Tự hào về truyền thống quý báu,àiCốtcáchkinhkỳtrongkhônggianđángsốtỷ lệ kèo nhà cá bao thế hệ người dân Hà Nội đã chung tay tạo dựng nên những không gian đáng sống. Đó là nơi cố kết, lan tỏa các hệ giá trị chuẩn mực văn hóa, con người, như những viên ngọc quý càng mài, càng sáng ngay giữa Thủ đô.
Trong ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội, những giá trị văn hóa cộng đồng từ xa xưa chính là sợi dây kết nối bền bỉ, là mạch ngầm tạo nên nền tảng, bản sắc văn hóa ít vùng đất nào có được.
Nhiều năm qua, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được xác định là nội dung trọng tâm trong các Chương trình văn hóa lớn được Thủ đô triển khai quyết liệt, trên diện rộng.
Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đã tiếp tục khẳng định: “Lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực…”.
Cách trung tâm Hà Nội chừng 20 cây số, sự “thay da đổi thịt”, phát triển kinh tế của xã ven đô Hải Bối (huyện Đông Anh) có lẽ không khiến những vị khách như chúng tôi ngỡ ngàng bằng việc được tận mắt chứng kiến đời sống văn hóa tinh thần sôi động, với không gian hội tụ các giá trị văn hóa mà người dân chân chất, mộc mạc nơi đây “khoe” là những không gian đáng sống.
Đưa chúng tôi đến Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn Khu dân cư Thăng Long - mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại Hải Bối, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối Trịnh Minh Huân hào ứng giới thiệu thiết chế Thư viện thôn, được bài trí ngăn nắp trong căn phòng vài chục mét vuông, với hàng trăm đầu sách giá trị. Thư viện luôn đông người vào ra, là điểm nhấn trong Nhà văn hóa.
“Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn Khu Dân cư Thăng Long dành riêng một không gian để làm Thư viện. Đây là điểm đến cuốn hút đặc biệt, từ bậc cao niên lão làng đến lớp trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh…, mỗi ngày đều đến thư viện để đọc sách, tìm hiểu các chủ trương chính sách, kiến thức khoa học, giải trí”, ông Huân chia sẻ.
Giữa khu dân cư đông đúc, bao quanh là những ngôi nhà tập thể tuổi đời nhiều thập kỷ, Nhà văn hóa kiểu mẫu như một chỉ dấu của niềm tự hào, là mái nhà chung của người dân Hải Bối.
Trưởng thôn Nguyễn Hữu Thoại “khoe”: “Nếu nhà tập thể cũ là chứng nhân lưu giữ ký ức xưa thì nhà văn hóa kiểu mẫu là công trình hiện đại, được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa và sự chung tay của người dân, với mong muốn hình thành nên không gian đáng sống, nơi hội tụ những giá trị văn hóa tốt đẹp”.
Trong bóng nắng đổ dài, Nhà văn hóa tấp nập người vào ra. Dáng người nhỏ bé, nét mặt đôn hậu và mái đầu nhuốm dấu thời gian, ông Lê Thanh Hàn (79 tuổi) cười nói, vài năm trước, một cơ ngơi nhà văn hóa hiện đại thế này ở Hải Bối có lẽ chỉ là giấc mơ. Từ khi thiết chế hoạt động, ngày nào ông cũng tới, khi đọc sách, lúc tập thể thao, khi hàn huyên trao đổi với mọi người.
Với ông Hàn, Hải Bối là quê hương thứ hai, nơi gắn bó từ năm 1973 đến nay. Nhiều năm tham gia các đoàn thể ở khu dân cư, ông luôn trăn trở việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Hải Bối có nhiều hình thức thực hiện chủ trương của thành phố về xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, trong đó, sự ra đời của Nhà văn hóa kiểu mẫu tại Khu dân cư Thăng Long là một điểm nhấn.
