Ông Nguyễn Huỳnh Đạt - Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật
Gần 20 năm phát triển thương hiệu và gắn hình ảnh với hạt nêm Knorr,ânNguyễnHuỳnhĐạtTôichọnthịtrườngngákết quả giải ấn độ Maggi của hai tập đoàn Unilever và Nestlé tại Việt Nam, thu nhập ổn định, sự nghiệp đang ở đỉnh cao, nhưng ông Nguyễn Huỳnh Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật, lại quyết định bước sang ngã rẽ mới: Gia nhập thị trường gia vị vốn đang bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh với niềm tin: "Các tập đoàn lớn chiếm lĩnh thị trường lớn, công ty tôi nhỏ, tôi chọn thị trường ngách sẽ thành công".
Liệu ông có quá lạc quan khi trước đó, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia thị trường gia vị đều đã âm thầm bỏ cuộc, thậm chí có DN chọn phân khúc người tiêu dùng nông thôn, thu nhập thấp nhưng vẫn... thua?
"Kinh doanh không thể chắc thắng 100% nhưng nhiều năm làm việc ở các tập đoàn nước ngoài, tham gia nhiều chương trình khảo sát thực tế, nghiên cứu nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nông dân, tôi thấy phụ nữ và trẻ em ở nông thôn thiệt thòi hơn thành thị. Mỗi ngày, một phụ nữ ở nông thôn chỉ có gần 20.000 đồng để chi tiêu cho nhu cầu của cả gia đình nên họ rất chi li và không đủ tiền mua những sản phẩm của các thương hiệu lớn.
Trong khi đó, theo thống kê hiện nay, có đến 63% dân số Việt Nam thuộc nhóm thu nhập thấp. Chính điều này đã dẫn tôi đến suy nghĩ: Mình có công nghệ, đam mê, có hiểu biết và kinh nghiệm, tại sao không làm ra những sản phẩm phục vụ những người có thu nhập thấp. Ý nghĩ này cứ luẩn quẩn trong đầu và thôi thúc tôi quyết định bước sang ngã rẽ mới.
Với các DN chọn phân khúc người tiêu dùng nông thôn nhưng thất bại, có thể do nhiều lý do, ví dụ họ chỉ nhắm vào lợi nhuận, chưa có chiến lược đúng hoặc không nghiên cứu thị trường thấu đáo, hay chưa đi vào vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu nhu cầu của người dân ở nông thôn nên tự phá giá và giẫm lên chân nhau". Ông Đạt mở đầu buổi trò chuyện như vậy.
* Trở ngại đầu tiên ông phải vượt qua khi quyết định bước sang ngã rẽ mới là gì?
- Đó là sự phản đối của gia đình. Mọi người trong nhà đều giận và nói tôi "ngông", khùng, bà xã thì bảo: "Anh điên rồi. Tự nhiên chuốc khổ vào thân", nhưng tôi tin "cái điên", "cái khùng" của tôi sẽ có ích vì người dân ở nông thôn ai cũng muốn được dùng thực phẩm ngon, có lợi cho sức khỏe nhưng họ không mua được.
Tôi biết con đường tôi đang đi sẽ vô cùng khó khăn, trắc trở nhưng tôi tin vào luật nhân quả: Gieo nhân lành thì sẽ hái quả ngọt. Và cái "nhân" tôi đang gieo không chỉ mang lại sản phẩm sạch, ngon, đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng, mà còn là những sản phẩm mang khẩu vị văn hóa Việt, truyền thống Việt và là niềm tự hào của người Việt.
Chả nhẽ Việt Nam là đất nước sử dụng nhiều gia vị và có nguồn nguyên liệu dồi dào, làm ra nhiều loại gia vị, nước chấm ngon mà đa số các thương hiệu gia vị hiện có trên thị trường lại thuộc các công ty nước ngoài?
Nếu bạn có kinh nghiệm, học được nhiều mà chỉ chọn đi làm công thì việc học cũng không có ý nghĩa gì, bởi nó chỉ mang lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình chứ không làm được cái xã hội cần. Mỗi người đều có mơ ước, và nếu bạn tin điều mình làm có ích cho đời thì sẽ có động lực bước tiếp và không khó để thành công.
* Khi bắt tay vào công việc, va chạm với thực tế, ông có thấy khó khăn so với kế hoạch đã vạch ra?
