THỜI TRAI TRẺ Vụ thảm sát của Mỹ - ngụy ở nhà tù Phú Lợi vào cuối năm 1958 làm 6.000 tù nhân tử vong trong một đêm. Sự kiện ấy không chỉ lan rộng trong nước mà còn gây chấn động cả thế giới thời bấy giờ. Đó cũng chính là mốc thời gian Nguyễn Kình bước vào giảng đường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Cũng như bao sinh viên ở miền Bắc,ẽchothếhệkèo bóng đá nữ lòng căm thù giặc sâu sắc và nghĩ đến nhân dân miền Nam đã in đậm trong tâm khảm của ông khi vừa tròn 20 tuổi. Vụ thảm sát xảy ra cuối năm 1958 thì đầu năm 1959 nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Chúng tôi chết, chết quay lăn lóc. Đứt ruột, đứt gan nắm cơm thuốc độc. Chết mà chưa giết được lũ đê hèn. Trái tim hồng chết uất máu bầm đen...”. Chính cảm xúc từ những vần thơ lan tỏa đã giúp chàng sinh viên mỹ thuật Nguyễn Kình ôm ấp vẽ nên tác phẩm sơn dầu đầu tay cũng là tác phẩm tốt nghiệp đại học về vụ thảm sát nhà tù Phú Lợi ở tận tỉnh Bình Dương ngày nay. Nghệ sĩ Nguyễn Kình đang sáng tác tranh chân dung bằng chất liệu sơn dầu Để vẽ vụ thảm sát ấy, ông phải nhờ nhà trường giới thiệu đến Ban Tuyên huấn Trung ương tìm kiếm tư liệu. Có tư liệu, kinh phí chỉ cho phép ông thuê được một người tạo dáng để vẽ vụ thảm sát 6.000 người và phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam trong một tác phẩm hội họa. Sau 5 năm ôm ấp và sáng tác, bức tranh sơn dầu về vụ thảm sát ở nhà tù Phú Lợi của ông mới hoàn thành. Hiện ông chỉ lưu lại được bản sao đã đượm màu thời gian như một kỷ niệm cất giữ nơi trang trọng nhất trong gian nhà nhỏ của mình. KHOẢNG LẶNG CUỘC ĐỜI Tốt nghiệp năm 1963 thì đến năm 1965 ông xung phong đi bộ đội vào Nam. Thế nhưng, do là sinh viên mới tốt nghiệp nên ông được tổ chức phân công về Cục Quản lý xe thuộc Tổng cục Hậu cần. Phần lớn công việc trong 9 năm phục vụ ở quân ngũ của ông chủ yếu theo thủ trưởng đi khắp chiến trường miền Bắc. Thời gian ông đi bộ đội cũng chính là thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tận mắt chứng kiến, ông thấu hiểu sự đau thương mất mát của chiến tranh và được thể hiện khá rõ nét trong mỗi tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng là nguồn cảm hứng bất tận để ông làm nên những tác phẩm hội họa bằng tranh sơn dầu mang đậm nét riêng của Nguyễn Kình không lẫn vào ai. Chuyện ông làm nên những tác phẩm hội họa đậm chất nghệ thuật và hơi thở của cuộc sống giống như một định mệnh. Tác phẩm “Hồi ức dòng sữa nuôi quân” của Nguyễn Kình đạt giải tại hội thi mỹ thuật năm 2013 khu vực Đông Nam bộ do Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Bận rộn phục vụ trong quân ngũ, suốt 9 năm ông không vẽ được bức tranh nào. Xuất ngũ về với đời thường, ông lập gia đình nên phải lo cơm áo gạo tiền để sống. Không sáng tác, không có tác phẩm nghệ thuật trong một thời gian dài, ông bị bạn bè chê bai đến tai thầy Trần Văn Cẩn. Thầy Cẩn nói: “Thằng Kình cỡ nào cũng không thể bỏ nghề được đâu”. Thầy Cẩn là người dìu dắt, chỉ bảo cho Nguyễn Kình từng nét vẽ trong suốt 5 năm ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi. 4 người con của ông lần lượt ra đời và đến tuổi trưởng thành. Để đảm bảo công việc cho các con, năm 1986 ông chuyển cả gia đình vào xã Bù Nho lập nghiệp. Trồng lúa, sửa xe đạp, xe máy rồi chạy xe ôm... ông đều làm để đảm bảo cuộc sống gia đình. Các con ông lần lượt trở thành giáo viên và yên bề gia thất. Năm 2007, ông tròn 70 tuổi mới trở lại Hà Nội thăm gia đình bè bạn. Và ông cảm nhận được sự “khi dễ” của một số người khi biết ông không còn làm nghệ thuật. Ấm ức với nỗi đau, ông trở về Bình Phước