Sáng 15/2,ủtướngPhấnđấuhoànthànhcôngtrìnhcầuRạchMiễuvàothákqbd melbourne victory trong chương trình công tác tại Bến Tre, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát hiện trường, đôn đốc dự án cầu Rạch Miễu 2 tại huyện Châu Thành và khảo sát tuyến đường ven biển Bến Tre, thăm hỏi động viên người lao động thi công trên công trường.
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Bến Tre.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hiện trường, đôn đốc dự án cầu Rạch Miễu 2 và khảo sát tuyến đường ven biển Bến Tre.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 bắc ngang sông Tiền nối liền tỉnh Tiền Giang - Bến Tre, cách cầu Rạch Miễu hiện nay khoảng 3,8 km về phía thượng lưu sông Tiền. Công trình dài 17,6 km, có tổng vốn đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng được chia làm 6 gói thầu xây lắp. Cầu có điểm đầu giao cắt giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, điểm cuối kết nối với quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Quốc lộ 60 hiện là điểm nghẽn của nền kinh tế khu vực khi đoạn từ Trung Lương đến cầu Hàm Luông, đã được đầu tư cơ bản đường cấp II đồng bằng với quy mô 4 làn xe, nhưng cầu Rạch Miễu hiện hữu nằm ở cửa ngõ trung tâm TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và Bến Tre chỉ được đầu tư với quy mô 2 làn xe.
Mặt khác, từ khi cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng, lưu lượng phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 60 tăng đột biến. Cầu Rạch Miễu hiện tại trở thành nút thắt giao thông thường xuyên ùn tắc, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực.
Công trình cầu Rạch Miễu 2 đã khởi công vào tháng 3/2022 nhưng sau gần 1 năm khởi công, công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công chậm. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã bàn giao mặt bằng gần 80%; còn phía Tiền Giang mới bàn giao mặt bằng được khoảng 30%. Theo báo cáo tại cuộc khảo sát, nguyên nhân chính là chi phí phát sinh trong giải phóng mặt bằng do tư vấn không sát. Hiện, các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, thiết bị trên phạm vi đã được bàn giao mặt bằng để thi công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên cán bộ, người lao động thi công trên công trường.
Kiểm tra thực địa dự án này và qua thực tế khảo sát các dự án khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác thực hiện các gói thầu tư vấn và đấu thầu, đấu giá bảo đảm đúng quy định, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, "thông thầu, bán thầu", "quân xanh, quân đỏ".
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị xây dựng các công trình giao thông nói chung và các cao tốc nói riêng theo tinh thần quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ, có tới đâu đầu tư tới đó nhưng trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, làm đoạn nào đồng bộ, hiện đại đoạn đó, "làm cao tốc phải ra cao tốc", tránh vừa làm xong đã phải nâng cấp, cải tạo, tránh tình trạng đội giá, đội vốn.
Riêng với cầu Rạch Miễu 2, Thủ tướng yêu cầu Tiền Giang và Bến Tre huy động cả hệ thống chính trị để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm cuộc sống người dân nơi tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Các địa phương khác phải rút kinh nghiệm, không để kéo dài khâu giải phóng mặt bằng, nếu để kéo dài sẽ dẫn tới đội giá và các vấn đề khác. Các tuyến đường, công trình hạ tầng giao thông mới sẽ tạo ra không gian phát triển mới, giá trị gia tăng mới, việc đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân phải thỏa đáng, đúng quy định, song không thể chạy theo giá đất mới mà phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Các đơn vị tư vấn rút kinh nghiệm về vấn đề chi phí giải phóng mặt bằng. Các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, áp dụng công nghệ, kỹ thuật, tăng ca, kíp, tổ chức thi công khoa học để rút ngắn tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình cầu Rạch Miễu 2 vào tháng 10/2025 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre, sớm 6 tháng so với tiến độ đang đề ra (tháng 4/2026), bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tránh đội vốn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đồng thời quan tâm đời sống công nhân.
Thủ tướng cũng lưu ý nghiên cứu, bố trí các nút giao phù hợp để tăng tính kết nối, tạo không gian phát triển mới, khai thác tối đa hiệu quả tuyến đường.
Thủ tướng yêu cầu phải tránh đội vốn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về nguyên vật liệu cho dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chỉ đạo bảo đảm nguyên vật liệu cho các dự án; các mỏ, nguồn đất, cát phải giao cho chủ đầu tư, nhà thầu; các tỉnh phải làm nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, ráo riết kiểm tra ngay việc cung ứng nguyên vật liệu. Nếu khó khăn, vướng mắc thì các đơn vị gửi thư trực tiếp tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thủ tướng Chính phủ.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan khẩn trương xây dựng quy định thưởng phạt, làm tốt phải thưởng, làm không bảo đảm phải phạt, nghiêm minh, kịp thời.
Một lần nữa, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các tuyến đường mới cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng và giúp giải phóng mặt bằng nhanh, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới.
"Tinh thần là đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được", Thủ tướng nhấn mạnh.
* Tiếp đó, Thủ tướng và đoàn công tác đi khảo sát tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre bằng trực thăng.
Ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Bến Tre và tỉnh Tiền Giang, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh.
Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh đi qua 3 con sông lớn gồm sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, tạo nên tuyến vành đai kinh tế ven biển quan trọng của tiểu vùng Đông Bắc ĐBSCL.
Tuyến đường có tổng chiều dài dự kiến là 53 km, tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2021-2025) và giai đoạn 2 sau năm 2025. Giai đoạn 1 (2021-2025) với kinh phí 13.127 tỷ đồng sẽ xây dựng đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới; xây dựng 13 cầu trên tuyến chính, trong đó có 5 cầu vượt sông lớn.
Giai đoạn 2 (dự kiến sau năm 2025) với kinh phí 15.419 tỷ đồng sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến đường ngoài đô thị với bề rộng nền đường 46 m và trong đô thị với bề rộng nền đường 100 m. Tuyến đường bộ ven biển Bến Tre không chỉ có ý nghĩa kết nối liên vùng mà còn đóng vai trò rất quan trọng, mở ra không gian phát triển của tỉnh và toàn vùng./.
Vũ Khuyên/VOV