Đã tận dụng tốt cơ hội từ FTA
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2017 ước đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ 2016. Có nhiều điểm nhấn về kết quả xuất khẩu trong 7 tháng qua, như: Mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 18,7% trong khi cùng kỳ năm 2016 mức tăng 5,5%. Có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Tổng kim ngạch của các mặt hàng này chiếm tới 85,5% tổng kim ngạch XNK. Bên cạnh đó, các DN trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể đạt 32,2%, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu vào các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng tăng cao cho thấy các DN của ta đã tận dụng tốt cơ hội do các FTA mang lại.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nhiều mặt hàng XK truyền thống có tín hiệu tăng trưởng tích cực. Chẳng hạn, mặt hàng thủy sản xuất khẩu vào các thị trường chính đều gia tăng, cả năm kim ngạch dự kiến sẽ đạt khoảng 7,4 tỷ USD. Tuy nhiên, mặt hàng cá da trơn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đang gặp khó khăn lớn do những rào cản kỹ thuật mà nước này đặt ra, như: Chương trình giám sát cá da trơn sẽ được áp dụng chính thức từ ngày 2/8/2017 thay vì ngày 1/9/2017. Nguyên nhân là do trong các tháng đầu năm FDIS tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên và đã phát hiện 250.000kg cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ không đáp ứng được yêu cầu về ATTP.
Đối với mặt hàng hạt điều xuất khẩu, xu hướng thị trường ổn định không có sự biến động lớn, các thị trường chính của Việt Nam đều sẽ có tăng trưởng dương về xuất khẩu. Đáng chú ý là các thị trường Việt Nam đã ký FTA và được hưởng ưu đãi về thuế quan mặc dù kim ngạch chưa lớn nhưng đang có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể như Liên bang Nga đạt 23,5 triệu USD, tăng 69,5%; Ấn Độ đạt 17,3 triệu USD, tăng trên 29%; New Zealand đạt 11,8 triệu USD, tăng trên 32%. Nhu cầu toàn cầu hạt điều 2917-2018 khoảng 800.000 tấn. Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu nhân điều đứng đầu thế giới. Vấn đề khó khăn của ngành điều Việt Nam chính là thiếu nguyên liệu.
Nổi lên trong những tháng qua là XK rau quả đạt kết quả khả quan, với kim ngạch XK trong 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2.029 triệu USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (chiếm tỷ trọng 84%) và đều đạt mức tăng trưởng cao. Cụ thể, XK sang Trung Quốc đạt 1,25 tỷ USD, tăng 53,5%; Hoa Kỳ đạt 53,6 triệu USD, tăng 28,6%; Nhật Bản đạt 56,5 triệu USD, tăng 61,6%; Hàn Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng trên 12%... Bên cạnh đó, một số thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Hồng Kông (103%), các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (tăng 82%), Nga (tăng 55%), Pháp (38%), Đài Loan (19%)...
Xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm 2017 cũng đạt trên 3,4 triệu tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2016, trị giá đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 16,5%. Trong vòng 2 tháng gần đây, xuất khẩu gạo có chuyển biến tích cực nên giá lúa, gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng và giữ ổn định ở mức có lợi cho người sản xuất, đặc biệt là gạo nguyên liệu và các loại gạo thành phẩm. Giá gạo thành phẩm ngày 20/7 đã tăng khoảng 900-1.100 đồng/kg so với thời điểm ngày 25/5. Bộ Lương thực Bangladesh đã thông báo đấu thầu nhập khẩu 50.000 tấn gạo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đặt mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2017 đạt khoảng 5,7 triệu tấn, tăng 800.000 tấn so với năm 2016.
Với thực tế trên, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Nhập khẩu năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, thị trường xuất khẩu năm 2017 và năm 2018 sẽ tiếp tục đạt được xu hướng tăng trưởng.
Nâng giá trị gia tăng
Mặc dù XK có nhiều khởi sắc, nhưng hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn, cần thay đổi để phát triển. Các DN cần phải thay đổi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đi vào giá trị gia tăng, nâng tầm thương hiệu.
Ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, các sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng cao rất được các khách hàng tại Nhật Bản ưa chuộng. Bằng chứng là trong năm 2016, hệ thống Aeon tại Nhật Bản đã tiêu thụ được 1.500 tấn cá tra Việt Nam, thu về 9 triệu USD. Cùng với đó, trái xoài của Việt Nam cũng đã được bày bán tại các cửa hàng Aeon tại Nhật Bản và rất được khách hàng ưa thích. Tính chung cả năm 2016, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật qua hệ thống Aeon đã đạt 200 triệu USD, trong đó hàng may mặc chiếm 69%, thực phẩm 20% và đồ gia dụng là 11%. Tỷ trọng hàng thực phẩm tươi sống của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật còn thấp do giữa hai nước đang có những quy định hạn chế việc nhập khẩu sản phẩm tươi sống.
Ông Yuichino Shiotani, Tổng giám đốc Top Valu Japan, cho biết chỉ tính riêng mặt hàng may mặc và đồ dùng gia đình, năm 2016 Nhật Bản nhập khẩu hơn 600 triệu Yên, với hơn 687 DN cung ứng. Riêng Việt Nam mới chỉ có khoảng 50 DN cung ứng, với kim ngạch xuất khẩu vào Nhật đạt khoảng 28,4 triệu Yên. Để tăng cường chất lượng hàng xuất khẩu, ông Yuichino Shiotani cho rằng, các DN không nên chạy theo các sản phẩm đại trà trên thị trường mà cần có sự khác biệt. Không nên chạy theo số lượng lớn đơn hàng mà cần tập trung vào chất lượng, vì nếu sản phẩm làm ra một cách dễ dàng sẽ không có giá trị cao.
Từ những đòi hỏi từ thực tế, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần một cuộc kiến tạo "làn sóng" xuất khẩu lần 2, với những sản phẩm khác biệt, có chất lượng. Đặc biệt cần có sự thay đổi trong sản xuất để giảm thiểu tỷ lệ tổn thất trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Với từng quốc gia, DN cần tìm hiểu kỹ các luật lệ, chú trọng các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh mới có thể thuyết phục được các đối tác.
Về phía Chính phủ, để có thể hỗ trợ tốt hơn cho DN, các chuyên gia cho rằng cần tập trung thực hiện tốt cải cách môi trường kinh doanh để các DN yên tâm đầu tư vào Việt Nam; tăng khả năng tiếp cận của DN đối với kỹ năng, nhân tài và nhà khoa học. Cần phổ biến tất cả các nghiên cứu có nguồn vốn từ ngân sách, công khai để sử dụng, đánh giá, trao đổi giữa nhà khoa học, quản lý, DN, người dân, người tài…