- Dù nhìn thấy rất nhiều trở ngại nhưng tôi vẫn làm vì tin rằng, khi người dùng hiểu, tôi sẽ có đất sống. Song, để có "đất sống" là cả chặng đường dài và phải... kiên nhẫn. Điều đáng buồn là tâm lý sính ngoại của người Việt hiện vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, việc hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức dành cho các DN trong nước vẫn chưa mạnh.
Gần hai năm với 15 sản phẩm gia vị mang thương hiệu "Ông Bếp" gia nhập thị trường, nhưng tôi vẫn không thể đưa sản phẩm vào siêu thị. Mặc dù tôi đã trình đầy đủ hồ sơ chứng nhận đạt các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm, không thiếu bất cứ giấy tờ nào do Bộ Y tế cấp, y hệt như tôi đã trình cho các tập đoàn nước ngoài, bao bì, mẫu mã cũng đầu tư cao cấp nhưng vẫn không được hỗ trợ.
Họ nói thương hiệu của tôi còn mới nên muốn vào siêu thị phải chi 32% hoa hồng, mà chi hoa hồng cao như vậy thì mình không thể bán giá rẻ nên tôi phải "tự bơi", tự đi bán lẻ ở các nhà hàng và tổ chức các chương trình bán hàng, tư vấn tiêu dùng, hướng dẫn nấu ăn... Đó là lý do tôi không thể đi nhanh như các công ty nước ngoài.
Giữa các DN Việt Nam cũng không có sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau như DN ở các quốc gia khác, cụ thể là Nhật. Còn nhớ, đã có lần một đối tác Nhật nhận xét: "Người Nhật chỉ dám nhận họ có những bộ óc "đất sét", nhưng khi quăng vào nhau thì nó sẽ tự động kết dính và bền chặt. Đó là lý do giúp nước Nhật phát triển vượt bậc. Người Việt Nam được cho là có bộ óc "kim cương" nhưng những viên kim cương trong cùng một rổ lại không kết dính được với nhau".
* Vậy ông muốn đề đạt điều gì?
- Trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu ngoại, DN nội đang bị lu mờ do chưa quảng bá được thương hiệu. Lý do là khi một thương hiệu mới xuất hiện, chi phí để quảng bá tại các kênh siêu thị, chợ, trên truyền thông tốn không dưới 3 tỷ đồng, thậm chí có khi lên đến cả chục tỷ. Thế nên các nhà sản xuất trong nước khó lòng đua tranh được với các nhà sản xuất nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam vì yếu về vốn.
Vì vậy, cùng với việc hô hào người Việt dùng hàng Việt thì Nhà nước hãy có những chính sách hỗ trợ DN thực tế hơn, đơn cử như chính sách quảng cáo không nên cào bằng như hiện nay. Khi DN Việt Nam quảng cáo thì nên áp dụng chính sách thuế ít hơn các công ty nước ngoài, có vậy mới hỗ trợ được sản xuất trong nước.
* Nắm tâm lý sính ngoại của đa số người dùng nên ông đặt tên Công ty là Việt Nhật?
- Không phải vậy. Do đầu ra chủ lực của thương hiệu "Ông Bếp" là thị trường Nhật và sau này là thị trường Mỹ, đây cũng là những khách hàng ủng hộ tôi ngay từ buổi đầu, giúp tôi sống được để "nuôi" thị trường nội địa nên tôi lấy tên Việt Nhật đặt cho Công ty.
* Ông có sợ bị các "ông lớn" nước ngoài thôn tính?
- Không, bởi tôi không chọn con đường đối đầu trực diện với họ mà chỉ chọn phân khúc họ không làm. Và cái khác của tôi là làm ra những sản phẩm an toàn và xây dựng giá trị cho thương hiệu Việt Nam nên không cần đi nhanh và không chạy theo thương mại. Hiện Việt Nam đã mở cửa, người tiêu dùng cũng ý thức hơn về sức khỏe nên các DN trong nước muốn phát triển bền vững thì phải xây dựng thương hiệu uy tín ngay từ khi mới ra đời.
Thực tế, các thương hiệu nước ngoài cũng sử dụng nguyên liệu của Việt Nam nhưng khi sản phẩm mang logo và thương hiệu của họ thì giá bán được đẩy lên. Vì vậy, tôi muốn đưa giá sản phẩm trở lại giá trị thật của nó, đồng thời mong muốn bảo hộ cho những làng nghề truyền thống của Việt Nam có cơ hội phát triển.
Hiện nay, nhiều làng nghề nước mắm truyền thống đang có nguy cơ bị thu hẹp do người tiêu dùng chê nước mắm truyền thống mặn, hôi và chuyển sang sử dụng nước mắm công nghiệp. Thật ra, họ đang chọn sản phẩm ngon miệng chứ không hề biết nước mắm công nghiệp ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, do vậy tôi vẫn chọn công nghệ làm nước mắm từ nguyên liệu cá cơm và ủ truyền thống.
Hiện tôi có 6.000m2 nhà xưởng ở Phú Quốc để ủ nước mắm truyền thống, còn nước tương thì làm từ đậu nành ủ chứ không thủy phân. Để khuyến khích nông dân trồng ớt, tôi cam kết bao tiêu toàn bộ ớt thu hoạch để làm tương ớt... Chiến lược của tôi là bán sản phẩm tốt, sạch cho người có thu nhập thấp, và khi người dùng phân khúc cao cảm nhận được sản phẩm tốt, giá rẻ, bao bì đẹp thì họ sẽ mua.
* Mười năm gắn tên tuổi và hình ảnh với hạt nêm Knorr nhưng lại quyết định chuyển sang làm việc cho Nestlé, lúc đó ông có thấy ngại? Giả sử nếu nhân viên của ông bây giờ cũng sang làm cho công ty đối thủ, ông có buồn không?
- Du học ngành thực phẩm ở Mỹ, trở về Việt Nam đúng lúc Công ty Best Food đang tuyển vị trí đại diện cho Công ty tại Việt Nam với yêu cầu hiểu văn hóa Việt, khẩu vị người Việt nên tôi trở thành ứng viên sáng giá và được tuyển dụng.
Dựa trên công nghệ của Tập đoàn và là chuyên gia ẩm thực của Knorr, tôi đã nghiên cứu và biến thể sản phẩm theo công thức địa phương, vì vậy, hình ảnh của tôi cũng được gắn trên các banner quảng cáo sản phẩm và "Đạt Knorr" là tên gọi chị em tiểu thương gán cho tôi. Khi Best Food bán lại cho Unilever, tôi tiếp tục được làm Trưởng phòng Tiếp thị thương mại, đại diện thương hiệu Knorr tại Việt Nam.
Đầu năm 2002, Nestlé vào Việt Nam và mời tôi về làm đại diện cho thương hiệu Maggi. Thật ra, để chuyển sang công ty cùng lĩnh vực là rất khó. Tuy nhiên, 10 năm ở Unilever, công việc của tôi cũng bắt đầu bão hòa, phát triển đều đều, không còn cơ hội nâng tầm bản thân và khám phá thách thức mới.
Trong khi đó, Nestlé là một tập đoàn dinh dưỡng về sức khỏe lấn sân sang lĩnh vực dinh dưỡng, tôi có nhiều cơ hội để nâng cao kiến thức và tạo thêm giá trị khác biệt so với công việc đang làm.
Từ thực tế của bản thân, tôi thấy nếu nhân viên muốn thay đổi theo hướng tích cực, dám đón nhận thách thức mới để phát triển chứ không phải là người đứng núi này trông núi nọ thì tôi ủng hộ. Và lời khuyên của tôi: "Nếu sự thay đổi giúp bạn tạo ra giá trị cho chính mình thì đừng ngại thay đổi. Trong mỗi người đều tiềm tàng ý muốn thay đổi để tốt hơn nhưng dám thay đổi hay không mới là điều đáng nói".
* Làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia, ông đã học được điều gì để ứng dụng khi làm chủ công ty?
- Văn hóa làm việc ở các công ty châu Âu và Mỹ rất rõ ràng, cụ thể, nếu bạn mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty thì lương, thưởng cao, giá trị bạn mang lại cho công ty càng lớn thì quyền lợi càng lớn. Riêng các công ty Thụy Sỹ còn chú ý đến con người nhiều hơn và không chăm chăm vào mục tiêu thương mại trước mắt.
Họ chú trọng đào tạo, dẫn dắt đến một chuẩn mực sống cao hơn và sẵn sàng chia sẻ giá trị để mọi nhân viên cùng tỏa sáng và phát triển. Chính điều này đã mở ra một trang mới cho cuộc đời tôi, giúp tôi định hình hướng đi mới. Và tôi đã trộn lẫn hai yếu tố này để tạo ra văn hóa cho DN của mình, chính điều này đã khiến nhân viên và các cộng sự gắn kết với Công ty và phát huy năng lực.
