Đó là lời chia sẻ của những thành viên trong Ban chỉ đạo 1237 - những người trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm,ấycũngphảcách tính đề miền bắc quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Họ không chỉ nói mà đã hành động bằng tất cả tấm lòng thành.
Đã có 9 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trong 3 năm qua.
Công việc vất vả
Đầu tháng 3, tôi có cơ hội theo chân đội quy tập hài cốt liệt sĩ (đội quy tập) thuộc Ban chỉ đạo 1237 đến thực hiện nhiệm vụ ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Số lượng người tham gia hôm đó khoảng 17 người, gồm cán bộ, chiến sĩ của Ban chỉ đạo 1237 và lực lượng dân quân địa phương của xã Phương Bình. Đường đi khá trắc trở, nên xe ô tô của đoàn không thể vào được, mà phải đi bằng xe gắn máy khoảng 1km mới vào đến nơi. Không chỉ thế, nơi nghi có hài cốt liệt sĩ phải qua một con sông, nên cả đoàn phải đi nhờ chiếc xuồng nhỏ của người dân. Thiếu tá Thi Đăng Khoa, Trưởng Ban chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bộc bạch rằng, phần lớn những nơi mà đội đến quy tập mộ liệt sĩ đều nằm ở vùng xa xôi, hẻo lánh trong tỉnh. Bởi thời chiến, thi thể liệt sĩ thường được chôn cất một cách bí mật, đơn giản để giặc không phát hiện.
Biết tôi lần đầu đi cùng đội nên thượng úy Trần Văn Phúc, thành viên trong đoàn nói: “Công việc này tuy cực mà vui lắm”. Thấy tôi thắc mắc, anh Phúc liền giải thích: “Cực là những lúc dầm mưa, dãi nắng để đào bới, dù là đất cứng hay đất mềm cũng phải ráng đào. Nhưng vui nhất là lúc phát hiện ra hài cốt liệt sĩ để đưa họ về nghĩa trang”. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi đó cũng giúp tôi hình dung phần nào về những gì mình sẽ chứng kiến trong chuyến đi này.
Địa điểm nghi có mộ liệt sĩ hôm đó là một khu vườn khá rộng, được đào liếp để trồng cây ăn trái. Ngày trước, nơi đây từng là một nghĩa trang chôn cất nhiều liệt sĩ. Đất nước giải phóng, các phần mộ đã được quy tập để đưa về các nghĩa trang trong tỉnh. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan, nên một vài mộ vẫn còn sót lại. Thiếu tá Khoa cho biết trong tháng 1 vừa rồi, cả đội đã tìm gặp được 3 bộ hài cốt liệt sĩ tại đây. Và lần này là bộ hài cốt thứ 4.
Sau phần nghi thức cúng viếng thông thường, cả đội bắt đầu đào bới. Đất hôm đó khá mềm, nên công việc cũng khá thuận lợi. Càng về trưa, hơi đất phèn bốc lên nồng nặc, khiến không khí xung quanh trở nên ngột ngạt hẳn. Nhưng hơi đất cộng với cái nắng chói chang của những tháng mùa khô không làm giảm ý chí của mọi người, dù trên trán ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Người này mệt rồi tới lượt người kia, cả đội thay nhau bới tung khoảng đất rộng khoảng 5m2 với quyết tâm tìm bằng được hài cốt liệt sĩ. Dù khá mệt, nhưng ánh mắt mỗi người trong đội vẫn tràn đầy niềm tin vào kết quả cuối cùng. Đáng tiếc là đào mãi đến khi mặt trời đứng bóng nhưng không phát hiện được dấu vết gì. Thế là cả đội phải tạm dừng, vì lo vị trí đào hiện tại chưa chính xác.
Dù mệt nhoài, nhưng ngay ngày hôm sau, cả đội phải tiếp tục đến quy tập một ngôi mộ khác cũng trên địa bàn ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình. Lần này, mọi người tỏ ra khá lạc quan vì nhiều người cao tuổi trong ấp đều khẳng định ở đây có mộ liệt sĩ. Nhưng khi đào bới thì những khó khăn bắt đầu nảy sinh, do thông tin về địa điểm không thống nhất. Người chỉ chỗ này, người khác lại bảo chỗ kia, buộc cả đội phải đào ở nhiều chỗ khác nhau. Vất vả từ 7 giờ sáng cho đến lúc mặt trời khuất bóng nhưng không thu được gì ngoài khoảng đất trơ trọi.
Bản thân tôi tỏ ra tiếc nuối cho các anh vì phải về tay không trong 2 ngày liền, nhưng với những người trong đội quy tập thì đó là chuyện bình thường. Bởi trong số 14 lần thực hiện nhiệm vụ từ năm 2014 đến nay thì có đến 5 lần họ không thu về kết quả. Có trực tiếp theo chân các anh thì tôi mới cảm nhận hết việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vất vả đến mức nào.
