kịp thời những sự cố xảy ra ngoài ý muốn. Trong chuyến khảo sát này, đoàn kiểm tra thực tế sự cố sụt lún đoạn đấu nối vào cống Hương Mai, thuộc gối thầu xây lắp số 85 trong dự án nâng cấp đê biển Tây. Được biết, tổng chiều dài tuyến đê của dự án khoảng 72,5 km gồm 2 đoạn. Đoạn 1 từ Cái Đôi Vàm đến Khánh Hội dài 57,9 km; đoạn 2 từ Hương Mai đến Tiểu Dừa dài 14,64 km với tổng mức đầu tư 1.697 tỷ đồng. Vị trí xảy ra sự cố do liên doanh Công ty cổ phần xây dựng và thương mại 299 và Công ty TNHH Nam Khánh xây dựng. Theo đó, có hai đoạn xảy ra sự cố: đoạn 1 dài khoảng 130 m phía bờ Bắc cống Hương Mai. Đây là đoạn đã hoàn thành việc đổ bê tông tấm đan mặt đường. Sau sự cố, toàn bộ bị lún sâu vào đất từ 1,8 đến 2,0 m. Đoạn 2 khoảng 100 xảy ra sự cố sụt lún hạng mục mái taluy đất vai đê. Tổng mức thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân sự cố do nền đất yếu, kết hợp mưa lớn liên tục nhiều ngày gây ngập úng khu vực trong đê. Trong quá trình tháo nước chống úng gây trượt hoặc cũng có thể bên dưới nền đê có các túi bùn, tải trọng thân đê lớn gây trượt sâu nền, mái và chân đê. Để khắc phục sự cố, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện khoa học thủy lợi miền Nam và nhà thầu tìm giải pháp khắc phục. Tiếp tục quan trắc lún, trượt, đồng thời tiến hành khoan thăm dò địa chất để xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý. Đối với đoạn đang có nguy cơ sụt lún thì triển khai gia cố ngay bằng biện pháp đóng dọc theo tuyến đê. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình (giữa) chủ trì buổi làm việc với huyện U Minh. Chiều cùng ngày, đoàn làm việc với Huyện ủy U Minh về thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của huyện trong 7 tháng đầu năm. Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba, trong 7 tháng, nhìn chung các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch. Huyện đang quyết liệt chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra với mức độ cao nhất vào cuối năm. Cụ thể xuống giống được 4.020 ha lúa hè thu, đạt 100,5% kế hoạch; triển khai thi công 27 công trình nạo vét thủy lợi; tổng đàn gia súc hiện khoảng 16.310 con, gia cầm 172.145 con; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 34.115 tấn tôm, cá, mực các loại; trồng mới rừng được 102 ha và trồng sau khai thác 843 ha. Đối với kinh tế tập thể, hiện toàn huyện có 16 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và 57 THT. Đến nay, bình quân mỗi xã trong huyện đạt 13,86 tiêu chí nông thôn mới; thu ngân sách đạt trên 32,4 tỷ đồng…. Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình chỉ đạo, đối với tình trạng sạt lở đê biển Tây, huyện phải kết hợp với các sở, ngành liên quan nắm lại tình hình diễn biến của sạt lở trên toàn tuyến. Tất cả các hộ dân hiện đang sống trong rừng phòng hộ ngoài đê phải di dời vào trong bằng giải pháp hợp lý. Đồng thời, phải sớm giải quyết dứt điểm yêu cầu của người dân 3 ấp: 19, 20, 21 xã Khánh Thuận, khi hộ nào đã đồng thuận phải tiến hành cấp sổ đỏ ngay. Trên lĩnh vực sản xuất, nông – lâm – ngư phải củng cố lại HTX, THT để làm dịch vụ cũng như tiêu thụ hàng hóa cho người dân. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý về hộ nghèo và hộ cận nghèo của huyện. Hiện tỷ lệ này của huyện đang cao nhất tỉnh và phải giải quyết dứt điểm 22 hộ gia đình chính sách đang thuộc diện cận nghèo. Phải hết sức chú trọng công tác phòng chống thiên tai, phải lường hết các phương pháp xử lý theo từng tình huống có thể xảy ra. Nguyễn Phú |