bắt đầu cầm lại cây cọ. SÓNG NỔI 70 tuổi, nhưng ông được xem là “cây cọ trẻ” trong làng tranh sơn dầu của Hội Mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Có được danh hiệu ấy chính là nhờ các tác phẩm “Dòng sữa nuôi quân”, “Kỷ vật tháng 4” và “Tuần tra bảo vệ biển trời Tổ quốc” đều được giải thưởng của Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam và khu vực Đông Nam bộ vào các năm 2012, 2013 và 2014. Chiến tranh đã lùi về quá khứ gần ½ thế kỷ, thế nhưng trong ký ức của ông vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua. Đôi dép cao su, chiếc ba lô, bình tông đựng nước hoặc chiếc võng trong rừng kia chỉ là vật dụng như bao vật dụng khác trong đời thường. Thế nhưng khi đi qua chiến tranh, những vật dụng rất đỗi bình dị ấy đã góp phần làm nên trang sử chói lọi và trở thành biểu tượng không thể thiếu của người lính “Cụ Hồ” trong chiến tranh Việt Nam. Có ai biết, ai còn nhớ trong những đêm thâu nơi rừng sâu bao cô dân quân ngày đêm tự vắt nguồn sữa quý giá của mình để nuôi những anh thương - bệnh binh trên chiến trường khốc liệt. Từ thực tiễn của chiến tranh mà chính ông đi qua đã thôi thúc ông tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bằng tranh sơn dầu phản ánh một cách chân thật và sinh động cuộc sống nơi chiến trường. Đó cũng là cách để ông giúp con cháu mai sau hiểu được phần nào về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm “Tuần tra bảo vệ biển trời Tổ quốc” của Nguyễn Kình đoạt giải tại hội thi mỹ thuật năm 2012 do Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Sau sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam, Nguyễn Kình đã cho ra đời 3 tác phẩm sơn dầu với chủ đề biển đảo Tổ quốc. Trong đó có tác phẩm “Tuần tra bảo vệ biển trời Tổ quốc” được Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải ba vào năm 2012. Tranh của ông lúc nào cũng cuồn cuộn hơi thở nóng bỏng của cuộc sống.
Không chỉ phản ánh cuộc đời bằng tranh vẽ, Nguyễn Kình còn là một cây bút với những vần thơ hết sức chân thật nhưng không kém phần lãng mạn. Sinh ra, lớn lên và trưởng thành ngay trên đất thủ đô, con người, cây cỏ và cảnh vật Hà Nội đã trở thành nỗi nhớ thường trực trong ông. Điều đó được thể hiện khá rõ trong hàng trăm bài thơ. Đặc biệt ông sắp cho ra đời tập thơ “Sóng nổi” viết về Hà Nội, về chiến tranh và mảnh đất tình người Bình Phước. Về nỗi nhớ Hà Nội, ông đã viết: “Từ ngày em đi hàng hiên bỏ lối. Em xa rồi gió bấc thổi bốn bên. Ngoài khung cửa mưa đọng từng chấm lạnh. Nhớ trong lòng cây cối cũng ngả nghiêng”. Ngay cả cảnh vật của Thác Mơ, Đắk Lung hay Bù Đăng, Bình Phước cũng trở thành nỗi nhớ trong thơ ông: “Gặp nhau một lần để nghìn lần nhớ mãi. Thác Mơ ơi có phải, em dịu dàng bởi lòng mẹ rất sâu. Nhịp Đắk Lung ai gánh nóng qua cầu. Hong cái nhớ cháy lòng người du khách”... hay “Sông Bé thướt tha mắt em trong vắt. Giấu trong lòng Bình Phước những mê say. Nghe Bù Đăng còn vang vọng tiếng chày. Cắc cùm cum chảy vòng quanh phố thị”. Nếu tranh vẽ của ông phần lớn thể hiện về chiến tranh thì thơ ông viết về nỗi nhớ Hà Nội, về sự đổi thay của mảnh đất, con người Bình Phước. Xin mượn những vần thơ của ông trong bài “Đất chuyển mình”, nói về cây điều của Bình Phước trước xuân sang để kết thúc bài viết này: “Vị dịu dàng bối rối trái tim anh. Gió muôn nẻo đưa hương tình thơm ngát. Điều xanh ngắt, trời cũng xanh trong vắt. Nắng chuyền cành hoa lá cũng lung linh. Tổ quốc ơi! Xuân tới đất chuyển mình. Mang sức sống một màu xanh vĩnh cửu. Xuân ơi xuân, gió đầu xuân dìu dịu. Tình yêu nào cũng xanh ngắt hương xuân”. Đông Kiểm |