Thiếu tá Khoa chia sẻ rằng, lần quy tập mà anh nhớ nhất là ở địa bàn xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp vào tháng 4-2015. Lúc đó, một ông cụ hơn 90 tuổi đã cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ do chính tay ông chôn cách đây mấy chục năm. Khi ấy có hai bộ đội đi công tác bị giặc bắt rồi xử tử, xác của hai anh bị bỏ ngoài đồng trống. Thấy tội quá, nên ông đã lén lút an táng họ vào ban đêm. Dù tự tay mình chôn, nhưng ông cụ không nhớ rõ vị trí ngôi mộ ngày xưa. Cũng vì vậy mà cả đội phải đào ròng rã 2 ngày liền mới tìm được hài cốt. “Có hai bộ hài cốt, nhưng những gì tìm thấy còn rất ít. Bởi xác 2 liệt sĩ này đã vùi trong đất mấy chục năm rồi còn gì”, thiếu tá Khoa nhớ lại.
Quyết không bỏ cuộc
Trong 2 ngày lặn lội cùng đội quy tập đến những vùng xa xôi trong tỉnh, tôi cảm nhận được những vết thương của 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã dần liền da theo thời gian. Những đồn bót giặc, những hố bom giày xéo trên quê hương ngày nào giờ được thay bằng màu xanh của đồng ruộng, những thửa rau tươi tốt hay những vườn cây trĩu nặng quả. Cũng vì vậy mà những dấu vết về mộ liệt sĩ được chôn cất đơn sơ, bí mật ngày trước hiện nay hầu như không còn lại gì. Một phần do thời chiến loạn lạc, việc chôn cất các liệt sĩ được thực hiện không như mong muốn, thi hài có khi chỉ được bó chiếu hoặc bọc ni-lông rồi chôn chứ không có quan tài, nên việc tìm kiếm hài cốt của họ giờ đây như “mò kim đáy bể”. Mặt khác, hầu hết những người đã cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ mà tôi từng tiếp xúc đều đã bước sang tuổi xế chiều, trí nhớ giảm bởi chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm rồi còn gì. Các cụ rất nhiệt tình cung cấp thông tin, nhưng địa hình ở thời chiến và hiện tại đã thay đổi quá nhiều nên họ không còn nhận ra vị trí chính xác nữa.
Để giúp tôi hiểu thêm, các thành viên trong đội quy tập đã kể câu chuyện về lần quy tập hài cốt liệt sĩ không thành ở kênh Kỳ Đà, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Một ông cụ người địa phương đã thông tin về vị trí mộ liệt sĩ do tự tay ông chôn vào thời chiến. Nhưng đội quy tập đã đào vất vả mà không tìm thấy do vị trí chưa chính xác. Buồn bã ra về, nhưng mọi người không trách ông cụ, bởi trải qua mấy chục năm trời thì địa hình, địa thế ở đó gần như thay đổi hoàn toàn nên ông cụ không thể nhớ chính xác cũng là điều dễ hiểu.
Tháp tùng theo đội quy tập, Đại tá Bùi Thanh Cà, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhấn mạnh rằng, dù có khó khăn nhưng thông tin có liên quan về các mộ liệt sĩ chưa tìm thấy sẽ tiếp tục được thu thập, thẩm tra kỹ lưỡng, đến khi nào khá đầy đủ thì việc quy tập sẽ được thực hiện tiếp.
Trước khi ra về, thiếu tá Khoa cho tôi biết thông tin trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn không ít mộ liệt sĩ chưa được tìm thấy. Nhiều nhất có lẽ là ở địa bàn huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp, vì đây là những chiến trường ác liệt thời chiến. Thiếu tá Khoa bộc bạch: “Nghĩ tới hài cốt của những người có công với nước chưa được cất bốc là chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Dù mộ liệt sĩ nằm ở những vùng xa xôi, hẻo lánh hay ở những nơi có địa hình, địa thế phức tạp thì đội quy tập cũng không ngại gian khó để thực hiện nhiệm vụ, bởi đó chính là cái nghĩa, cái tình và trách nhiệm cao cả mà họ phải làm để đáp lại công ơn của những người đã xả thân vì nước”.
Do dụng cụ, trang bị, phương tiện còn khá thô sơ nên công việc của các cán bộ, chiến sĩ trong đội quy tập trở nên khó khăn hơn nhiều lần khi gặp phải những địa hình, địa thế phức tạp. Để khắc phục, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trang bị thêm cho đội một máy xúc mini. Máy xúc mini này chắc chắn sẽ hỗ trợ tích cực cho đội trong những lần thực hiện nhiệm vụ tới. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN