(CMO) Các ngành chức năng đang tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó có việc sản xuất và kinh doanh rượu, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm. Đây là những hoạt động sẽ được thực hiện xuyên suốt trong Tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2017.
Thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, cung ứng rau, thịt, thuỷ sản; thanh, kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu; nhất là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện chả dương tính với hàn the. |
Một điểm đáng ghi nhận là qua quá trình thanh tra, kiểm tra, ý thức của người sản xuất kinh doanh đã được nâng lên, tuy nhiên, vấn đề vi phạm nhỏ lẻ còn diễn ra.
Ông Phạm Văn Hưng, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: “Năm nay chỉ mới phát hiện 1 cơ sở cá khô có sử dụng phụ gia thực phẩm. Riêng về rượu, từ trước đến nay chúng ta chưa phát hiện trường hợp nào bị ngộ độc nặng do methanol cao do các sản phẩm rượu truyền thống, lên men từ gạo có nồng độ methanol không vượt quá mức cho phép. Hiện nay tỉnh có 6 cơ sở có sản xuất rượu đăng ký và qua kiểm tra không có cơ sở nào vi phạm”.
Riêng về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động cấp phát tài liệu, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực NN&PTNT cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và tài liệu tuyên truyền đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, thời gian qua, ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được 111 lượt người, cấp 111 giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản cũng được thực hiện đồng bộ với việc đã kiểm tra 94 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thuỷ sản. Kết quả kiểm tra có 94 cơ sở đạt loại B. Phối hợp kiểm tra chất lượng nguyên liệu thuỷ sản (tạp chất), phát hiện 8 vụ vi phạm kinh doanh, vận chuyển tôm tạp chất, số lượng 983,6 kg, đã thực hiện xử lý theo quy định pháp luật.
Riêng ngành công thương, đơn vị chủ trì, Giám đốc Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản; phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế TP Cà Mau phối hợp với các đơn vị tổ chức triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017.
UBND các xã, phường, thị trấn, các ban quản lý chợ tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và hệ thống loa phát thanh địa phương về hướng dẫn sản xuất, sơ chế, kinh doanh, bảo quản, tiêu dùng rượu, rau, thịt, thuỷ sản an toàn; không sử dụng rượu được pha chế từ cồn công nghiệp, rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng quy định...
Đồng thời, chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các cơ sở thực phẩm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm thực hiện tốt các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đặng Duẩn