Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết, chương trình triển khai nhằm lựa chọn người nộp thuế (NNT) được đánh giá tuân thủ tốt pháp luật thuế để thực hiện ưu tiên giải quyết hoàn thuế nhanh cho NNT (ưu tiên giải quyết trước hồ sơ hoàn; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ hoàn). Theo đó, NNT được lựa chọn tham gia chương trình sẽ được ưu tiên giải quyết nhanh các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế; ưu tiên các hoạt động tuyên truyền hỗ trợ NNT; giảm tần suất thanh kiểm tra; giảm mức tổng điểm rủi ro; hỗ trợ cảnh báo sớm nguy cơ rủi ro... Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhấn mạnh, ngoài việc đẩy nhanh công tác hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp, giảm tải áp lực cho cơ quan thuế, thì việc triển khai chương trình hỗ trợ NNT tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế cũng là phương thức truyền thông hữu hiệu để đẩy mạnh tính tự giác trong tuân thủ pháp luật thuế của NNT.
Những điều kiện cơ bản mà NNT hưởng các ưu tiên và hỗ trợ từ cơ quan thuế gồm: ưu tiên hoàn thuế trước; ưu tiên giải quyết hồ sơ hoàn; ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính về thuế; ưu tiên trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế; ưu tiên trong các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ NNT. Tại cuộc họp, tập thể lãnh đạo Tổng cục Thuế đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi về chương trình và đề xuất ngoài các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu được xem xét tự động kê khai, tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp cho cơ quan thuế thì cũng cần xem xét đối tượng doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư. Theo đó, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai chương trình phải tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ. Thứ nhất, Ban Quản lý rủi ro phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tăng cường số hóa, hiện đại hóa trong công tác xác minh doanh nghiệp có tính tuân thủ pháp luật cao. Thứ hai, Vụ Kê khai và Kế toán thuế phối hợp với Cục Thanh tra - Kiểm tra hỗ trợ phân tích tiêu chí chọn lọc doanh nghiệp để đẩy nhanh hoàn thuế. Thứ ba, duy trì cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trung thực, tự động kê khai, tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp cho cơ quan thuế. Thứ tư, xây dựng trang thông tin công khai doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, buôn bán hóa đơn bị pháp luật xử lý giúp doanh nghiệp chủ động tra cứu. Thứ năm, cá nhân hóa, cá thể hóa người phụ trách trong cơ quan thuế tương tác với doanh nghiệp trong việc triển khai chương trình./. |