Giao dịch tại BIDV. (Ảnh: PV/Vietnam+) Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại liên tục được điều chỉnh giảm. Mặt bằng lãi suất cao nhất đang áp dụng tại các ngân hàng ở khoảng trên dưới 7%/năm, lác đác chỉ còn một vài ngân hàng áp mức trên 8%/năm. Liên tiếp hạ lãi suất huy động Theo biểu lãi suất huy động mới nhất tháng 9-2020, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đang là một trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất, lên tới 8,95%/năm cho kỳ hạn 13 tháng; Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng đang áp lãi suất 8,5%/năm cho cùng kỳ hạn và Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cập nhật biểu lãi suất mới nhất là 8,4%/năm cho kỳ hạn 13 và 24 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng những mức lãi suất hấp dẫn này, khách hàng gửi tiền tiết kiệm phải đảm bảo điều kiện gửi ít nhất 500 tỷ đồng. Còn đối với các khoản gửi nhỏ hơn, lãi suất cao nhất ở mức từ 7,6-7,7%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (Dong A Bank). Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mới đây đã tiếp tục công bố hạ lãi suất huy động từ 0,3-0,6%/năm so với 2 tuần trước đó. Riêng với kỳ hạn 1 tháng gửi tại quầy của Techcombank, nếu khách hàng lĩnh lãi trước, lãi suất tiền gửi chỉ còn 2,7%/năm; còn nếu lĩnh lãi cuối kỳ, mức lãi suất được hưởng dao động khoảng 2,85-3,2%/năm. Mức lãi suất này đã giảm hơn 0,3%/năm so với trước đó, thấp hơn cả mức 3,5%/năm đang áp dụng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và cũng thấp hơn nhiều so với lãi suất trần 4,25% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo giới quan sát, trong giai đoạn lãi suất liên tục biến động như hiện nay, người dân thường chọn gửi tiền kỳ hạn ngắn, từ 6 tháng trở xuống để "nghe ngóng" tình hình hoặc lựa chọn kênh gửi tiết kiệm online để được hưởng lãi suất ưu đãi cộng thêm từ 0,1-0,3%/năm so với lãi suất tại quầy. Thậm chí như tại Techcombank, lãi suất gửi tiết kiệm online nhiều kỳ hạn còn chênh lệch so với lãi tại quầy tới gần 1%/năm. Xu hướng điều chỉnh giảm này cũng được thống kê trong báo cáo thị trường tiền tệ công bố mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm lãi suất từ 0,3-0,4%/năm ở các kỳ hạn 6-12 tháng, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác giảm thêm 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn. Nhìn chung, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng cổ phần hầu hết đều cao hơn ngân hàng thương mại nhà nước từ 0,5-1,5%/năm. Nhưng cá biệt, SSI chỉ ra một số ngân hàng cổ phần có lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên còn thấp hơn cả ngân hàng nhà nước như tại Techcombank hay Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Vốn vẫn dư thừa Tuy lãi suất đứng ở mức thấp nhưng tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn hấp dẫn trong giai đoạn này. Lý do ông đưa ra là bởi lãi suất tiền gửi tuy giảm nhưng nếu khách hàng chọn kỳ hạn từ 1 năm trở lên vẫn có mức lãi suất khá hấp dẫn, khoảng 6,5%/năm. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) Mặt khác, gửi tiết kiệm vẫn là một trong các kênh đầu tư an toàn, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Đồng thời, một số nhà đầu tư cũng đa dạng hóa các kênh đầu tư của mình; trong đó có chọn gửi tiết kiệm. Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm này giá vàng tăng-giảm bất thường, chứng khoán biến động mạnh, bất động sản trầm lắng... ngay cả đối với trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất neo cao đến 10-11%/năm, nhà đầu tư cũng không mấy mặn mà do lo ngại doanh nghiệp khó khăn, nhà đầu tư sẽ khó thu hồi vốn về, nên dù lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh được ưu tiên vì tính an toàn. Điều này thể hiện rõ qua số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 7-2020. Cụ thể, huy động vốn đã tăng 5,31% trong khi tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%). Thanh khoản dồi dào nhưng nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn thấp do sự trở lại của COVID-19 tại nhiều địa phương đã gây nên tình trạng dư thừa vốn dẫn đến lãi suất liên ngân hàng liên tiếp giảm, phản ánh nhu cầu vay vốn giữa các ngân hàng rất thấp. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm 1 năm đối với lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng tạo điều kiện thúc đẩy xu hướng giảm lãi suất huy động. Nhờ vậy, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn lực để mở rộng các gói tín dụng trung và dài hạn cho các khách hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13-7-2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Liên quan đến nguồn vốn đầu vào, theo ông Lực, dù lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng lớn đã có sự sụt giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2020 nhưng lượng tiền này chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong cơ cấu vốn nên sẽ không tác động nhiều đến thanh khoản của ngân hàng, dẫn chứng là việc dư thừa vốn như đã phân tích ở trên. Ông Lực nói rõ: "Việc tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại giảm mạnh phản ánh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang được thúc đẩy. Đồng thời, hệ thống kho bạc cũng phải giảm dần tiền gửi tại các tổ chức tín dụng theo quy định của Bộ Tài chính về việc thực hiện cơ chế mới, tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước được kết chuyển về tài khoản để tại Ngân hàng Nhà nước, thay vì đọng lại tại các ngân hàng thương mại". |