Lộ trình 3 giai đoạn
Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có chuyển biến tích cực. Đã có 6/9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã công bố “vùng xanh” trở lại trạng thái bình thường mới.
Tại buổi làm việc mới đây giũa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp đối tác của tập đoàn Adidas, các doanh nghiệp chia sẻ với khó khăn của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, dịch bệnh đã khiến chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị gián đoạn và bày tỏ mong muốn tỉnh từng bước mở cửa để doanh nghiệp tái khởi động sản xuất trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị chính quyền tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc - xin cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xét nghiệm và xử lý một cách nhanh chóng khi phát hiện F0; hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất thông qua các gói hỗ trợ tài chính…
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh: “Bình Dương đang hết sức nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh khi trở lại trạng thái mới”.
Ông Dũng cho biết, tỉnh đang thực hiện nguyên tắc “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” với mong muốn đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Trong mọi giai đoạn, Bình Dương luôn xác định sự phát triển của doanh nghiệp chính là sự phát triển của tỉnh. Tỉnh đã ban hành kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, tỉnh áp dụng lộ trình tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo 3 giai đoạn tương ứng 30%, 50% và 70% công suất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng chia sẻ.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, UBND tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Công thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, các địa phương, các ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tiếp tục trao đổi với doanh nghiệp về phương án tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp trong điều kiện của tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tái sản xuất đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch hiệu quả.
Bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm
Kỳ họp thứ hai - HĐND tỉnh Bình Dương (khóa X) nhận định, trong 9 tháng năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp KCN được duy trì, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 176%, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 182%, vốn đầu tư xây dựng thực hiện đạt đạt 115,57% và vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp đạt 126% so với kế hoạch năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021 chủ yếu phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch bệnh và khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở nhận định tình hình, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm là rất khó khăn.
“Tuy nhiên, đây là tình hình chung của cả nước, UBND tỉnh thống nhất không điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 để giữ quyết tâm cao nhất nhằm huy động sức mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức, đồng lòng phấn đấu để thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất trong điều kiện khó khăn” – ông Minh nhấn mạnh.
Theo đó, tỉnh Bình Dương đã thống nhất triển khai 5 nhóm giải pháp trọng tâm phục hồi kinh tế trong năm 2021.
Thứ nhất, thực hiện các giải pháp mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình; tổ chức lưu thông trên địa bàn trong trạng thái bình thường mới; xây dựng các chính sách thuộc thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp; bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu.
Thứ hai, tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển; sớm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn để khởi công mới các công trình đủ điều kiện tại các "vùng xanh" trên địa bàn; tiếp tục thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục đầu tư, hoạt động tại tỉnh; thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, tạo đột phá trong cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh; đổi mới cách thức giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thành lập các tổ công tác đặc biệt để nhanh chóng giải quyết các khó khăn trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Kịp thời hỗ trợ tạo việc làm mới cho người lao động. Triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống người dân.
Thứ năm, cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan để ổn định tâm lý, tạo đồng thuận xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trước mắt, UBND tỉnh Bình Dương sẽ điều hành bám sát theo kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội với những mục tiêu, giải pháp và lộ trình hợp lý, phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch của từng địa phương.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong các KCN nói riêng là vấn đề quan trọng và bức thiết trong thời điểm hiện nay. Quan điểm của Chính phủ là vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân. |
Gia Cư