Một phụ nữ luống tuổi ghé chuyện: “Từ khi cơ ngơi Nhà văn hóa hình thành, hoạt động, người dân ở đây thực sự cảm thấy hạnh phúc. Chúng tôi sẵn sàng chung tay để vun đắp những giá trị tốt đẹp, duy trì không gian đáng sống này”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối Trịnh Minh Huân cho biết thêm, Hải Bối luôn xác định đầu tư cho văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn Khu dân cư Thăng Long có diện tích 1.700m2, với các hạng mục khu thể thao, sân tập đủ trang thiết bị, hội trường 150 chỗ ngồi; phòng thư viện với hơn 300 đầu sách, vườn hoa…
“Trong lời tựa cuốn sách Địa chí Đông Anh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đông Anh là một vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt, luôn được chọn làm “điểm tựa” cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô và đất nước, một địa bàn đã trở thành biểu tượng, hằng số của lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Đó chính là niềm tự hào, là hệ giá trị vĩnh cửu của văn hóa, con người Đông Anh, hòa chung vào dòng chảy văn hóa Thăng Long- Hà Nội. Sách Địa chí Đông Anh tại Thư viện thôn vì thế mỗi ngày đều có nhiều người tìm đọc. Bản sắc, nền tảng truyền thống chính là những giá trị hun đúc tự hào, tạo lá chắn đẩy lùi tiêu cực”, Phó Chủ tịch Trịnh Minh Huân cho biết.
Hơn 60 năm gắn bó, với ông Hoàng Hữu Hùng (78 tuổi), Hải Bối cũng chính là địa danh máu thịt trong cuộc đời. Chứng kiến đổi thay của vùng đất, ông Hùng tâm niệm, dẫu cuộc sống mưu sinh còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống văn hóa tinh thần nơi đây vẫn luôn là niềm tự hào.
Cốt cách vùng đất kinh kỳ- Kẻ Chợ trải qua muôn vàn biến thiên thời cuộc vẫn bền bỉ và kiêu hãnh, như một lời nhắc nhở mỗi người dân đã và đang sống, gắn bó với Thủ đô luôn gìn giữ hệ giá trị chuẩn mực, như một cách để đóng góp vào công cuộc xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
“Ngày trước, nhà văn hóa thôn chỉ mở cửa khi có hội họp thì nay đã được mở cửa thường xuyên. Người dân ai cũng có chỗ vui chơi giải trí, đọc sách, luyện tập thể thao… Những hoạt động thiết thực này góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân”, ông Hoàng Hữu Hùng bộc bạch.
Chia sẻ “bí quyết” xây dựng nếp sống văn hóa tại một địa bàn còn có nhiều khó khăn, trưởng thôn Nguyễn Hữu Thoại “bật mí”: “Tất cả xuất phát từ mạch nguồn, chiều sâu văn hóa Hà Nội”. Việc ra đời mô hình văn hóa kiểu mẫu có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hệ thống thiết chế văn hóa khang trang, hoạt động đa dạng đang thu hút đông đảo người dân tìm đến.
“Đời sống ngày càng được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng trở nên phong phú, vun đắp những giá trị truyền thống, chuẩn mực. Nhà văn hóa kiểu mẫu không chỉ tô đắp cho không gian đáng sống mà còn mang đến luồng sinh khí mới, tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng để lan tỏa, bồi đắp những hệ giá trị tốt đẹp”, trưởng thôn Nguyễn Hữu Thoại cho hay.
Ông Đỗ Văn Vũ, Bí thư Chi bộ Khu dân cư Thăng Long cho biết thêm: “Thực hiện Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chi bộ thôn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, xây dựng quy chế làm việc, khai thác công năng Nhà văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là những giá trị văn hóa bản sắc Hà Nội”.
Bí thư Chi bộ thôn bộc bạch, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là cả một quá trình, có phát huy, có thay đổi nhưng cốt cách mãi vững bền chính là hệ giá trị về văn hóa, con người Hà Nội.
“Việc tuyên truyền xây dựng, mài giũa những hệ giá trị được triển khai qua từng việc làm cụ thể, như lối sống, sinh hoạt trong gia đình và cộng đồng, giao tiếp, ứng xử hay bảo vệ môi trường,...”, Bí thư Đỗ Văn Vũ nhấn mạnh.
Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, Bí thư Đảng ủy xã Hải Bối Nguyễn Thế Hưng cho biết, đầu tư văn hóa, con người luôn là vấn đề trọng tâm tại địa phương. Năm 2024, Nhà văn hóa thôn Khu dân cư Thăng Long tại xã Hải Bối là một trong những mô hình kiểu mẫu của Thành phố nhằm phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm, đầu tư cho những không gian văn hóa lý tưởng, tạo điểm đến tự hào cho mỗi người dân...”, Bí thư Nguyễn Thế Hưng nói.
Trong không gian Nhà văn hóa thôn Cổ Điển, Bí thư xã chỉ tay về phía ven đê sông Hồng: “Hiện đã có phương án để xây dựng vườn hoa ở đây, kết nối không gian Nhà văn hóa thôn Cổ Điển và hình thành các tủ sách ngoài trời phục vụ người dân, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn. Những mô hình điểm sẽ phát huy những hệ giá trị văn hóa tốt đẹp, đẩy lùi tệ nạn, tiêu cực”.
Đến với nơi khởi đầu của mô hình “Tổ dân phố 5 không” tại quận Thanh Xuân, ngay từ những bước chân đầu tiên, chúng tôi đã cảm nhận được bầu không khí nghĩa tình, gắn kết, ứng xử văn hóa và chuẩn mực của cộng đồng cư dân nơi này. Những người bà, người mẹ vừa cùng nhau dọn dẹp đường phố, vừa chia sẻ câu chuyện dưới mỗi nếp nhà.
Khung cảnh tưởng như giản dị ấy không còn nhiều giữa guồng quay gấp gáp của cuộc sống mới. TS. Nguyễn Viết Chức (nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội) nói: “Ai ai cũng ứng xử thanh lịch, văn minh sẽ làm cho xã hội đáng sống. Đáng sống bởi con người ứng xử có chuẩn mực, yêu thương nhau, dù khó khăn hay giàu có, đầy đủ cũng phải yêu thương nhau”.
Phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) từ đầu năm 2019 đã tiên phong xây dựng mô hình “Tổ dân phố 5 không”. Không chỉ tạo chuyển biến rõ nét, gắn với các tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà hơn thế, mô hình đã tạo nên những ấn tượng đẹp. Lãnh đạo Thành phố ngày ấy đã chỉ đạo cần sớm nhân rộng mô hình này. Hạt nhân đi đầu của phong trào là cộng đồng cư dân Tổ Dân phố 17, nơi được xem là điển hình mẫu mực trong xây dựng, phát huy hiệu quả tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng.
Bí thư Chi bộ Tổ Dân phố 17 (Phường Khương Mai) Phạm Văn Lại cho biết, thời điểm bắt đầu xây dựng mô hình “Tổ dân phố văn hóa 5 không”, chính quyền và nhân dân địa phương đều mong mỏi sẽ hình thành nên không gian sống đẹp đẽ, nơi có những con người luôn gắn kết, nghĩa tình, ứng xử mẫu mực.
Tiêu chí “5 không” những ngày đầu tiên đó gồm: không có rác thải; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng; không phát sinh mới về tệ nạn xã hội; không còn hộ nghèo.“Thời điểm đó, “5 không” của chúng tôi là những điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, được người dân nhiệt tình hưởng ứng”, ông Lại chia sẻ.
Bí thư chi bộ bày tỏ, bà con tại đây là người dân từ nhiều nơi đến, hành trang mang theo là bản sắc, phong tục nhiều vùng miền, vậy nhưng “hệ số chung” mà tất cả đều tìm thấy trong không gian sống này chính là hệ giá trị mang tên “Người Hà Nội”.
“Nét thanh lịch, văn minh dẫu có những xê dịch nhưng luôn giữ được căn cốt, là sợi dây nối kết cộng đồng, là lời nhắc nhở mỗi người sống và ứng xử sao cho chuẩn mực”, ông Lại cho hay.