Khi làm việc ở công ty nước ngoài, tôi còn được đào tạo bài bản và học được nhiều kiến thức chuyên sâu về quản lý và phát triển dự án, nghiên cứu sản phẩm, tiếp thị thương mại và cách làm thương hiệu, truyền thông... nên có nhiều ứng dụng hiệu quả trong việc ra mắt thương hiệu mới.
* "Ông Bếp" là thương hiệu thứ hai ông gầy dựng sau thương hiệu Gold Food không thành công, ông nhận ra sai lầm gì từ thất bại này?
- Thất bại lớn nhất của tôi là chọn nhầm đối tác và cái giá đắt nhất tôi phải trả cho thất bại này chính là công sức, thời gian. Lần đầu mở công ty, do không có nhiều vốn nên tôi phải tìm nhà đầu tư góp vốn và tôi đã dốc hết tâm huyết, dành rất nhiều thời gian, công sức để xây dựng thương hiệu Gold Food.
Song, do nhà đầu tư chỉ muốn làm thương mại chứ không muốn làm thương hiệu bền lâu nên chúng tôi chia tay. Tuy nhiên, thương hiệu Gold Food do đối tác đăng ký nên tôi không sử dụng được và phải ra thương hiệu "Ông Bếp". Sau thất bại ấy, tôi rút ra, khi chọn đối tác phải tìm hiểu kỹ, tất cả mọi việc đều phải "giấy trắng mực đen", không nên chỉ tin vào lời hứa.
Cũng sau thất bại của Gold Food tôi mới ngộ ra bài học về con người và nỗi đau lớn nhất của tôi là mất niềm tin vào con người. Có những nhân viên tôi từng cưu mang, nhận họ vào làm việc khi họ gặp khó khăn, coi họ là đồng sự, gắn kết, không khoảng cách, không đề phòng, tính toán thì chính họ lại là người phản lại mình.
* Từng làm bếp trưởng hệ thống cụm nhà hàng Paris Deli, khách sạn Equatorial, đoạt huy chương vàng và huy chương đồng trong kỳ thi nấu ăn dành cho các bếp trưởng và trải qua 17 năm trong lĩnh vực nấu bếp chuyên nghiệp cũng như từng phát biểu "Càng tìm hiểu nghệ thuật bếp núc càng thấy thú vị”, vậy tại sao ông không "theo nghề” để giải đáp câu hỏi ông luôn đau đáu: "Tại sao chúng ta có nền ẩm thực phong phú nhưng bạn bè năm châu lại chưa biết được thế mạnh này?"?
- Nấu ăn là một nghệ thuật và trải qua quá trình nấu, tôi đâm mê gia vị phụ gia. Sau chuyến đi giao lưu về văn hóa ẩm thực tại Đông Nam Á và tham gia cuộc thi nấu ăn tại Ấn Độ, thấy người ta rất yêu thích các món ăn Việt Nam, đặc biệt họ rất thích thú khi thưởng thức nước mắm truyền thống cùng hương thơm tinh tế của các loại rau thơm tươi xanh của Việt Nam, tôi càng thêm tự hào.
Khi ngồi trên máy bay trở về nước, tôi đặt cho mình câu hỏi: Tại sao chúng ta không mạnh dạn giới thiệu nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam cho bạn bè năm châu? Tại sao chúng ta không cùng ngồi lại và đóng góp để xây dựng và tôn lên giá trị đích thực của món ăn Việt?
Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ sẵn sàng học hỏi, tìm hiểu thêm để có thể tạo ra những món ăn Việt Nam mà đi tới đâu trên thế giới cũng được ưa thích và ca ngợi. Thế nhưng, mong ước thì nhiều nhưng một cánh én không thể làm nên mùa Xuân nên tôi chỉ có thể làm những gì trong khả năng.
Tuy nhiên, giữa công việc của một đầu bếp với ngành gia vị vẫn có một sợi dây liên kết. Mỗi sản phẩm gia vị của tôi như nước mắm, nước tương, tương ớt, dầu hào, hạt nêm... đều gắn kết với các món ăn Việt nên hiện nay trên website của Công ty tôi đều có những đoạn phim và bài viết hướng dẫn làm các loại nước chấm và chế biến món ăn ngon để giúp mang lại những bữa ăn ngon cho gia đình. Thế là vui lắm rồi.
* Cảm ơn ông về những thông tin cởi mở. Nhân dịp năm mới, chúc "Ông Bếp" gặt hái được nhiều thành công.
Theo DNSG
Sự khác biệt giữa tỷ phú và người thường