Nếu Bộ GD&ĐT quyết định năm 2015 tổ chức một kỳ thi quốc gia chung thì học sinh lớp 12 (năm học 2014-2015) sẽ là lứa đầu tiên áp dụng cách thi này. Mai Huyền (lớp 12A6,ọcsinhlớphoangmangtrướcphươngaacutenthiquốkết quả valladolid THPT Liễn Sơn, Vĩnh Phúc) cho biết, từ khi nghe đề xuất phương án thi của Bộ, cả lớp em cùng các thầy cô đều hoang mang, không biết phải học như thế nào để phù hợp với kỳ thi quốc gia chung.
"Gộp 2 kỳ thi lớn làm một sẽ giảm được áp lực thi cử. Tuy nhiên, nếu là khóa đầu tiên thử nghiệm, chúng em sẽ phải làm quen với mô hình thi mới, cấu trúc bài làm mới mà đến giờ Bộ GD&ĐT vẫn chưa chốt phương án. Cảm giác mọi thứ thật mơ hồ, mông lung", nữ sinh nói.
Nguyễn Khắc Nghĩa (lớp 12A1, THPT Liễn Sơn, Vĩnh Phúc) cũng chia sẻ, suốt một tháng học hè vừa qua, ngày nào thầy và trò lớp em cũng bàn luận, cập nhật tin tức về phương án kỳ thi chung của Bộ Giáo dục. Giáo viên hiện cho học sinh làm đề theo cấu trúc năm 2014, nhưng vẫn xác định trước tâm lý cho các em là kỳ học thứ hai sẽ phải tăng tốc để thích ứng với những thay đổi.
Trong ba phương án thi Bộ GD&ĐT đề ra, Nghĩa và bạn bè, thầy cô của em nghiêng về phương án thứ nhất vì học sinh sẽ đỡ bị áp lực thi nhiều môn như phương án 2 và 3, đồng thời không phải đối mặt với đề thi tổng hợp chưa biết chất lượng, cấu trúc như thế nào.
Nhiều học sinh hoang mang không biết phải học như thế nào để thích hợp với phương án cuối cùng mà đến giờ Bộ vẫn chưa chốt. Ngọc Ly (thứ 2 từ phải sang) và các bạn trong lớp 12 Văn, THPT Chu Văn An, Hà Nội cũng mang tâm trạng như vậy. Ảnh: NVCC. |
Cả ba phương án thi, Nghĩa đều thấy sự thiệt thòi cho thí sinh không phải khối D vì có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Khắc Nghĩa dự định thi đại học khối A và B, nhưng để sẵn sàng cho kỳ thi quốc gia chung, em đã học thêm các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ. "Học chuyên sâu các môn của khối mình thi đã kín lịch rồi, giờ em lại phải học hai môn của khối D nữa. Nhưng Đại học Y mà em định thi vào thường lấy điểm rất cao nên tuy chưa biết năm nay đã áp dụng kỳ thi chung chưa, em vẫn phải chuẩn bị tốt nhất có thể", Nghĩa chia sẻ.
Nam sinh này đề xuất, chỉ nên để 2 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, các môn khác cho học sinh tự chọn để phù hợp với khả năng và hữu ích cho việc học đại học, công việc sau này. Em cho rằng, việc học sinh phải học và thi 11-12 môn trong suốt những năm cấp ba là nặng nề, nhiều môn không thực tế như: Giáo dục công dân, công nghệ. Việc thi trượt một môn mà phải ở lại lớp, học lại tất cả 11 môn gây lãng phí tiền học, làm mất thời gian của học sinh, phụ huynh, nhà trường. Nghĩa mong muốn trong tương lai, học sinh Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn môn học mình yêu thích và nghiên cứu chuyên sâu ngay từ năm cấp ba.
Chưa bước vào năm học mới nhưng Bùi Ngọc Ly (lớp 12 Văn, THPT Chu Văn An, Hà Nội) cũng đã "căng mình" lên học thêm tất cả các môn để "tránh lệch guồng" và không kịp thích nghi với những thay đổi khi có quyết định phương án thi cho năm 2015.
Ly cho biết, cá nhân em và nhiều bạn cùng khối cảm thấy vui khi Bộ GD&ĐT có động thái giảm tải thi cử cho học sinh. Tuy nhiên, "em khá băn khoăn liệu bài thi chung có thể đánh giá năng lực học sinh một cách chính xác và đồng đều hay không. Hơn nữa, vài năm trước em từng biết kỳ thi tốt nghiệp ở một số trường THPT được thực hiện không thực sự nghiêm túc. Vậy khi gộp hai kỳ thi làm một thì hiện tượng này liệu có xảy ra và kết quả bài thi của thí sinh có được đánh giá một cách nghiêm túc nhất không".
Trong ba phương án thi, Ngọc Ly cho rằng phương án một có lợi cho thí sinh nhất, dù Ngoại ngữ có thể là môn gây bất lợi cho nhiều bạn học khác khối D. Phương án hai sẽ kiểm tra được kiến thức tổng hợp của học sinh về Khoa học, Xã hội nhưng đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có quyết định hình thức thi chính thức nên nếu lựa chọn phương án này, áp dụng cho năm 2015, có thể khiến học sinh không kịp bắt nhịp, dẫn đến áp lực trong học tập, chất lượng thi cử không cao.
Phương án ba, theo Ngọc Ly xét về lâu về dài sẽ phù hợp với xu hướng giáo dục của nhiều nước tiên tiến. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, học sinh Việt Nam vốn quen với cách học tập trung vào những môn thi chính. Hơn nữa chương trình dạy học trong nhà trường cũng khá nặng về lý thuyết, nên việc áp dụng ngay phương án này là không hợp lý. Để thực hiện được phương án ba, nữ sinh này cho rằng, đầu tiên Bộ GD&ĐT cần cải cách chương trình học và cách dạy trong nhà trường để thay đổi thói quen học trọng tâm một số môn nhất định của học sinh.
"Cải cách lần này sẽ ảnh hưởng lớn tới một thế hệ học sinh. Vì thế, em hy vọng Bộ GD&ĐT có thể cân nhắc kỹ lưỡng những mặt lợi - hại của mỗi phương án, lắng nghe ý kiến giáo viên, phụ huynh, học sinh để sớm đưa ra quyết định đúng đắn, giúp chúng em yên tâm học tập, không bị sao lãng. Dù sẽ thi theo phương thức nào, điều quan trọng em mong muốn là sẽ đảm bảo được tính công bằng, nghiêm túc, đánh giá năng lực học sinh một cách chính xác", Ly tâm sự.
Nữ sinh THPT Chu Văn An cũng đề xuất, Bộ GD&ĐT thay đổi chương trình dạy và học để thay vì biến học sinh thành những con gà công nghiệp chỉ am hiểu kiến thức suông như hiện nay, sẽ cho người học cơ hội được học chuyên sâu môn mình thích, tương tác với giáo viên nhiều hơn và được bổ sung những kỹ năng mềm cơ bản phục vụ đời sống.
Ba phương án ra đề cho kỳ thi quốc gia chung thay thế thi tốt nghiệp và thi đại học của Bộ Giáo dục: Phương án 1 là theo môn thi. 8 môn gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa. Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử và Địa). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội. Phương án 3 cũng thi theo bài. 11 môn học lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi. Theo đó, sẽ có bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ. Tất cả sẽ có 4 buổi thi được tổ chức trong 2 ngày, mỗi buổi thi một bài. |
Nguồn VnExpress