Bà Nguyễn Thị Cúc. |
Chính phủ mới ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Bà đánh giá như thế nào về nội dung Nghị định này trong bối cảnh hiện nay?
Năm 2020, để xử lý các khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP để giảm, giãn và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Số tiền gia hạn và số doanh nghiệp được hưởng chính sách này là tương đối lớn. Đây là những ưu đãi về thuế rất hữu ích đối với doanh nghiệp.
Bước sang năm 2021, dù tưởng như dịch bệnh Covid-19 đã được khoanh vùng nhưng ngay từ những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh lại bùng phát trở lại tại Hải Dương và 12 tỉnh, thành khác. Đến thời điểm này, dịch bệnh thêm một lần nữa làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lại tiếp tục khó khăn.
Theo Nghị định số 52, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế là 115.000 tỷ đồng. Nghĩa là tổng số thu ngân sách nhà nước trong các tháng được gia hạn giảm tương ứng 115.000 tỷ đồng.
Như vậy, doanh nghiệp thêm một lần nữa được Nhà nước hỗ trợ, có thể sử dụng số tiền thuế lẽ ra phải nộp để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
So với Nghị định số 41/2020/NĐ-CP cũng quy định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế trong năm 2020, một số quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP đã được thay đổi. Bà đánh giá như thế nào về thay đổi này?
Tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, thời gian gia hạn đã chi tiết hơn, cụ thể hơn và phù hợp với từng thời điểm của từng loại thuế với nguyên tắc là dù gia hạn nhưng niên độ ngân sách của năm 2021 và niên khóa tài chính là không qua năm đó, cho nên tất cả các khoản gia hạn chậm nhất là ngày 31/12/2021 doanh nghiệp phải thực hiện nộp lại cho ngân sách nhà nước.
Đơn cử như với thuế giá trị gia tăng, tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, sắc thuế này chỉ được quy định chung là gia hạn 5 tháng, nếu quá 5 tháng thì những tháng tiếp theo sẽ không được gia hạn. Nhưng với Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, thời gian gia hạn đã được quy định linh hoạt hơn.
Ví dụ như từ tháng 3 cho đến tháng 6, thời gian kê khai thuế gia trị gia tăng là ngày 20 của tháng tiếp theo. Thời điểm này doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ xin gia hạn thuế. Lúc này, việc gia hạn sẽ được thực hiện linh hoạt với thời hạn gia hạn dài nhất là 5 tháng để hạn cuối cùng là 31/12/2021.
Nếu doanh nghiệp kê khai và nộp hồ sơ gia hạn thuế giá trị gia tăng từ tháng 7 thì lúc này thời gian gia hạn thuế lại cho phép là 4 tháng. Nếu như kê khai vào tháng 8 thì thời gian gia hạn thuế lại là 3 tháng...sao cho thời hạn cuối cùng vẫn là 31/12/2021.
Còn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thời hạn gia hạn lần này cũng khác một chút. Đó là cho gia hạn với thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1 và quý 2/2021 là 3 tháng. Riêng đối với tiền thuê đất thì vẫn được gia hạn thêm là 6 tháng.
Thực tế cho thấy vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp thờ ơ với việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Theo bà, cơ quan Thuế cần phải làm những gì để doanh nghiệp, người dân biết và không bỏ qua quyền lợi của mình?
Để cho doanh nghiệp biết, chủ động thực hiện gia hạn, Nghị định này quy định rất rõ các thủ tục gia hạn, rất thuận lợi. Nhưng chúng tôi cho rằng vừa rồi với Nghị định số 41/2020/NĐ-CP vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp không biết để thực hiện gia hạn.
Vì vậy, yêu cầu lần này các cơ quan Thuế không chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng mà cơ quan Thuế nên gửi email đến các doanh nghiệp để nếu họ có đủ điều kiện để gia hạn thì họ sẽ nộp hồ sơ.
Có như vậy các chính sách của Chính phủ sẽ thực sự đi vào cuộc sống, tránh tình trạng chính sách thì có nhưng một số doanh nghiệp không biết hoặc biết qua rồi mất đi quyền lợi của mình.
Xin cảm ơn bà!