Báo cáo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) cho biết đã có phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DN này.
Hàng ‘hot’ BSR và Đạm Cà Mau
Trong 3 DN thuộc PVN sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa từ nay đến cuối năm 2015, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất được chú ý nhiều nhất. Nhà máy này có tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày.
Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã có đề xuất mua 49% cổ phần của BSR. Tuy nhiên theo đề án tái cơ cấu thì PVN sẽ chỉ bán 25% cổ phần của BSR ra bên ngoài.
PVN cho biết hiện đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang tiếp tục đàm phán với Gazprom Nelf để chuyển BSR thành Công ty TNHH 2TV theo Thỏa thuận Khung đã ký, đồng thời yêu cầu BSR chủ động thực hiện các công tác chuẩn bị để cổ phần hóa Công ty ngay trong trường hợp đàm phán với Gazprom Nelf thành công.
Doanh nghiệp tiếp theo được chú ý không kém là Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), PVN cho biết đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc, đã phê duyệt kế hoạch và tiến độ cổ phần hóa chi tiết, dự kiến hoàn thành xác định giá trị DN và phê duyệt Phương án cổ phần hóa trong quý III/2014, bán cổ phần lần đầu ra công chúng và hoàn thành cổ phần hóa trong quý IV/2014.
Trong chuyến thăm Cụm khí- điện- đạm Cà Mau cuối tháng 7 vừa qua, trước các kiến nghị của PVCFC về giá khí nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc điều chỉnh giá khí phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Công ty cần đặt ra lộ trình sản xuất để thích ứng với thay đổi của giá vật tư đầu vào, giải quyết tốt quyền lợi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Khi cổ phần hóa, bước đầu Nhà nước có thể nắm cổ phần chi phối, sau đó sẽ giảm dần tỷ trọng này”, Phó Thủ tướng đưa ra đề nghị với nhiệm vụ của PVCFC.
Trong tổ hợp Khí-Điện-Đạm này, đáng chú ý nhất phải kể đến Nhà máy Đạm Cà Mau. Đây là dự án phân bón thứ 2 của PVN sau Đạm Phú Mỹ. Sau 2 năm đi vào hoạt động đã cung cấp hơn 1,7 triệu tấn phân đạm cho sản xuất nông nghiệp cả nước, tổng doanh thu đạt hơn 13.800 tỉ đồng. Đặc biệt dự án này có giá trị quyết toán là 700 triệu USD, thấp hơn 200 triệu USD so với kế hoạch xây dựng ban đầu.
Tuy nhiên theo PVN, từ khi Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động (24/4/2012) đến nay, PVCFC có lãi nhờ vào chính sách bù giá khí theo lộ trình của Chính phủ. Song, cơ chế giá khí hiện nay Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận đến hết năm 2014.
Để đảm bảo cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu thành công, PVN cho biết đã có văn bản đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách giá khí phù hợp cho Nhà máy Đạm Cà Mau. Đồng thời phê duyệt gia hạn cơ chế điều tiết giá khí sau cổ phần hóa, trong giai đoạn từ 2015 đến hết năm 2018 để duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu như trước khi cổ phần hóa là 12%/năm và thực hiện giá thị trường sau 2018.
PVN cũng đề xuất sử dụng phần chênh lệch giá khí bán cho Đạm Phú Mỹ để hỗ trợ giá khí bán cho Đạm Cà Mau và xây dựng phương án kinh doanh 4 năm sau cổ phần hóa (từ 2015 đến 2018).
Doanh nghiệp cuối cùng trong 3 đơn vị phải cổ phần hóa đến cuối năm 2015 của PVN là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) – đơn vị PVN tiếp nhận từ Vinashin.
Việc cổ phần hóa DQS đang gặp khó khăn lớn do không đủ điều kiện cổ phần hóa (không còn vốn Nhà nước) theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
Tại thời điểm 31/12/2013, vốn chủ sở hữu âm (1.184) tỷ đồng do lỗ lũy kế (3.678 tỷ đồng). Toàn bộ khoản PVN trả Vinashin, Công ty Tài chính Vinashin và Ngân hàng Natasix thay cho DQS tại thời điểm nhận chuyển giao với số tiền 1.758,9 tỷ đồng và 11.452.222 USD cùng một số các tổn tại tài chính khác cũng chưa xử lý.
Bên cạnh đó, PVN đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ DQS trả YMC-Transtech khoản tín dụng thanh toán được Chính phủ bảo lãnh do DQS mất khả năng thanh toán cho các khoản nợ đến hạn.
Đối với DN này, PVN cho biết giữa tháng 4 vừa qua đã có báo cáo với đơn vị chủ quản là Bộ Công thương về hoạt động của DQS và kiến nghị một số giải pháp để thực hiện thành công công tác cổ phần hóa theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai “ông lớn” khó đẩy nhanh tiến độ trước cuối năm 2015
Hai đơn vị còn lại PVN sẽ tiến hành cổ phần hóa sau năm 2015 là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô rất lớn.
PV Power là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 Việt Nam sau EVN còn PV Oil đứng thứ 2 về thị phần tiêu thụ xăng dầu sau Petrolimex. Dự kiến sau cổ phần hóa PVN sẽ nắm 75% vốn tại cả 2 đơn vị.
Hiện tại PVN cho biết đã chỉ đạo 2 DN này xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2014 – 2015.
Tuy nhiên với PV Power, PVN được giao là chủ đầu tư 5 dự án điện than gồm Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1, trong đó 3 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng (Thái Bình 2, Long Phú 1 và Vũng Áng 1).
Dự án Vũng Áng 1 về cơ bản đã hoàn thành, dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm 2014 nhưng vướng mắc trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng và quyết toán dự án. 2 dự án (Thái Bình 2, Long Phú 1) đang triển khai đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 – 2020.
Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, PVN sẽ thực hiện chuyển giao các Nhà máy cho PVPower quản lý, vận hành. Trong trường hợp cổ phần hóa Công ty mẹ - PVPower ngay trong giai đoạn 2014 – 2015, việc chuyển giao các nhà máy điện do PVN làm chủ đầu tư cho PVPower sẽ phụ thuộc vào việc biểu quyết của các cổ đông thiểu số (PVN không được quyền biểu quyết).
Nếu các cổ đông thiểu số không chấp thuận, PVN không thể thu gọn lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng thành một đầu mối và chịu gánh nặng tài chính rất lớn do các nhà máy điện đang đầu tư có suất đầu tư, chi phí lớn, công nghệ chủ yếu dùng than nhập khẩu và giá bán điện phụ thuộc vào hợp đồng PPA với EVN.
Còn với PVOil, hiện PVN đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại PETEC cho PVOil để thu gọn đầu mối kinh doanh xăng dầu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên PVOil đang gặp nhiều khó khăn trong việc tái cơ cấu , xử lý các tồn tại của PETEC (lỗ, mất vốn Nhà nước) và các dự án nhiên liệu sinh học (nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm…), vì vậy PVOil chỉ có thể thực hiện các công tác chuẩn bị cho cổ phần hóa trong giai đoạn 2014 – 2015 và cổ phần hóa sau năm 2015./.
Nguyễn Phượng