Mô hình “5 không” sau một thời gian triển khai đã được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn. Đến nay, người dân trên địa bàn Tổ Dân phố 17 tập trung xây dựng một không gian sống: Không rác, Không vi phạm pháp luật, Không để xảy ra cháy nổ; Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; Không vi phạm trật tự xây dựng.
“Có nhiều cách để người dân cùng nhau vun đắp những giá trị sống tốt đẹp. Với chúng tôi, một không gian xanh, sạch, với nếp sống văn minh, đầy ắp nghĩa tình… là những giá trị mà có tiền cũng không mua được.
Bởi thế, không chỉ vào dịp cuối tuần mà hằng ngày, thậm chí hằng giờ, người dân cùng nhau dọn dẹp môi trường, cảnh quan. Người già, trung niên bảo ban con cháu nâng cao ý thức, hình thành nếp ứng xử văn minh, lành mạnh…”, bà Nguyễn Thị Lành (Trưởng ngõ 13/21, Tổ dân phố 17) chia sẻ.
“Bí quyết” gìn giữ “nếp nhà”, như cách ví von của Bí thư chi bộ Tổ dân phố 17, chính là việc mọi người dân đều xem không gian sống là “mái nhà chung” mà ai cũng cần có trách nhiệm chung tay sang sửa, vén vun. Bước sang năm thứ 7, mô hình “Tổ dân phố 5 không” nay đã trở thành “thương hiệu” tự hào của người dân Tổ dân phố 17, được lãnh đạo Thành phố, quận, phường ghi nhận.
“Tổ dân phố hiện có 210 nóc nhà, với 1.200 nhân khẩu đang sinh sống, ngoài ra có một số hộ gia đình cho thuê. Đáng mừng là 100% các hộ gia đình hằng năm đều giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa. Đây là nền tảng để danh hiệu Tổ Dân phố văn hóa được duy trì hiệu quả”, Bí thư Phạm Văn Lại bộc bạch.
Không ngẫu nhiên khi Tổ Dân phố 17 luôn được chính quyền địa phương xem là địa chỉ điểm sáng về xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người. Với người dân ở đây, được đón những đoàn khách đến học hỏi, nhân rộng mô hình điểm là điều hạnh phúc, dù bình dị nhưng không dễ dàng tìm kiếm.
Bí thư chi bộ Phạm Văn Lại tâm tư, trong dòng chảy không ngừng, những tiêu chí trong xây dựng nếp sống văn hóa cũng cần thay đổi, mở rộng để phù hợp với bối cảnh mới, đảm bảo sự lan tỏa và phát triển bền vững.
Chẳng hạn, tiêu chí “Không để xảy ra cháy nổ” từ lâu đã được Tổ Dân phố xác định là một nội dung quan trọng, liên quan đến cuộc sống và sự an toàn của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, thực chất tiêu chí này, mô hình tổ liên gia đã được tổ chức, vận động mỗi hộ gia đình đều có một bình cứu hỏa trở lên.
“Xác định cháy nổ có thể xảy ra bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, Tổ dân phố thường xuyên vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống. Mô hình cựu chiến binh vận động tháo dỡ chuồng cọp thời gian qua đã phát huy hiệu quả, khi vấn nạn cháy nổ ngày càng trở thành điểm nóng trên địa bàn. Hiện nay đã không còn gia đình trong Tổ Dân phố có chuồng cọp, nếu còn thì cũng đã có lối thoát hiểm…”, ông Nguyễn Đức Châu , Tổ trưởng Tổ Dân phố 17 cho hay.
Chúng tôi rời không gian đáng sống ở Tổ 17 khi đã chiều tà. Trước mắt vẫn là quang cảnh người dân hồ hởi dọn dẹp môi trường, những đội văn nghệ, bóng bàn, cầu lông… sôi nổi hoạt động.
Bí thư chi bộ Phạm Văn Lại bày tỏ: “Gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa chuẩn mực tại không gian đáng sống này không chỉ là trách nhiệm, mà còn là điều may mắn với mỗi người dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh thời luôn nhấn mạnh: “Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Thông điệp ấy chính là niềm tin, là động lực, đặc biệt càng có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng Người Hà Nội văn minh, thanh lịch”.