Em Trần Tuấn Kiệt,Đammsngtạocủacậubđặcbiệbóng đá cúp fa anh học sinh lớp 8A9, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, đã đạt được kết quả nổi bật trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ X vừa qua. Nhìn kết quả này, ít ai biết được Kiệt phải nỗ lực rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa, do em mắc một hội chứng từ khi bẩm sinh...
Tuấn Kiệt bên “Mô hình xe điều khiển bằng điện thoại” - Sản phẩm đạt giải nhất tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ X năm 2023 vừa qua.
Thế giới riêng của Kiệt
Đến nhà của Tuấn Kiệt, ở khu vực 2, phường I, thành phố Vị Thanh, chúng tôi ấn tượng nhất là chiếc bàn chứa đầy những mảnh ghép lego, món đồ chơi mà Kiệt yêu thích nhất. Khác với các bạn đồng trang lứa, thế giới của Kiệt chỉ đơn giản là gia đình, là trường học, là nơi mà Kiệt có thể sáng tạo những sản phẩm STEM theo ý thích của mình. Bởi lẽ, từ lúc mới lọt lòng, em đã mắc phải hội chứng tự kỷ bẩm sinh.
Lúc còn nhỏ, Kiệt từng được cha mẹ đưa đi học ở trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do muốn con được gần gia đình và hòa nhập cùng mọi người, cha mẹ Kiệt đã cố gắng giúp em theo học ở những ngôi trường bình thường. Đến nay, ở tuổi 15, tuy còn gặp nhiều hạn chế trong kỹ năng giao tiếp, phản xạ xã hội, nhưng Kiệt vẫn có thể tiếp thu thông tin và diễn đạt mong muốn của mình. Em cũng bộc lộ nhiều năng khiếu vượt trội.
Theo lời kể của gia đình, từ nhỏ, Kiệt đã đặc biệt yêu thích đồ chơi lego và tự mày mò lắp ghép được nhiều đồ vật khác nhau. Ở cấp tiểu học, Kiệt được thầy cô giới thiệu, hướng dẫn lập trình cơ bản. Điều này đã gợi lên trong em sự hứng thú để tìm tòi, học hỏi thêm về lập trình và ứng dụng vào những món đồ chơi lego của mình. Từ đó, nhiều sản phẩm STEM như máy xay cà phê, máy giặt, máy hút bụi, quạt, thang máy,… đã được Kiệt tạo ra với tất cả sự say mê.
Ông Trần Đình Tuấn, cha của Kiệt, cho biết: “Tùy vào mức độ khó dễ của từng sản phẩm mà Kiệt có thể làm trong khoảng thời gian khác nhau. Với các sản phẩm lắp ráp có sẵn thì con làm rất nhanh. Sau đó lại tháo ra để chơi theo sở thích của mình. Có những sản phẩm mà Kiệt phải tìm tòi, lắp ráp từ nhiều bộ lego khác nhau mới tạo ra được. Nhưng con luôn kiên trì đến khi hoàn thiện mới thôi”. Do đó, gia đình luôn quan tâm, tạo điều kiện để em được theo đuổi đam mê và phát huy năng khiếu của mình.
Khi năng khiếu được phát huy
Đam mê những món đồ chơi lego, nên Kiệt hay mang theo khi đến trường. Ấn tượng với các sản phẩm của em, thầy, cô thường khuyến khích Kiệt tham gia một số cuộc thi, hội thi về sáng tạo. Sau nhiều lần đắn đo, gia đình đồng ý đưa sản phẩm “Mô hình xe điều khiển bằng điện thoại” của em tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ X năm 2023. Dưới sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường, thầy cô và bạn bè, sản phẩm đã xuất sắc đạt giải nhất tại cuộc thi.
“Mô hình xe điều khiển bằng điện thoại” của em Trần Tuấn Kiệt cũng tương tự như những món đồ chơi xe điều khiển khác. Tuy nhiên, thay vì sử dụng hộp điều khiển riêng biệt cho mỗi sản phẩm, với mô hình này, người chơi có thể điều khiển xe bằng phần mềm cài đặt trên điện thoại. Để tạo ra sản phẩm, trước tiên, Kiệt lắp ráp một mô hình xe bằng lego theo kích thước, kiểu dáng mà em mong muốn. Sau đó, gắn vào xe một bộ phận điều khiển cảm ứng đã được kết nối với phần mềm trên điện thoại di động.
Khi hoàn thiện, người chơi có thể điều khiển cho xe di chuyển theo ý muốn bằng điện thoại của mình với khoảng cách xa hơn. Sản phẩm có thể thay đổi kích thước, kiểu dáng để tạo ra nhiều mô hình đồ chơi khác. Kiệt đã tích hợp thêm cho xe tính năng chạy theo nhạc và tự động lùi khi gặp chướng ngại vật. Với Kiệt, đây là một món đồ chơi mà em tự nghiên cứu và cực kỳ tâm đắc. Còn với mọi người, đây là một sản phẩm sáng tạo rất ấn tượng.
Ông Lý Hùng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, Trưởng Ban giám khảo Tiểu ban Các dụng cụ gia đình và đồ chơi trẻ em của cuộc thi, nhận xét: “Mô hình của em Kiệt có sự tiếp thu và vận dụng trên những hình thức có lợi. Khi tiếp cận internet, em đã nghiên cứu và tạo ra một sản phẩm theo ý thích. Do đó, khi đánh giá giải nhất ở nhóm đồ chơi, tôi thấy sản phẩm mang tính thiết thực và sát với nhóm tuổi. Chúng tôi khuyến khích em và nhà trường tiếp tục phát huy những sáng tạo trong thanh, thiếu niên, nhi đồng”.
Xét ở nhiều phương diện, Tuấn Kiệt có thể còn khá hạn chế, nhưng trong đam mê và năng khiếu của mình, em đã đạt được những kết quả mà ít ai đạt được. Từ câu chuyện của Kiệt, có thể thấy, trong xã hội này, bất kỳ ai cũng có giá trị của riêng mình, nhưng giá trị đó cần được đặt đúng nơi thì mới có thể tạo ra kết quả hữu hình!
Bài, ảnh: ĐANG THƯ